Môn Lịch sử trong dự thảo chương trình mới: Đổi nhưng không mới

14:40, 17/11/2015
|

(VnMedia) - PGS. TS.  Kiều Thế Hưng, Khoa Lịch Sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, bộ môn Lịch sử trong Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới chỉ là “đổi nhưng không mới” và có thể kéo theo những hệ lụy nguy hiểm.

Trong tham luận của PGS. TS.  Kiều Thế Hưng gửi đến “Hội thảo khoa học môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông”, ông đã thẳng thắn nói như vậy.

Chẳng lẽ các nhà khoa học, sư phạm lại ấu trĩ đến thế!

Liên quan đến vị trí và cấu trúc của môn Lịch sử trong Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới, PGS.TS. Kiều Thế Hưng bày tỏ: "Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhiều lần khẳng định rằng: vị trí của môn Lịch sử không thay đổi, môn Lịch sử vẫn được tôn trọng, vẫn là môn học bắt buộc, không ai xóa môn Lịch sử khỏi chương trình! Nếu đúng như thế thì có gì phải bàn cãi, phải bức xúc nữa!

Và chẳng lẽ một điều đơn giản như thế mà các nhà khoa học đã bạc đầu về Sử học và Sư phạm Lịch sử, cũng như đội ngũ đông đảo những người nghiên cứu và giảng dạy Lịch sử của đất nước này lại không hiểu được chăng? Chẳng lẽ Lịch sử vẫn được tôn trọng, thế mà những người dạy Sử vẫn đấu tranh, vẫn phản đối?, Chẳng lẽ họ lại ấu trĩ, lại trì trệ, lại vô trách nhiệm đối với sự nghiệp đổi mới đến như vậy sao?".

Theo phân tích của ông, trong chương trình đổi mới, về mặt hình thức, bộ môn Lịch sử gần như bị xóa tên khỏi toàn bộ chương trình phổ thông. Về mặt nội dung, kiến thức lịch sử, hoặc thuộc môn tự chọn, hoặc đã được tích hợp trong các môn học khác. Ở đây đã có sự lầm lẫn giữa kiến thức lịch sử cụ thể được sử dụng ở đâu đó, được gắn vào một môn học nào đó, với hệ thống kiến thức lịch sử của một bộ môn khoa học chính thống.

Cũng theo PGS.TS. Kiều Thế Hưng, “vẫn biết dạy học lịch sử hiện nay ở trường phổ thông đang tồn tại nhiều bất cập và rất cần một sự đổi mới toàn diện, mang tính cách mạng. Nhưng nếu giải quyết những bất cập ấy bằng việc hạ thấp và có nguy cơ thủ tiêu môn lịch sử như trong dự thảo, thì đúng như các nhà khoa học đã nói, sẽ là phản khoa học, trái với yêu cầu của thực tiễn, đi ngược lại xu thế đổi mới và tiềm ẩn những nguy cơ tai hại khó có thể lường hết được!”

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Góp thêm các phương án về bộ môn Lịch sử

PGS.TS. Kiều Thế Hưng đã đề xuất 2 phương án đổi mới liên quan đến bộ môn lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Phương án thứ nhất, chuyển từ phương án tích hợp theo định hướng nội dung sang tích hợp theo định hướng phương pháp; chuyển từ giảm tải theo số lượng môn học sang giảm tải và đổi mới mạnh mẽ trong từng môn học.

Theo phương án này, các môn học, chứ không chỉ môn Lịch sử, sẽ giữ nguyên về tên gọi, có vị trí bình đẳng và là môn độc lập, bắt buộc trong chương trình phổ thông. Nhưng điều quan trọng có ý nghĩa quyết định là, đồng thời với điều đó, phải đổi mới mạnh mẽ trong từng bộ môn cả về nội dung, phương pháp, theo nguyên lý “học đi đôi với hành” và dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh.

PGS.TS. Kiều Thế Hưng cho rằng, tích hợp và giảm tải là những điểm nhấn quan trọng của chương trình đổi mới. Tuy nhiên, cách tích hợp như trong đề án hiện có không phải là cách tích hợp tối ưu nhất. Tích hợp, xét ở bản chất, là nhu cầu tự thân, khách quan và vốn có của con người cả trong quá trình nhận thức khoa học cũng như vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống. Nói như thế để thấy, về bản chất, tích hợp không phải là một cái gì đó quá mới mẻ. Điều mới mẻ ở đây là ở chỗ, khi chưa học tích hợp thì học sinh tích hợp bằng con đường tự thân, tự phát, có thể là thiếu khoa học và hệ thống, còn bây giờ, với tích hợp, học sinh được trang bị cơ sở khoa học, biện pháp tư duy khoa học và quá trình tích hợp được tiến hành tự giác, chủ động và hiệu quả hơn.

Cũng chính vì thế, tích hợp có thể được thực hiện bằng nhiều cách. Có thể tích hợp theo định hướng nội dung, tức là ghép các môn học, tích hợp nội dung các môn học lại với nhau, như trong đề án dự thảo, hoặc tích hợp theo định hướng phương pháp, tức là không ghép các môn học lại với nhau, mà giữ nguyên các môn học truyền thống, kèm theo đó là bổ sung nội dung và phương pháp tích hợp vào trong từng bộ môn.

Phương án này có hạn chế là không giảm được đầu môn học, có cảm giác là ít đổi mới, nhưng nó cũng có không ít các ưu điểm, đó là, nó giữ được các bộ môn truyền thống, ít xáo trộn tới người dạy, mặt khác, hiệu quả tích hợp lại cao hơn. Bởi vì theo phương án này, từng môn học có thể tích hợp với nhiều môn hơn, chứ không chỉ buộc phải tích hợp cố định vào một môn nào đó, cũng như nó tạo điều kiện để môn nào cũng có thể tích hợp, chứ không phải chỉ có những môn tích hợp và những môn không tích hợp.

Theo phương án này, môn Lịch sử có thể tích hợp với nhiều môn học như với Địa, với Văn, với Âm nhạc, Mỹ thuật…chứ không chỉ buộc phải tích hợp với môn Địa, hoặc môn Văn có thể tích hợp với môn Sử và nhiều môn khác, chứ không chỉ độc lập một mình suốt trong chương trình phổ thông như các môn bắt buộc khác. Có thể nói, đó là sự tích hợp thực chất, chứ không chỉ là tích hợp hình thức, tích hợp cộng ghép cơ học các môn học với nhau như trong đề án của Bộ GD&ĐT.

Phương án thứ hai là đổi tên môn Khoa học Xã hội trong dự thảo thành môn Lịch sử - Địa lý ở Trung học cơ sở; tách lịch sử khỏi môn Công dân với Tổ quốc; bổ sung môn Lịch sử dân tộc( dưới dạng các chuyên đề cơ bản)  thành môn độc lập và bắt buộc ở Trung học phổ thông.

Theo PGS. TS.  Kiều Thế Hưng, phương án thứ hai này tuy không triệt để, có chăng chỉ là cũng giải pháp tình thế và quá độ, nhưng một mặt, về cơ bản nó giữ được vị thế của môn Lịch sử, mặt khác nó cũng ít gây xáo trộn nhất so với dự thảo và cũng đáp ứng được yêu cầu giảm tải và ưu tiên cho định hướng tiếp cận năng lực theo yêu cầu mới.

Việc bổ sung thêm môn Lịch sử vào nhóm các môn học bắt buộc có thể làm gia tăng áp lực cho mục tiêu giảm tải, tuy nhiên nếu xét ở giá trị đặc thù của lịch sử dân tộc như trên đã phân tích, thì điều này là cần thiết, nên làm và có thể làm được. Mặt khác, vấn đề đổi mới và giảm tải trong từng môn học bao giờ cũng là nhân tố quyết định. Vì thế, đây là một trong những phương án khả thi, đáp ứng được cơ bản các mục tiêu đặt ra mà không làm xáo trộn quá lớn đề án chung.


Ý kiến bạn đọc