Vĩnh Phúc: Chủ tịch xã ký khống vào giấy chứng thực chuyển nhượng đất

07:00, 04/03/2016
|

(VnMedia) - Doanh nghiệp thuê đất với thời hạn 5 năm, nhưng khi quá hạn hợp đồng thuê đất, người dân thôn Cao Xá, xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc đi đòi đất thì phát hiện toàn bộ diện tích đất ruộng đã biến thành sở hữu của doanh nghiệp.

Người dân tụ tập xã Cao Đại để đối chất với lãnh đạo xã
Người dân tụ tập xã Cao Đại để đối chất với lãnh đạo xã

Theo phản ánh của người dân xóm Sông Hồng, thôn Cao Xá, xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2008, họ cho Công ty TNHH Hồng Vân thuê 30.000m2 đất để trồng ngô với thời hạn hợp đồng kéo dài 5 năm (2008-2013).

Tuy nhiên khi hết hạn hợp đồng, người dân yêu cầu Công ty TNHH Hồng Vân trả lại số diện tích đất trên nhưng không được chấp nhận. Sau khi đến hạn trả lại đất nhưng Công ty TNHH Hồng Vân vẫn không trả lại đất, người dân đã kéo nhau ra Công ty Hồng Vân lập chốt, rào cổng không cho công ty Hồng Vân hoạt động để đòi đất. Sau khi không nhận được câu trả lời thỏa đáng của Công ty THHH Hồng Vân, tiếp tục người dân đã lên UBND xã Cao Đại phản hồi và đòi lại đất thì họ mới “tá hỏa” là hợp đồng cho Công ty THHH Hồng Vân từ “thuê đất” sang “chuyển nhượng đất”.

Điểm bất thường, trong khi rất nhiều người dân khẳng định không ký vào hợp đồng chuyển nhượng đất cho công ty TNHH Hồng Vân thì tại hợp đồng chuyển nhượng đất lại có lời chứng thực của ông Đặng Ngọc Minh - Chủ tịch UBND xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.

Tờ chứng thực ông Minh ký ghi rõ “ngày 26 tháng 8 năm 2008, tại UBND xã Cao Đại, Tôi Đặng Ngọc Minh – Chủ tịch UBND xã Cao Đại chứng thực bên A (tên hộ dân) và ông Nguyễn Văn Xuân – đại diện công ty Hồng Vân, các bên tự nguyện giao kết hợp đồng. Tại thời điểm chứng thực, các bên đã giao kết hợp đồng có năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật...”.

Chiều ngày 3/3, trao đổi với PV, ông Đặng Ngọc Minh – chủ tịch UBND xã Cao Đại lý giải, do ông tin tưởng cấp dưới và hồ sơ công ty Hồng Vân trình nên đã ký các tờ chứng thực này. Tại thời điểm ký, không có mặt của 2 bên là bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng. “Tôi thừa nhận là mình sai xót. Tất cả là do quá tin tưởng vào cấp dưới” - ông Minh nói.

Cũng theo ông Minh, bản hợp đồng là do công ty THHH Hồng Vân và người dân ký, đó là thỏa thuận giữa 2 bên, còn việc người dân “tố” công ty Hồng Vân làm giả chữ ký thì đã có kết luận giám định của Cơ quan CSĐT công an huyện Vĩnh Tường. Sau khi tiến hành điều tra, ngày 5/8/2015, Công an huyện Vĩnh Tường đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự liên quan đến tố cáo người dân xã Cao Đại

Ngoài ra, việc người dân không lấy lại được đất từ Công ty THHH Hồng Vân sau khi cho thuê là bởi năm 2009, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành quyết định thu hồi hơn 9.000m2 đất của 36 hộ dân giao cho Công ty TNHH Hồng Vân thuê trong thời gian 49 năm. Sau khi nhận chỉ đạo từ cấp trên, chính quyền xã đã tổ chức thông báo kịp thời, công khai chủ trương thu hồi đất. Tất cả người dân đồng tình ủng hộ thì quyết định sau đó mới được thực thi.

Về về việc Công ty THHN Hồng Vân sử dụng sai một phần diện tích từ trồng ngô sang đổ đất phục vụ sản xuất gạch thì ông Minh cho biết việc đó Công ty đã bị xử lý phạt hành chính.

Theo quyết định số 3825/QĐ-UBND ngày 22/10/2008 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc thì Công ty TNHH Hồng Vân chỉ được phép xây dựng lò nung gạch liên tục kiểu đứng. Song, trên thực tế, cơ sở này đang nung gạch bằng lò ngang.  Việc làm này của Công ty TNHH Hồng Vân đã bị Thanh tra Sở Xây dựng Vĩnh Phúc xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 30 triệu đồng và yêu cầu cơ sở này lập hồ sơ xin cấp phép xây dựng bổ sung theo quy định. Tuy nhiên, từ đó đến nay, thay vì chấp hành nội dung trong quyết định xử phạt trên, công ty Hồng Vân vẫn tiếp tục sản xuất gạch lò ngang gây ảnh hưởng môi trường.

Bài 3: Mâu thuân kết luận cơ quan CSĐT công an huyện Vĩnh Tường 


Ý kiến bạn đọc