Thủ tướng trả lời chất vấn các vấn đề biển Đông

13:41, 18/11/2015
|

(VnMedia) -  Sáng 18/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đăng đàn trả lời 24 câu hỏi của 18 đại biểu Quốc hội, trong đó có vấn đề kinh tế - xã hội, chống tham nhũng, lãng phí và về vấn đề Biển Đông…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn đại biểu sáng 18/11
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn đại biểu sáng 18/11

Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam tiếp tục kiên định, kiên trì thực hiện sáng tạo, hiệu quả các lập trường, quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về các vấn đề mà các đại biểu đã nêu tại Hội trường Quốc hội. Thủ tướng nhắc lại và nhấn mạnh 3 điểm: "Chúng ta chân thành, làm hết sức mình để tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng cùng có lợi, cùng phát triển với Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực".

Đồng thời, Việt Nam kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia theo đúng chủ trương, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cũng như Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển 1982; các cam kết khu vực, nhất là DOC, tuyên bố giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cùng với phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường quốc phòng - an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; tăng cường khối đại đoàn kết và sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế về chân lý, lẽ phải của Việt Nam; gìn giữ hoà bình, ổn định để tạo môi trường, điều kiện thuận lợi phát triển và bảo vệ đất nước.

Liên quan đến các câu hỏi của các đại biểu về vấn đề kinh tế, Thủ tướng nói rõ nội hàm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và những giải pháp mà Chính phủ đã và đang thực hiện.

Thủ tướng cho rằng đó là vấn đề có phạm vi rất rộng. Thủ tướng xin nhấn mạnh một số nội dung cụ thể như nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế thị trường hiện đại, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả theo quy luật kinh tế thị trường, phù hợp với hội nhập kinh tế quốc tế.

Nhà nước sử dụng thể chế, luật pháp, các nguồn lực, công cụ điều tiết, cơ chế chính sách phân phối và phân phối lại để phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, từng bước nâng cao phúc lợi xã hội, chăm lo cải thiện đời sống mọi mặt của nhân dân, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và bảo vệ môi trường.

Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; bảo đảm dân chủ, quyền con người, quyền công dân; lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm mục tiêu cao nhất. Phân định rõ chức năng của Nhà nước và chức năng của thị trường.

Nhà nước tập trung tạo dựng môi trường và điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp được tự do, sáng tạo trong đầu tư kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng, minh bạch trong kinh tế thị trường. Đồng thời, phát huy cao nhất quyền làm chủ của nhân dân, tạo động lực mạnh mẽ và sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động tối đa các nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Để thực hiện nội dung nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Chính phủ đã và đang triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp như tiếp tục hoàn thiện thể chế, luật pháp, cơ chế chính sách phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Phát triển đồng bộ, hiệu quả các loại thị trường hàng hóa, dịch vụ, tài chính, bất động sản, lao động, khoa học công nghệ… theo hướng hiện đại; chú trọng các loại thị trường mới như mua bán nợ, công cụ tài chính phái sinh, cho thuê tài sản… Chủ động mở cửa thị trường phù hợp với các cam kết quốc tế gắn với nâng cao năng suất lao động và sức mạnh nội sinh của nền kinh tế. Đa dạng hoá và nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ. Huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường…


Ý kiến bạn đọc