Miền Tây hạn hán nghiêm trọng nhất trong 100 năm qua

15:54, 17/02/2016
|
 
Hạn hán và xâm nhập mặn được đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng, nặng nhất 100 năm qua, gây thiệt hại nặng nề các tỉnh miền Tây.
 
Mô tả ảnh.
Hàng chục nghìn ha lúa ở miền Tây chết do nước mặn xâm nhập. Ảnh: Cửu Long
 

"Dù chúng ta có biện pháp ứng phó nhưng thiệt hại vẫn xảy ra và sẽ nghiêm trọng hơn, do vậy cần phải cấp bách thống nhất các biện pháp ứng phó thiên tai", Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nói tại Hội nghị phòng chống hạn, xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long, sáng 17/2.

Theo Bộ trưởng Phát, trước mắt phải bảo vệ vụ lúa đông xuân 1,55 triệu ha trên đồng, sau đó tính chuyện an toàn cho vụ hè thu cũng như đời sống sản xuất của người dân. Đồng thời, địa phương phải có giải pháp tầm nhìn tương lai để ứng phó với tình trạng hạn và xâm nhập mặn khốc liệt, gay gắt hơn.

Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, năm 2015 do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên mùa mưa đến trễ và kết thúc sớm. Tổng lượng mưa trên lưu vực thiếu hụt 20-50% trung bình nhiều năm. Mực nước thượng nguồn sông Me Kong tiếp tục xuống nhanh và thấp nhất trong vòng 90 năm qua.

Mùa khô năm nay do thiếu nước ngọt, mặn xuất hiện sớm 2 tháng và nhiều khả năng kết thúc muộn. Hiện, trên các hệ thống sông chính ở miền Tây, mặn xâm nhập sâu 40-93 km, tăng 10-15 km so với các năm trước.

Gần 340.000 ha trong tổng số 1,55 triệu ha lúa đông xuân đang sản xuất tại miền Tây có nguy cơ bị xâm nhập mặn và hạn. Trong đó, 104.000 ha lúa bị thiệt hại nặng nề, hàng chục nghìn ha bị chết.

Tỉnh Vĩnh Long nằm rất xa biển nhưng lần đầu bị nước mặn tấn công. Tỉnh Kiên Giang công bố tình trạng thiên tai hơn 40.000 ha lúa bị chết, đời sống sản xuất của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng… Nhiều khả năng, các địa phương Bến Tre, Trà Vinh, Vị Thanh, Rạch Giá thiếu nước ngọt sinh hoạt từ 2 tháng trở lên.Theo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long là vựa lương thực, chiếm 55,5% sản lượng lúa, 70% trái cây, 69% thủy sản của cả nước. Do vậy việc phòng chống hạn, mặn cho vùng này là vấn đề sống còn.

Hàng nghìn hecta lúa chết do rét đậm, rét hại

Đợt rét đậm, rét hại kéo dài vừa qua đã làm cho gần 800 ha diện tích lúa vụ đông xuân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình chết rét hoàn toàn, kém phát triển. Hàng nghìn ha lúa, mạ của bà con nông dân Thanh Hóa cũng đang bị chết rét.

Mô tả ảnh.
Người nông dân Quảng Bình trở nên điêu đứng vì lúa chết hàng loạt do rét đậm, rét hại kéo dài.

Không chỉ lúa chết do rét, người nông dân Quảng Bình còn điêu đứng bởi nạn chuột phá hại mùa màng và sâu bệnh phát triển mạnh trên diện rộng.

Nhằm động viện bà con nông nhân, những ngày đầu xuân, ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cũng đại diện các sở ban ngành đã đi kiểm tra tại một số địa phương và yêu cầu UBND các huyện tiếp tục rà soát lại diện tích cây trồng đã bị ảnh hưởng bởi rét đậm, rét hại để có chính sách hỗ trợ, đồng thời vận động bà con nông dân tiếp tục gieo trồng lại các diện tích đã bị thiệt hại…

Cùng với đó, Chi cục Bảo vệ thực vật cũng đề nghị các địa phương tích cực triển khai biện pháp phòng trừ, nhất là đối với chuột và tiến hành phun thuốc trừ các bệnh hại lúa, tăng cường biện pháp chăm bón cây lúa.

Trong khi đó, theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, vụ Xuân 2016, toàn tỉnh Thanh Hóa có trên 12.500 ha lúa và 766 ha mạ bị chết do đợt rét đậm, rét hại vừa qua.


Ý kiến bạn đọc