40 tấn cá chết vì "trúng độc" đã đi đâu?

09:29, 26/04/2016
|

Theo Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đã có khoảng trên 40 tấn cá, tôm, hải sản các loại chết từ vùng biển Hà Tĩnh - Thừa Thiên-Huế. Việc quản lý số lượng hải sản bị chết này được thực hiện như thế nào?

Ông Như Văn Cẩn - Cục trưởng Cục Nuôi trồng thủy sản - Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) - cho biết: 40 tấn cá chết chỉ là phép tính chưa đầy đủ, chỉ tính số lượng cá chết và nổi trên mặt nước, dạt vào bờ, chưa tính số cá chết có khả năng đã chìm dưới biển.

Như vậy, số lượng cá chết không chỉ dừng lại ở con số 40 tấn. Hiện tại, Bộ NNPTNT đã giao các tỉnh có cá bị chết hàng loạt thống kê, báo cáo về bộ.  Ông Võ Văn Hưng - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị - cho biết: Do đặc điểm địa hình tại vùng biển ở đây, có rặng san hô và bãi đá ngầm, nên lượng cá tập trung ở vùng nhiều hơn khu vực khác. Do vậy, khi gặp điều kiện bất thường, lượng cá chết tập trung tại khu vực này cũng nhiều hơn. 

Cũng theo ông Hưng, trong những ngày đầu, khi thấy hiện tượng cá chết rải rác dạt vào bờ, người dân ven biển không hiểu nên đã lấy về sử dụng. Sau đó, thấy hiện tượng cá chết nhiều bất thường, được chính quyền và Sở NNPTNT tỉnh khuyến cáo nên người dân không sử dụng chế biến thành thức ăn. Ngày 21.4.2016, sau khi nhận được khuyến cáo của Bộ NNPTNT, Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với chính quyền địa phương huy động nhân dân thu gom, tiêu hủy bằng cách rắc vôi bột chôn để đảm bảo vệ sinh. Lực lượng chức năng của tỉnh nhà cũng tăng cường kiểm tra, giám sát để người dân không “tiếc của” hoặc “nảy lòng tham” đào trộm cá chết để tiêu thụ hoặc cấp đông chờ dư luận dịu xuống sẽ chế biến thành nước mắm, mắm tôm tiêu thụ ra thị trường. 

Cá mới chết trôi dạt vào bờ sông Nhật Lệ (TP.Đồng Hới, Quảng Bình) sáng 25.4. Ảnh: Lê Phi Long  Tại Thừa Thiên - Huế, do số lượng cá tự nhiên ngoài biển chết không nhiều, lại chưa hiểu nguyên nhân nên những ngày đầu người dân cũng lấy cá về ăn. Ngoài cá tự nhiên, cá lồng do dân nuôi cũng chết. Trong đó có 3.600 con cá con, 6.000 con cá bớp có trọng lượng từ 0,5-3kg. Các chủ lồng tiếc của đã lấy ăn. Sau đó, lo ngại trước hiện tượng bất thường nên người dân không sử dụng nữa. Sở NNPTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế đã hướng dẫn người dân tiêu hủy cá chết bằng cách chôn với vôi bột để khử trùng. 

Tại Hà Tĩnh, người dân cũng chỉ ăn cá do những ngày đầu, nhưng sau khi thấy hiện tượng bất thường, chẳng ai dám vớt cá về chế biến thực phẩm.  Chặn tiêu thụ sản phẩm từ cá chết ra thị trường?  Trước tình trạng cá chết hàng loạt, Bộ NNPTNT đã có văn bản chỉ đạo các tỉnh nghiêm cấm sử dụng cá chết làm thực phẩm dưới mọi hình thức; khẩn trương tổ chức thu gom cá chết và tiêu hủy theo quy định để hạn chế ô nhiễm môi trường; yêu cầu người dân không thu gom cá chết để tiêu thụ trên thị trường gây ảnh hưởng đến vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Bộ NNPTNT cũng đã cử cán bộ có chuyên môn liên quan phối hợp với các đoàn công tác của Bộ NNPTNT phối hợp với cơ quan Trung ương lấy mẫu, xét nghiệm, xác định nguyên nhân cá chết, đề xuất các biện pháp khắc phục và thông báo kịp thời để người dân biết; thống kê, báo cáo tình hình hải sản bị thiệt hại, thu gom, xử lý, trong đó có số lượng thủy sản nuôi bị thiệt hại; tạm thời chưa thả giống, không lấy nước vào bè nuôi, ao đầm nuôi ven biển vùng bị thiệt hại trong khi chờ xác định nguyên nhân... 

Đại diện Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49) - Bộ Công an cho biết: C49 đang tăng cường điều tra, trinh sát để ngăn chặn tình trạng lén lút vận chuyển, buôn bán, chế biến số lượng cá chết.


Ý kiến bạn đọc