Chống tham nhũng: Sẽ "sờ" đến cả doanh nghiệp ngoài nhà nước!

20:31, 04/03/2016
|

(VnMedia) - Để thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới, Bộ Tư pháp vừa đề xuất sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành, trong đó đáng chú ý là mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật ra cả khu vực ngoài nhà nước...

Sáng 4/3, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng. Báo cáo tại Hội nghị, Quyền Chánh thanh tra Bộ Tư pháp Nguyễn Hồng Diện cho biết, qua 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Bộ Tư pháp nhận thấy trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp ít xảy ra tham nhũng.

“Nhìn chung, công tác phòng, chống tham nhũng trên các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp đã đạt được hiệu quả khá cao, thực hiện được các nội dung cơ bản Luật Phòng, chống tham nhũng cũng như Chương trình hành động phòng, chống tham nhũng của Chính phủ và của ngành Tư pháp.” - ông Diện phát biểu.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Diện cũng cho biết, mặc dù công tác phòng, chống tham nhũng đã được đẩy mạnh, tạo ra những hiệu quả thiết thực, song vẫn còn bộc lộ một số hạn chế nhất định, trong đó có việc một số đơn vị chưa tích cực trong việc tự kiểm tra phát hiện và phòng ngừa đối với các hành vi tiêu cực, tham nhũng.

Đặc biệt, lãnh đạo Bộ Tư pháp cho rằng, nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức đối với công tác phòng, chống tham nhũng còn hạn chế; vẫn còn tư tưởng thờ ơ, xem nhẹ vai trò, hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng, coi đây là việc của cơ quan, tổ chức khác, hoặc cho rằng việc phòng, chống tham nhũng chỉ là khẩu hiệu mang tính hình thức nên không muốn dành thời gian hoặc công sức cho công tác này.

Báo cáo của Bộ Tư pháp cũng nhấn mạnh, công tác phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng cũng là công việc rất khó khăn, phức tạp, cần phải thận trọng, khách quan, kết luận đúng người, đúng tội để xử lý nghiêm minh, trong khi đó các thủ đoạn, hành vi tham nhũng ngày càng phức tạp và tinh vi hơn, đặc biệt các vụ việc có tổ chức, liên quan đến nhiều cán bộ, công chức. Ngoài ra, tổ chức bộ máy, cán bộ công chức, phương tiện làm việc và sự phối hợp giữa cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ trực tiếp phát hiện, xử lý tham nhũng còn bất cập...

tham nhũng
Ảnh minh họa

Sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống tham nhũng

Trước thực trạng đó, Bộ Tư pháp đưa ra kiến nghị, trong đó nổi bật là đề xuất sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống tham nhũng với 10 điểm đáng chú ý.

Theo đó, vấn đề đầu tiên cần sửa đổi trong Luật là mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật, bao gồm cả các chủ thể ở khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước.

Thứ hai, Bộ Tư pháp đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định về công khai, minh bạch của Luật theo hướng quy định rõ về nguyên tắc công khai, minh bạch trong các hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc khu vực nhà nước, trừ những nội dung thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật; bổ sung các yêu cầu về nội dung, hình thức cụ thể nhằm tăng cường khả năng tiếp cận thông tin của người dân; trách nhiệm thực hiện công khai, minh bạch của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; công khai, minh bạch trong hoạt động kinh doanh.

Thứ ba, mở rộng chế định này theo hướng quy định về trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức, cơ quan khác khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao; gắn giữa kết quả thực hiện giải trình với việc đánh giá tín nhiệm của các chức danh quản lý và đánh giá hiệu quả thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức qua đó tăng cường tính trách nhiệm và minh bạch hóa hoạt động của bộ máy công vụ.

Thứ tư, sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật theo hướng mở rộng khái niệm quà tặng bao gồm cả lợi ích vật chất và các lợi ích khác; quy định rõ về định mức quà tặng tối đa; trách nhiệm kê khai, thông báo về việc nhận quà tặng; việc tiếp nhận, xử lý thông tin về việc tặng quà và nhận quà tặng; xử lý trách nhiệm tối đa với các trường hợp vi phạm quy định về việc tặng quà và nhận quà tặng.

Thứ năm, quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu cần được sửa đổi căn bản theo hướng làm rõ khái niệm người đứng đầu và trách nhiệm người đứng đầu nhằm cá thể hóa trách nhiệm theo từng cấp độ quản lý khi để xảy ra vụ việc tham nhũng; quy định về việc loại trừ trách nhiệm của người đứng đầu khi đã áp dụng tất cả các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn theo quy định của pháp luật hoặc trong trường hợp không bắt buộc phải biết.

Thứ sáu, bổ sung quy định về thẩm quyền khởi tố và điều tra ban đầu cho thanh tra và kiểm toán giống như kiểm lâm và hải quan đối với các vụ việc qua thanh tra, kiểm toán phát hiện có dấu hiệu tham nhũng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm toán.

Thứ bảy, hoàn thiện quy định về việc bảo vệ người tố cáo, người cung cấp thông tin về vụ việc tham nhũng (hiện tại pháp luật chưa quy định về các biện pháp bảo vệ người cung cấp thông tin) nhằm tạo điều kiện để người dân, cán bộ, công chức, viên chức mạnh dạn tố cáo tham nhũng, đặc biệt là nâng cao hiệu quả chủ động phát hiện tham nhũng trong nội bộ của cơ quan, tổ chức, đơn vụ; quy định việc miễn giảm trách nhiệm đối với người có hành vi vi phạm bị phát hiện nhưng đã chủ động khai báo, hợp tác với cơ quan có thẩm quyền để tiếp tục làm rõ vụ việc, hạn chế hậu quả (quy định hiện tại chưa đầy đủ.)

Thứ tám, quy định rõ hơn về các hình thức xử lý và thẩm quyền xử lý các hành vi tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật khác có liên quan nhưng chưa đủ các yếu tố cấu thành tội phạm như không thực hiện việc công khai, minh bạch; không trả lại quà tặng; hoặc các hành vi có dấu hiệu tham nhũng được thực hiện bởi người không có chức vụ, quyền hạn.

Thứ chín, quy định rõ về phương thức tham gia của các tổ chức xã hội, bổ sung các biện pháp bảo đảm sự tham gia của các tổ chức xã hội như quy định việc đề xuất các sáng kiến phòng, chống tham nhũng của các tổ chức xã hội; việc huy động các tổ chức xã hội trong xây dựng thể chế và đánh giá hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng (hợp tác công - tư) nhằm tiếp tục kế thừa và phát huy những kết quả đạt được thời gian qua từ một số chương trình như VACI (sáng kiến chống tham nhũng Việt Nam) và ACD (Đối thoại về phòng, chống tham nhũng).

Thứ mười, quy định về các nguyên tắc hợp tác, nội dung hợp tác và phương thức thực hiện giữa các quốc gia, tổ chức quốc tế, cơ quan chức năng (trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý; chia sẻ kinh nghiệm…); quy định về cơ quan đầu mối và trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng, bao gồm: Thanh tra Chính phủ là đầu mối trong thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; Bộ Tư pháp là đầu mối trong thu hồi tài sản tham nhũng và tương trợ tư pháp dân sự; Viện Kiểm soát là đầu mối tương trợ tư pháp hình sự; Bộ Công an là đầu mối dẫn độ tội phạm và chuyển giao người bị kết án phạt tù.

Cùng với việc đề xuất sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống tham nhũng, Bộ Tư pháp cũng kiến nghị rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật khác có liên quan.


Ý kiến bạn đọc