Cần làm rõ các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội

06:29, 20/05/2016
|

(VnMedia) - Nguyên Chủ nhiệm VPQH, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Mão cho rằng, trong Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp sau này cần được sửa đổi và bổ sung để làm rõ các tiêu chuẩn của đại biểu.

Vũ Mão
Nguyên Chủ nhiệm VPQH Vũ Mão

Thời gian vừa qua, vấn đề ứng cử viên nào đủ tiêu chuẩn, xứng đáng được lựa chọn để người dân bầu làm đại biểu Quốc hội luôn được người dân quan tâm. Trao đổi vấn đề này tại buổi giao lưu trực tuyến “Ngày hội non sông”, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Mão cho biết, trong nhiều khóa Quốc hội, việc thảo luận để thông qua Luật bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND cũng có nhiều ý kiến rất phong phú về tiêu chuẩn của các vị đại biểu.

“Loại ý kiến thứ nhất là trong luật chỉ nên quy định rất gọn. Loại ý kiến thứ hai là đề nghị trong luật phải quy định cụ thể thì mới dễ triển khai. Đa số ý kiến đồng tình với loại ý kiến thứ nhất, nhưng cũng yêu cầu là phải có những văn bản hướng dẫn cụ thể về các tiêu chuẩn của đại biểu” - ông Vũ Mão cho biết.

Theo ông Vũ Mão, trên thực tiễn các cử tri tham gia bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp thường đòi hỏi những tiêu chuẩn và tiêu chí rất cụ thể của các ứng cử viên. Do đó, ở các cuộc tiếp xúc với cử tri, nhiều ứng cử viên cũng phân tích rõ những ý kiến về tiêu chuẩn và cụ thể là họ trình bày tương đối rõ ràng trong các chương trình hành động. Tuy nhiên, chúng ta phải có những tiêu chuẩn rất cụ thể của đại biểu thì cử tri mới dễ dàng nhận biết và từ đó bầu ra những người xứng đáng đại diện cho mình ở các cơ quan quyền lực nhà nước.

Từ phân tích ở trên, Nguyên Chủ nhiệm VPQH, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Mão cho rằng, trong Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp sau này cần được sửa đổi và bổ sung để làm rõ các tiêu chuẩn của đại biểu.

Theo ông, tiêu chuẩn thứ nhất là "Trung thành với Tổ quốc Việt Nam XHCN, trung thành với Hiến pháp của nước CHXHCN Việt Nam" vẫn còn hơi chung chung. Vì thế nên cần phải cụ thể hóa cho đầy đủ và rõ ràng hơn.

Về tiêu chuẩn “có phẩm chất đạo đức tốt”, theo ông Vũ Mão, cần nêu rõ hơn đạo đức tốt là như thế nào. “Ví dụ như không tham nhũng, luôn luôn rèn luyện bản thân đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực...” - ông Vũ Mão nói.

Đối với tiêu chuẩn là phải “có năng lực để thực hiện nhiệm vụ của đại biểu” cần được làm rõ năng lực là như thế nào? “Lâu nay có xu hướng chạy theo bằng cấp, học hàm học vị. Thực ra những vấn đề đó cũng cần phải có ở mức độ nhất định, nhưng nếu nhấn mạnh quá thì sẽ trở thành hình thức, không thực chất.” - ông Vũ Mão nói.

Về tiêu chuẩn “liên hệ mật thiết với quần chúng, lắng nghe ý kiến của nhân dân, kịp thời phản ánh với các cấp có thẩm quyền để giải quyết kiến nghị của nhân dân”, theo ông Vũ Mão, là vẫn còn chung chung nên rất khó đánh giá.

“Tôi đề nghị cần nêu rõ một ĐBQH hoặc đại biểu HĐND trong một năm phải tiếp xúc với cử tri ở cơ sở bao nhiêu lần? Thời lượng tiếp xúc là bao nhiêu? Hoặc như những kiến nghị của cử tri thì quy trình giải quyết như thế nào? Lâu nay, việc giải quyết những kiến nghị của cử tri còn rất hạn chế, không đi đến cùng cho nên cử tri không thỏa mãn, rồi đại biểu cũng ngại tiếp xúc với cử tri ở lần sau. Vì thế, tôi đề nghị phải có những quy định rất cụ thể về vấn đề này” - ông Vũ Mão nêu rõ.

Về tiêu chuẩn “đại biểu phải có điều kiện để tham gia hoạt động ở QH, HĐND các cấp”, cần phải làm rõ điều kiện đây là thế nào, bởi trên thực tế, các đại biểu còn thiếu rất nhiều điều kiện để làm tròn trách nhiệm của mình. “Phải quy định rõ ĐBQH phải nỗ lực làm tròn trách nhiệm đại biểu nhưng đồng thời các cơ quan hữu quan cũng phải có cơ chế để giúp cho đại biểu làm tròn trách nhiệm của mình. Nếu làm được như vậy thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cử tri chọn được người xứng đáng nhất để bầu vào các cơ quan quyền lực nhất” - ông Vũ Mão đề nghị.


Ý kiến bạn đọc