Phát hiện nhiều sai phạm tại Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam

13:24, 04/04/2016
|

Ông Ngô Văn Khánh, Phó tổng Thanh tra Chính phủ vừa ký thông báo kết luận thanh tra tại Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV).



Theo đó,kết luận của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra, DIV đã để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm từ khâu lập và chấp hành kế hoạch tài chính, quản lý chi phí và sử dụng nguồn vốn tạm thời đầu tư.

Mua vali, cặp công vụ vượt chi 3,2 tỷ đồng

 Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam đã vi phạm trong việc xây dựng, phê duyệt kế hoạch tài chính và báo cáo tài chính năm 2011-2013. Năm 2011-2012 chi vượt kế hoạch nhưng không báo cáo, không được Bộ Tài chính chấp thuận số tiền trên 45,6 tỷ đồng.

Năm 2012-2013 chi vượt mức cho trang phục giao dịch gần 3,5 tỷ đồng, chi công tác phí năm 2012 đi nước ngoài vượt 380 triệu đồng, chi vượt 1,24 tỷ đồng chi phí đào tạo tập huấn trong nước năm 2011.

Năm 2011 DIV chi trang phục giao dịch vượt quy định 1,39 tỷ đồng; chi mua điện thoại và tiền cước di động không đúng đối tượng quy định là hơn 1 tỷ đồng; chi mua vali, cặp công vụ sai quy định là trên 3,2 tỷ đồng.

Đồng thời chi lễ tân, giao dịch đối ngoại, khánh tiết, hội nghị, tuyên truyền, quảng cáo vượt quy định (7%) là gần 11 tỷ đồng; chi quà hội nghị hội thảo là trên 700 triệu đồng; vi phạm Luật Kế toán đối với chứng từ công tác phí của các đoàn đi dự hội nghị, hội thảo là trên 5,3 tỷ đồng, chi tiếp khách trên 22,6 tỷ đồng; thanh toán tiền công tác phí vượt số ngày quy định số tiền trên 321 triệu đồng.

Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra DIV  đã chưa thực hiện nghiêm túc quy định thực hành tiết kiệm chống lãng phí như chi thuê bảo vệ chuyên nghiệp tại trụ sở là 678 triệu đồng, chi mua cốc pha lê, lọ hoa, bút gỗ làm quà tặng là gần 4 tỷ đồng.

Việc thuê trụ sở làm việc tại 109 Trần Hưng Đạo năm 2012 sai về thủ tục đấu thầu, thẩm định giá. Hạng mục ngăn phòng làm việc năm 2014 có nhiều vi phạm về trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng như ký hợp đồng xây lắp, chỉ định thầu sau khi nhà thầu đã khởi công...

DIV đã để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm từ khâu lập và chấp hành kế hoạch tài chính, quản lý chi phí và sử dụng nguồn vốn tạm thời đầu tư

Bị kỷ luật vẫn được chi lương?

Đáng chú ý, đơn vị này chi lương tăng thêm và thưởng năm 2010 cho 2 thành viên HĐQT chuyên trách bị xử lý kỷ luật sai quy định trên 785 triệu đồng; chi vượt tổng quỹ lương của HĐQT năm 2010 cho 2 thành viên chuyển trách 44,3 triệu đồng.

“Quỹ khen thưởng hội đồng quản trị vượt mức 3 tháng lương thực tế là 533 triệu đồng, chi thưởng danh hiệu cho tập thể, cá nhân vượt mức quy định là trên 7 tỷ đồng, chi thưởng ngoài ngành năm 2013 cho các cá nhân, tập thể và ngày nghỉ lễ, tết là trên 2 tỷ đồng không đầy đủ chứng từ, không ký nhận theo quy định” - kết luận thanh tra nêu rõ.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra một loạt sai phạm khác tại Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam liên quan tới công tác tài chính khác như: vi phạm việc đầu tư công trình trụ sở làm việc tại chi nhánh khu vực phía Nam Trung bộ và Tây Nguyên làm thất thoát nhiều tỷ đồng, vi phạm về việc cấp, thu hồi chứng nhận bảo hiểm tiề gửi, quản lý thu phí, có nhiều đơn vị kê khai thiếu phí và chi trả bảo hiểm.

Trước các sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ kiếm nghị Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam kiểm điểm và chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm cá nhân và tập thể liên quan đến các vi phạm gắn với từng thời điểm, thời kỳ cụ thể đã nêu.

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị phải xem xét trách nhiệm cá nhân trực tiếp tham mưu, phê duyệt, thực hiện, kiểm soát với một số khoản chi sai nhưng việc thu hồi là không khả thi, chi vượt kế hoạch và thực hiện không đúng chỉ đạo của Bộ Tài chính…


Ý kiến bạn đọc