Bí thư Hà Nội: Một góc phố không sạch, cả hệ thống bị đánh giá

16:48, 27/06/2016
|

(VnMedia) - “Những vấn đề bức xúc của "bộ mặt" Thủ đô, lãnh đạo từng phường, xã, phải kiểm tra, giám sát hàng ngày; Phải rõ người, rõ việc, có sự đồng thuận vì cả Thành phố chỉ cần một góc phố vứt rác bừa bãi là cả hệ thống phải chịu đánh giá", Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nêu rõ.

vệ sinh môi trường
Ảnh minh họa

Sáng 27/6, Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội khóa XVI tổ chức Hội nghị lần thứ 5, thảo luận thông qua 2 Chương trình công tác lớn về đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển kinh tế và phát triển đồng bộ, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đô thị; Kế hoạch phát triển Kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020.

Phấn đấu vào Top 10 về chỉ số năng lực cạnh tranh

Với Chương trình 03 và 06, lãnh đạo Thành phố và các sở, ngành, địa phương thống nhất định hướng đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững.

Mục tiêu giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 8,5-9%, bình quân đầu người 140-145 triệu đồng, cơ cấu kinh tế năm 2020 dịch vụ chiếm 67-67,5%, công nghiệp xây dựng 30-30,5%, nông nghiệp 2,5-3%, huy động vốn đầu tư xã hội 2,5-2,6 triệu tỷ đồng, tỷ lệ lao động.

Đáng chú ý, Thành phố sẽ đề ra một loạt các yêu cầu giải pháp để nâng xếp hạng chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công và chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước.

Cụ thể, các giải pháp hướng tới cải thiện toàn diện các yếu tố căn bản tác động đến môi trường kinh doanh, công khai, minh bạch toàn bộ các quy hoạch xây dựng, đất đai, quy hoạch ngành, rút ngắn thời gian khởi sự kinh doanh, nâng tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng lên trên 50%, thời gian đăng ký kinh doanh tối đa là 2 ngày, thời gian tiếp cận điện năng còn dưới 26 ngày, tỷ lệ kê khai thuế quan qua mạng và nộp thuế điện tử đạt tối thiểu 9%%; cắt giảm 40% thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư.

Hà Nội cũng đề ra một loạt các mục tiêu phấn đấu để 5 năm tới sẽ trở thành một đô thị xanh, văn hiện, văn minh, hiện đại và có bản sắc, môi trường được cải thiện.

Trong đó, 9 chỉ tiêu chủ yếu để tiến tới có một hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu đô thị hóa và phát triển kinh tế xã hội: tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng: 20-25% (trong đó đường sắt đô thị 1-3%); Diện tích đất dành cho giao thông tăng đạt 10-13% đất đô thị; Phấn đấu trồng một triệu cây xanh; Hạ ngầm, xắp xếp các đường dây đi nổi; Tỷ lệ hộ dân đô thị được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế: 95 - 100%; Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh: 100%; Tỷ lệ rác thải được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường: Khu vực đô thị: 95-100%, khu vực nông thôn 90-95%; 100% chất thải nguy hại, chất thải y tế được xử lý; 100% khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn hoặc qui chuẩn quốc gia tương ứng.

Góp ý cho dự thảo Chương trình, Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội Nguyễn Trúc Anh kiến nghị: Thành phố nên tập trung xây dựng công viên cây xanh kết hợp hồ điều hòa để tạo không gian, cảnh quan cho nhân dân và chống úng ngập. Hà Nội đặt ra mục tiêu đạt 1 triệu cây xanh. Muốn làm được, cần có quy hoạch vành đai xanh cho Hà Nội. Đạt 1 triệu cây xanh nhưng không tạo vệ tinh xanh thì rất khó.

Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Hà Minh Hải thì đề nghị bổ sung, rà soát quy hoạch của từng chuyên ngành. Khi rà soát công bố công khai, minh bạch, từ có đó cơ chế đầu tư rõ ràng. Việc sửa đổi, bổ sung theo quy trình cần rút gọn, rút ngắn thời gian. Ngoài cơ chế đầu tư xây dựng, giải phóng mặt bằng, thì vấn đề xác định giá đất cần rõ ràng, minh bạch.

Đề cập đến vấn đề quản lý đất đai, theo Bí thư Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Đức Vinh thẳng thắn cho rằng, trong thực tế, khi công bố quy hoạch một khu đô thị mới thì bao giờ cũng rất đẹp nhưng sau khi điều chỉnh thì xảy ra nhiều vấn đề. Do đó, cần thực hiện tốt các quy hoạch Thủ đô đã được phê duyệt và đảm bảo nguồn lực, cơ chế thành phố ban hành phù hợp với nguồn lực như đấu giá sử dụng đất...

Bí thư Quận ủy Thanh Xuân Vũ Cao Minh thì đề nghị cần giải quyết ngay là quy hoạch treo. “Có những quy hoạch đã có từ rất lâu nhưng không được triển khai thực hiện mà cũng chẳng điều chỉnh làm người dân rất vất vả”.  

Chủ trì và phát biểu kết luận Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đánh giá: "Hà Nội 6 tháng qua có sáng hơn, có xanh hơn, có sạch hơn, nhưng "đẹp" thì còn phải làm nhiều nữa. Trong đó, quan trọng nhất phải tạo thành nếp văn hóa. Đây không phải là việc dễ khi mà ý thức một bộ phận dân cư, và cả lãnh đạo chưa thông suốt. Những vấn đề bức xúc của bộ mặt Thủ đô, lãnh đạo từng phường, xã, phải kiểm tra, giám sát hàng ngày, phải xây dựng, kiểm tra và cả xử lý nghiêm để tạo được nếp sống văn minh của người Hà Nội. Phải rõ người, rõ việc, sự đồng thuận vì cả TP chỉ cần 1 góc phố vứt rác bừa bãi là cả hệ thống phải chịu đánh giá", Bí thư Thành ủy nêu rõ.

Trong 6 tháng cuối năm, người đứng đầu Đảng bộ TP. Hà Nội lưu ý lãnh đạo các cấp, các ngành tiếp tục bám sát các nghị quyết chỉ đạo, 8 chương trình công tác lớn; các kế hoạch của Thành phố đã được thông qua, kiên quyết thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đã được đề ra, nhất là những nhiệm vụ trọng tâm, các công trình trọng điểm, chủ động có giải pháp khắc phục ngay những mặt yếu kém, chưa làm được còn tồn tại trong 6 tháng đầu năm để tập trung chỉ đạo thực hiện. 

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc