Hải Dương: Lãnh đạo đối thoại 15 phút… dân bỏ về

07:15, 16/12/2015
|

(VnMedia)Chỉ là một buổi họp đối thoại dân thông thường nhưng tỉnh Hải Dương đã huy động đông đảo lực lượng công an, an ninh đến bảo vệ. Việc làm này khiến các hộ dân mất đất xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng bất bình và bỏ ra về khi mới dự họp khoảng 15 phút đồng hồ.

Sáng 15/12, UBND tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo UBND huyện Cẩm Giàng và UBND xã Cẩm Điền tổ chức buổi đối thoại với 98 hộ dân thuộc diện mất đất cho dự án khu công nghiệp Lương Điền - Cầm Điền (do công ty CP Phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam - Singapore VSIP làm chủ đầu tư) nhưng chưa nhận đền bù.

Dân sợ công an

Có mặt dự họp đúng 8h sáng, PV chứng khiến phía bên ngoài cổng UBND xã Cẩm Điền rất đông lực lượng công an được bố trí đứng kiểm soát vòng ngoài, kiểm tra giấy mời họp. Phía bên trong, lực lượng an ninh đông đảo theo sát diễn biến cuộc họp. Bên ngoài sân, xe bịt bùng của cảnh sát, xe cấp cứu thương trực chờ sẵn.

Khi PV thắc mắc tại sao một buổi họp đối thoại dân mà phải bố trí đông lực lượng bảo vệ đông như vậy? Một đồng chí công an cho biết, vụ việc giải phóng mặt bằng dự án khu công nghiệp Lương Điền - Cẩm Điền rất phức tạp, thời gian kéo dài nên có nhiều vấn đề phải kiểm soát.

dan
Đông đảo lực lượng công an dân phòng đứng kiểm soát tại cổng UBND xã Cẩm Điền


Thấy lực lượng chức năng đông đảo, nhiều hộ nông dân đã phản đối không vào dự họp. Nhiều người dân cho biết, họ thấy lực lượng công an đứng bên ngoài quá đông đảo nên sợ không bà con nào dám vào. “Đây chỉ là một buổi đối thoại thông thường, nhưng không hiểu vì sao lực lượng công an được bố trí đông đảo đến thế. Họ trang bị cả dùi cui, bình xịt hơi cay đứng đây để bảo vệ nên chúng tôi rất sợ”.

Tuy nhiên, sau 15 phút thuyết phục, bà con đã kéo  vào hội trường để gặp gỡ, đối thoại với lãnh đạo các cơ quan chức năng về cơ chế, chính sách, phương án bồi thường giải phóng mặt bằng.

Đến 8h30 phút, các thành phần lãnh đạo như đại diện Mặt trận tổ quốc tỉnh Hải Dương, lãnh đạo công an tỉnh, huyện, Lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh, Sở Xây dựng, đại diện Viện kiểm sát…đều có mặt đầy đủ.

Tuy nhiên, sau khi vị chủ trì tuyên bố lý do cuộc đối thoại, phía người dân đề nghị cho phép Luật sư bảo vệ quyền lợi cho người dân vào hội trường để đối thoại với cơ quan chức năng. Nhưng, người chủ trì cuộc đối thoại đã không đồng ý do luật sư không có tên trong thành phần được mời họp.

Bác Nguyễn Công Hòa - người dân xã Cẩm Điền nói “Đa phần người dân chúng tôi trình độ văn hóa thấp nên muốn nhờ luật sư thay mặt dân đối thoại, nhưng chủ tọa không cho thì người dân chúng tôi giải tán”. Vừa nói dứt lời, ông Hòa cùng hàng chục người dân đã bỏ ra về, không tham gia đối thoại tiếp.

Dân bỏ ra về
Người dân bỏ ra về không dự đối thoại

Dân bức xúc vì mức đền bù quá thấp

Mặc dù cuộc đối thoại được tổ chức đông đảo thành phần lãnh đạo các sở, ngành chuyên trách, song cả buổi đối thoại chỉ có 5-6 câu hỏi được đưa ra xung quanh vấn đề bồi thường, về chế độ cho người dân sau khi mất đất.

Người dân Cẩm Điền quyết tâm giữ đất
Người dân Cẩm Điền quyết tâm giữ đất

Một người dân là bác Nguyễn Văn Hiệu phát biểu, năm 2008, chủ tịch xã Cẩm Giàng tuyên bố người dân mất đất dự án khu công nghiệp VSIP sẽ được đền bù 16,2 triệu đồng/xào nên chúng tôi không đồng thuận. Tiếp tục đấu tranh thì dân được Nhà nước bồi thường thêm 7,2 triệu đồng/sào , tức là mức bồi thường tăng 23,4 triệu đồng/sào.  Khi dân chưa đồng thuận, tiếp tục gửi đơn khiếu nại đi các cấp thì được huyện bố trí thêm cho đất 5%. Vậy, có phải dân kiên quyết đấu tranh thì Nhà nước lại tăng mức đền bù lên? Huyện làm như vậy có đúng pháp luật không?

Bà Nguyễn Thị Đông - một người dân mất đất lo lắng: “Trước đây, 1 năm 2 vụ lúa, 2 vụ màu. Bây giờ, Nhà nước lấy đất thì dân sống bằng gì? Nhà nước có thu xếp cuộc sống cho người dân không? Khu công nghiệp khi hoàn thành thì chỉ tuyên công nhân 18-40 tuổi vậy thì những người già như chúng tôi thì làm gì để sinh sống? Đề nghị lãnh đạo xem xét, bố trí công việc cho dân sau khi mất đất”.

Theo giải thích của ông Nguyễn Hữu Lộc - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Hải Dương, dự án khu công nghiệp Cẩm Điền - Lương Điền là 1 trong 21 dự án khu công nghiệp lớn của tỉnh và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự án thuộc diện Nhà nước thu hồi đất do vậy việc bồi thường phải đúng chế độ, chính sách của Nhà nước.

Sở dĩ, có việc tăng giá bồi thường là do hàng năm UBND tỉnh sẽ ban hành khung giá đất mới. Đơn giá bồi thường cho các hộ 16,2 triệu đồng/sào áp dụng năm 2007.  Do vậy, sang năm 2008, đơn giá đất thay đổi nên việc lập phương án bồi thường sẽ cao hơn…

Việc cấp đất dịch vụ 5% cho người dân, tỉnh phải căn cứ xem địa phương còn quỹ đất hay không? Do đó, việc giao đất 5% còn chờ tỉnh xem xét. Hoàn toàn không có chuyện, khi người dân khiếu kiện thì tỉnh mới đền bù thêm đất 5%.

Khu công nghiệp Lương Điền - Cẩm Điền có tổng diện tích 205,28ha, có tổng mức đầu tư hơn 1.185 tỷ đồng. Năm 2008, Chính phủ giao khu công nghiệp này cho công ty TNHH Phúc Hưng làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, năm 2011, công ty TNHH Phúc Hưng đã chuyển nhượng cho công ty CP Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam Singapore (VSIP). Hiện, dự án đã giải phóng được 150 ha, đã hoàn thiện việc san nền 30 ha, xây dựng được 1 phần tường rào. Số diện tích còn lại chưa giải phóng được do người dân không đồng thuận.

Mới đây, tại khu công nghiệp Lương Điền - Cẩm Điền đã xảy ra một cuộc xô xát giữa người dân và chủ đầu tư. Khi chủ đầu tư cho máy xúc vào để san lấp mặt bằng, một người dân đã bị máy xúc đập vào người gây chấn thương. Sự việc kiến cho các nông dân Cẩm Điền vô cùng bức xúc và họ đã dùng mọi cách để giữ bằng được đất.


Ý kiến bạn đọc