Thi hành Luật Đất đai mới: Khiếu kiện về giá đất vẫn không giảm

08:14, 09/10/2015
|

(VnMedia) - Dù Luật Đất đai đã có nhiều quy định mới nhằm khắc phục tình trạng khiếu kiện, song trên thực tế, kể từ ngày 1/7/2014 đến nay (khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực) các khiếu nại liên quan đến giá đất vẫn không giảm…

Trong những bất đồng liên quan đến đất đai thì vấn đề giá đất cụ thể luôn chiếm phần lớn. Dù Luật Đất đai đã có nhiều quy định mới nhằm khắc phục tình trạng này, song trên thực tế, kể từ ngày 1/7/2014 đến nay (khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực) các khiếu nại liên quan đến giá đất vẫn không giảm.

Quy trình định giá chưa khách quan

Theo đánh giá của các bên liên quan, đơn vị tư vấn thiếu sự độc lập cần thiết, thiếu năng lực, trong khi đó, quy định của Nghị định 44/2014/NĐ-CP chưa thật chi tiết để quy trình quyết định giá đất đảm bảo tính khách quan. Đây là một trong rất nhiều nguyên nhân khiến công tác định giá đất thực tế thiếu hiệu quả.

Cụ thể, theo Luật đất đai, cac dự án triển khai phải tính toán giá đất cụ thể bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, để xác định giá đất cụ thể cho dự án, cần họp Hội đồng định giá đất khiến phần nào ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

Theo quy định, các dự án triển khai phải tính toán giá đất cụ thể bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng. Mặt khác, việc định giá đất cụ thể được giao cho nhiều cơ quan thực hiện, giá đất cụ thể trong từng trường hợp lại sử dụng các phương pháp định giá đất khác nhau trong khi hoạt động của các tổ chức tư vấn định giá đất chưa nhiều và chưa hiệu quả nên khiến địa phương gặp nhiều lúng túng. Hơn nữa, địa phương có nhiều dự án nên việc định giá đất cho từng dự án thường kéo dài.

Theo ông Đinh Quang Hào, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lạng Giang, Bắc Giang, thủ tục lập hồ sơ cho thuê đất, giao đất, dự án có sử dụng đất hồ sơ thủ tục phức tạp. Từ khâu đầu đến thẩm tra định giá đất kéo dài thời gian.

Lý do là bởi việc thu thập giá đất do Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện trình Hội đồng thẩm định giá chủ yếu được làm theo phương pháp so sánh trực tiếp, tức là thu thập thông tin người dân khai khi sang nhượng thông qua hợp đồng. Tuy nhiên, người dân thường khai giá này thấp hơn giá thực để trốn thuế, vì vậy khi xây dựng giá bồi thường cũng bị thấp, không sát giá thị trường khiến dân không đồng tình. Trong khi đó, Tỉnh không có Công ty định giá độc lập, việc thông qua giá bồi thường chờ Hội đồng họp khiến thời gian kéo dài ảnh hưởng tới tiến độ triển khai dự án.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Khó xác định “ngày định giá đất cụ thể”

Đồng ý kiến với Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lạng Giang, ông Mai Văn Út, Phó Chủ tịch UBND quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ cho biết, theo các quy định về quy trình thu hồi đất thì trước khi ban hành quyết định thu hồi đất, chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp hoặc 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp thì cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất phải ban hành thông báo thu hồi đất.

Như vậy, từ thời điểm có thông báo thu hồi đất đến khi ban hành quyết định thu hồi đất là một khoảng thời gian dài. Vậy thì ngày nào là “ngày định giá” đất và tài sản gắn liền với đất? Điều này khiến cho yêu cầu của việc “xác định giá đất cụ thể” theo nguyên tắc phù hợp với giá thị trường tại thời điểm quyết định thu hồi đất không còn nguyên ý nghĩa về mặt bản chất, bởi một thị trường bình thường thì vốn dĩ đã có sự khác biệt trong từng ngày, từng thời điểm.

Trên thực tế, thời điểm “quyết định giá đất tính bồi thường” là “thời điểm phê duyệt hệ số giá đất”, song những mốc thời gian này có thể không giống nhau trong từng dự án và người có đất bị thu hồi không được thông tin cụ thể về mốc thời gian này.

Tại Hội thảo “Đóng góp xây dựng dự thảo Nghị định Quy định bổ sung một số nội dung về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu  hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” diễn ra ngày 8/10, trước những bất cập nêu trên, các đại biểu đã kiến nghị bổ sung Điều 35b (Chương VI) chỉnh sửa, bổ sung Điều 17 Nghị định 44/NĐ-CP.

Theo đó, Điều 35b sẽ quy định: Căn cứ vào nhu cầu định giá đất cụ thể tại địa phương, sở Tài nguyên và Môi trường lập kế hoạch định giá đất cụ thể trình UBND cấp tỉnh phê duyệt; trường hợp Sở Tài nguyên và Môi trường có đơn vị sự nghiệp có đủ năng lực, trình độ và được phép hành nghề định giá đất theo quy định của pháp luật thì được phép sử dụng đơn vị đó thực hiện nhiệm vụ xác định giá đất độc lập.

Trường hợp Sở Tài nguyên và Môi trường không có đơn vị sự nghiệp đủ điều kiện hành nghề định giá đất thì tổ chưc slựa chọn tổ chức tư vấn giá đất phù hợp thông qua đấu thấu để xác định giá đất độc lập. Việc lựa chọn tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất cụ thể thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu đấu thầu.

Các đại biểu cũng kiến nghị, Điều 35C cần quy định, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm lưu trữ, công bố công khai nguyên tắc, quy trình và toàn bộ kết quả định giá đất cụ thể do UBND tỉnh quyết định trên trang tin điện tử trong vòng 10 ngày kể từ ngày có quyết định; thống kê, tổng hợp và báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về kết quả định giá đất cụ thể tại địa phương trước ngày 15/1 hàng năm.

Về thời điểm quyết định giá đất, kiến nghị chọn mốc thời gian hợp lý kể từ ngày Công bố thông báo thu hồi đất; bổ sung quy định về xác định thời điểm quyết định giá đất cụ thể để tính bồ thường.

 

Tuệ Khanh


Ý kiến bạn đọc