Sai phạm hàng chục nghìn tỷ tại Tổng Công ty Lương thực Miền Nam

21:48, 09/12/2015
|

(VnMedia) - Thanh tra Chính phủ vừa đưa ra Kết luận tranh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại Tổng công ty Lương thực Miền Nam và một số đơn vị thành viên.

Công ty lương thực Miền Nam
Công ty lương thực Miền Nam

Tại Kết luận, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, Công ty mẹ đã thực hiện cho vay và bảo lãnh vay vốn cho một số đơn vị như: Công ty cổ phần Tô Châu, Công ty TNHH Bình Tây, Công ty TNHH MTV Lương thực Sài Gòn, CTCP Lương thực Hậu Giang, không đúng quy định, vượt thẩm quyền được giao với số tiền là hơn 1,78 tỷ đồng. Hậu quả, Tổng Công ty phải trả thay vốn vay cho Công ty cổ phần Hậu Giang là 28 tỷ đồng; khó thu hồi được vốn cho vay tại CTCP Tô Châu là hơn 80,1 tỷ đồng; nguy cơ phải trả thay cho Công ty TNHH Bình Tây nợ ngân hàng là hơn 93,4 tỷ đồng và CTCP Tô Châu là 56,94 tỷ đồng.

Công ty này cũng đã đầu tư góp vốn và sử dụng vốn góp với giá trị hơn 47,2 tỷ đồng để thành lập CTCP Vận tải biển Hoa Sen có nhiều sai phạm, đầu tư không hiệu quả, kinh doanh thua lỗ mất vốn Nhà nước là trên 22,8 tỷ đồng; mua cổ phần của Công ty Vận tải biển Việt Nam với số tiền trên 59,5 tỷ đồng và CTCP nước khoáng Samvi với số tiền trên 14,4 tỷ đồng chưa đúng quy định về trình tự thủ tục, đầu tư không hiệu quả; Mua cổ phần của Công ty cổ phần nước khoáng Samvi không đúng mệnh giá 455 triệu đồng, hàng năm, Tổng công ty không được chia cổ tức, phải trích lập dự phòng giảm giá cổ phiếu là 55 tỷ đồng.

Năm 2013, Công ty cũng đã mạnh tay chi phí hoa hồng môi giới với số tiền 100 tỷ đồng nhưng chưa đảm bảo công khai và thông qua Hội đồng thành viên theo quy định; hạch toán chưa đúng chi phí môi giới 108 tỷ đồng; chi chưa đúng quy định phí ủy thác xuất khẩu gần 6,2 tỷ; không thu hồi chi phí thỏa thuận Liên doanh hơn 2,66 tỷ.

Công ty cũng chưa thực hiện đúng theo quy định của Nhà nước về thu mua lúa gạo tạm trữ, không giao dịch mua trực tiếp của người nông dân, không tổ chức liên kết được thành hệ thống trong mua bán nên chưa thực hiện đúng chính sách Nhà nước với mục đích tạm trữ lúa gạo để đảm bảo cho người nông dân có lãi tối thiểu 30%.

Đối với các Công ty hạch toán phụ thuộc, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, việc mua bán hàng hóa của một số đơn vị đã vi phạm các quy định về Quy chế tổ chức và hoạt động. Quy chế quản lý tiền hàng trong mua, bán, cung ứng hàng hóa, dịch vụ, Quy chế mua, bán hàng hóa, dịch v của Tổng Công ty, của các đơn vị thành viên với số tiền lên đến trên 62 nghìn tỷ đồng. (Công ty Lương thực Vĩnh Long, Công ty Lương thực Thực phẩm An Giang, Công ty Lương thực Đồng Tháp, Công ty Lương thực Tiền Giang, Công ty Lương thực Bạc Liêu, Công ty Lương thực Sóc Trăng). Những vi phạm trên dẫn tới Tổng Công ty và các đơn vị bị chiếm dụng vốn, nợ khó đòi, nguy cơ mất vốn là rất lớn

Công ty cũng đã sử dụng vốn và tài sản chưa đúng quy định, không có phương án xử lý đối với tài sản không sử dụng, ký kết hợp đồng và thanh toán khi dự án khả thi chưa được phê duyệt; mua vượt kế hoạch Tổng Công ty giao, sử dụng vốn ngắn hạn thanh toán cho đầu tư mua sắm, huy động vốn khi không được sự đồng ý của Tổng Công ty với giá trị 3 nghìn tỷ đồng và 62,6 triệu USD, dẫn đến làm giảm hiệu quả trong sản xuất kinh doanh (Công ty Bột mì Bình Đông, Công ty Lương thực Trà Vinh, Công ty Nông sản Thực phẩm Tiền Giang, Công ty Lương thực An Giang, Công ty Lương thực Tiền Giang, Công ty Lương thực Long An, Công ty Lương thực Sóc Trăng); Công ty Lương thực Vĩnh Long, Công ty cổ phần Sài Gòn Lương thực trích lập dự phòng chưa đúng quy định với số tiền là 41,3 tỷ đồng.

Đối với các công ty hạch toán độc lập, Thanh tra Chính phủ phát hiện Công ty TNHH MTV Lương thực TPHCM mua cổ phần CTCP Phú Tam Khôi với giá trị 12,4 tỷ đồng, đầu tư góp vốn khi chưa có phương án kinh doanh, kết quả đầu tư không có lãi, lỗ mất phần vốn góp 6,1 tỷ đồng. Công ty TNHH Bình Tân mua cổ phiếu Công ty Bao bì Bình Tân với số tiền trên 1,4 tỷ đồng, mua cổ phiếu khi chưa có phương án đầu tư, năm 2013 không được chia cổ tức.

Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện việc mua bán hàng hóa của các đơn vị không chặt chẽ, ký kết và thực hiện hợp đồng vi phạm những quy định của Tổng Công ty và của các đơn vị với giá trị trên 2.219 tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ kết luận, những vi phạm trên dẫn đến nợ khó đòi, kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ, mất vốn nhà nước, khiến Công ty mẹ phải trích lập dự phòng, giảm giá các khoản đầu tư tài chính, hạch toán vào chi phí năm 2013 là 226,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, Tổng công ty Vinafood 2 và các đơn vị thành viên cũng bị phát hiện có nhiều sai phạm về trình tự thủ tục đầu tư, thẩm định và phê duyệt dự án, nhiều dự án tiến độ triển khai thực hiện còn chậm, không đưa vào sản xuất hoặc kinh doanh không hiệu quả.

Cụ thể, Tổng Công ty Vinafood 2 và các đơn vị thành viên đã đầu tư vào các dự án thuỷ sản với giá trị thực hiện 556 tỷ đồng, không được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong mục tiêu, chiến lược, kế hoạch dài hạn theo quy định. Trong quá trình thực hiện dự án đã vi phạm những quy định của pháp luật như: Không thẩm định thiết kế cơ sở; chưa được cấp phép xây dựng đã khởi công; không thẩm định hoặc thẩm định dự án không đảm bảo theo quy định…

Thanh tra Chính phủ còn phát hiện tại Vinafood 2 nhận chuyển nhượng và đầu tư dự án với trị giá hơn 242 tỷ đồng khi thị trường thuỷ sản gặp khó khăn, không tính đến hiệu quả và sự phù hợp của dự án, dẫn tới tình trạng sản xuất kinh doanh thua lỗ, không hiệu quả. Đồng thời, việc đầu tư kho chứa đến nay mới thực hiện được 35/40 dự án với tổng giá trị 1.758 tỷ đồng nhưng quá trình triển khai các dự án chậm, hiệu suất sử dụng kho chứa thấp (đạt 30% thiết kế), hệ số thiết bị được sử dụng chưa cao (đạt 40% thiết kế), đầu tư kho chứa chưa khai thác và sử dụng kho đảm bảo theo thiết kế, dẫn tới hàng năm phải trích khấu hao lớn, làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ còn chỉ ra, tại Dự án chợ chuyên doanh Thốt Nốt, việc thẩm định dự án sơ sài, bổ sung hạng mục dây chuyền đồ lúa sai quy định, không mang lại hiệu quả, sử dụng vốn nhà nước vượt quá quy định 88,5 tỷ đồng (tính đến hết giai đoạn 1), nghiệm thu thanh toán không đúng chi phí vận chuyển đất 217 triệu đồng; nghiệm thu sai khối lượng giá trị dự án Xí nghiệp chế biến lương thực Thới Bình 264,5 triệu đồng.


Ý kiến bạn đọc