Chính phủ, Mặt trận tổ quốc "vào cuộc" chống thực phẩm bẩn

08:33, 31/03/2016
|

(VnMedia) - Ngày 30/3/2016, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBTWMTTQ Việt Nam) Nguyễn Thiện Nhân đã ký Chương trình phối hợp vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020.

Tại hội nghị liên tịch thường niên của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, kiểm điểm việc phối hợp công tác năm 2015, bàn nhiệm vụ trọng tâm năm 2016, diễn ra ngày 30/3, sau buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã ký Chương trình phối hợp vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020.

Mục đích của Chương trình này nhằm tổ chức vận động toàn xã hội, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, từng hộ gia đình, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, tạo chuyển biến căn bản trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên cơ sở hình thành vững chắc nếp sống văn hóa: nông dân Việt Nam phải là người sản xuất thực phẩm an toàn, người Việt Nam tiêu dùng thực phẩm phải an toàn, góp phần bảo đảm sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, nâng cao uy tín quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế.

Tạo dư luận xã hội mạnh mẽ cổ vũ, biểu dương và tổ chức nhân rộng các điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; đồng thời kiên quyết phê phán và xử lý theo quy định của pháp luật hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn. Thông qua thực hiện chương trình phối hợp này đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, quy định pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đảm bảo an toàn thực phẩm.

thực phẩm bẩn
Thực phẩm bẩn gây nhức nhối dư luận. Ảnh minh họa

Mục tiêu phấn đấu của Chương trình phối hợp vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020, là đến năm 2020 vận động ít nhất 90% số hộ sản xuất nông nghiệp, chế biến, kinh doanh thực phẩm đăng ký, cam kết và trên 60% số hộ được công nhận là sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; 100% số hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông nghiệp được công nhận là sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Tất cả các xã được công nhận nông thôn mới và phường, thị trấn được công nhận đô thị văn minh phải đạt tiêu chí an toàn thực phẩm.

Chương trình cũng đề ra các những nội dung phối hợp và giải pháp thực hiện cụ thể, trong đó có tổ chức hoạt động tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia bảo đảm an toàn thực phẩm; xây dựng và nhân rộng các hộ nông dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; tổ chức giám sát chấp hành pháp luật an toàn thực phẩm; phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm; tổ chức tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị, phát giác của nhân dân đối với hành vi vi phạm an toàn thực phẩm; định kỳ sơ kết và tổng kết việc thực hiện chương trình phối hợp;…Chương trình cũng phân công trách nhiệm cụ thể đối với các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng như đối với Ban Thường trực UBTWMTTQ và các tổ chức thành viên của Mặt trận.


Ý kiến bạn đọc