Lãnh đạo EU dành tình cảm sâu đậm cho Việt Nam

13:52, 03/12/2015
|

(VnMedia) - Trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker đã nói đến tình cảm sâu đậm mà ông dành cho Việt Nam từ nhiều năm nay. Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk cũng bày tỏ tình cảm gắn bó với Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker. Ảnh: VGP
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker. Ảnh: VGP

Trong khuôn khổ chuyến thăm Vương quốc Bỉ và Liên minh Châu Âu (EU), chiều qua (2/12), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội đàm với các nhà lãnh đạo của EU, trong đó có Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Jean-Claude Juncker đã trao đổi các biện pháp tăng cường hợp tác giữa hai bên trên các lĩnh vực cũng như về các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm và hợp tác giữa hai bên trong các khuôn khổ đa phương. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng trước những phát triển tích cực của quan hệ Việt Nam với EU trong thời gian qua. Chủ tịch Jean-Claude Juncker nhắc lại những kỷ niệm gắn bó của cá nhân ông với Việt Nam và tình cảm sâu đậm mà ông dành cho Việt Nam từ nhiều năm nay, đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm EU của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng diễn ra vào dịp hai bên kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Jean-Claude Juncker nhất trí thúc đẩy Nghị viện Châu Âu và các nước thành viên hoàn tất phê chuẩn Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam - EU (PCA). Về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Jean-Claude Juncker cũng nhấn mạnh việc chính thức kết thúc đàm phán EVFTA là một bước tiến lớn trong hợp tác giữa hai bên. Hai bên đã trao đổi về việc cùng nhau chọn ra các lĩnh vực ưu tiên để triển khai sớm và việc EU hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong quá trình thực hiện cả PCA và EVFTA.

Sau hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Jean-Claude Juncker đã chứng kiến lễ ký Tuyên bố chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU và Hiệp định tài chính dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam”. Phát biểu sau lễ ký, hai nhà Lãnh đạo khẳng định EVFTA là văn kiện pháp lý quan trọng điều chỉnh các mối quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU, tạo môi trường tự do, thông thoáng và thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ cả EU và Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Việt Nam sẵn sàng đóng vai trò cầu nối để các doanh nghiệp EU thâm nhập sâu vào thị trường ASEAN và châu Á - Thái Bình Dương rộng lớn và nhiều tiềm năng.

Trong buổi hội kiến Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn và đề nghị Chủ tịch Donald Tusk tiếp tục ủng hộ tăng cường quan hệ Việt Nam - EU về mọi mặt, khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ với EU trong tổng thế chính sách đối ngoại mở rộng, đa dạng và đa phương hóa của mình. Chủ tịch Donald Tusk nhắc lại những kỷ niệm, tình cảm gắn bó với Việt Nam, bày tỏ ấn tượng với tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Ông chúc mừng Việt Nam và EU chính thức kết thúc đàm phán EVFTA, nhấn mạnh Việt Nam là đối tác quan trọng của EU ở khu vực. Ông đánh giá quan hệ hai bên hiện nay đang phát triển sang một giai đoạn cao mới và ủng hộ nhanh chóng hoàn tất phê chuẩn PCA, sớm chính thức ký kết và phê chuẩn EVFTA, đồng thời thúc đẩy hợp tác Việt Nam – EU phát triển sâu rộng hơn cũng như duy trì phối hợp chặt chẽ giữa hai bên trên các diễn đàn đa phương và trong hợp tác liên khu vực.

Kết thúc chuyến thăm, Việt Nam và EU đã ra Tuyên bố chung về quan hệ hai bên. Tuyên bố nhấn mạnh sự phát triển ấn tượng của quan hệ song phương, đặc biệt là việc kết thúc toàn bộ đàm phán EVFTA; nhất trí tiếp tục thúc đẩy hoàn tất phê chuẩn PCA, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, y tế, tư pháp, giáo dục đào tạo, cơ sở hạ tầng, năng lượng, môi trường... Tuyên bố cũng nêu rõ việc hai bên sẽ tăng cường phối hợp nhằm giữ gìn hòa bình và an ninh khu vực, chia sẻ quan ngại sâu sắc về các hoạt động bồi đắp quy mô lớn ở Biển Đông; nhấn mạnh tầm quan trọng của đảm bảo an ninh, tự do hàng hải và hàng không ở đây. Tuyên bố cũng khẳng định EU và Việt Nam ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về luật Biển năm 1982 (UNCLOS); không có các hành động đơn phương, cần phải tự kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).


Ý kiến bạn đọc