Thay "tướng", Vinaconex có đổi vận?

11:14, 30/10/2015
|

(VnMedia) - Tổng công ty Cổ phần Vinaconex là một thương hiệu mạnh trong ngành Xây dựng. Tuy nhiên, nhiều năm nay, Vinaconex đã liên tục bị mất điểm khi nhiều công trình lớn đã từng gắn tên tuổi Vinaconex dính tai tiếng.

Đô thị Trung Hòa - Nhân Chính của Vinaconex đã từng được xếp vào khu đô thị đẹp Hà Nội. Tuy nhiên, chỉ vài năm đi vào sử dụng, đô thị này đã trở nên nhếch nhác, quá tải, kèm theo đó, chất lượng xây dựng các tòa nhà xuống cấp nghiêm trọng.

Cụm chung cư N05 với "bộ mặt" 4 khối nhà đang xuất hiện ngày càng nhiều “vết đốm” trên phần gạch ốp mặt ngoài.  Nhiều người gọi cụm chung cư này “chung cư ghẻ ruồi”. Nguyên nhân là do mặt đá ốp bên ngoài tòa nhà nhà liên tục bị rơi đá xuống đất. Lo ngại ảnh hưởng đến tính mạng cư dân, chủ đầu tư cho khoan bắt ốc, vít và bơm keo để giữ lên các mặt đá khiến cho toàn bộ mặt tiền tòa nhà có các vết lấm tấm như “ghẻ”. Chưa hết, bên trong khu nhà, do thi công ẩu nên nhiều căn hộ bị ngấm trầm trọng. Hệ thống thoát nước tắc khiến mùi hôi thối bốc ngược lên nhà dân…

Điều đáng nói, trong khi chất lượng tòa nhà đi xuống trầm trọng thì toàn bộ số tiền bảo trì lại bị chủ đầu tư chiếm giữ nhiều năm. Mặc dù người dân liên tục đi đòi nợ Vinaconex, song lãnh đạo Vinaconex vẫn hành xử theo kiểu “mũ ni che tai”, không phản hồi cũng không trả tiền cho cư dân.

1
Thương hiệu Vinaconex đang bị lu mờ

Đường ống dẫn nước Sông Đà - niềm tự hào của Vinaconex đã vỡ đến lần 15 dẫn đến hàng triệu người dân khu vực Tây Nam Hà Nội mất nước triền miên. Chỉ khi những người thợ thi công đào đất để khắc phục sự cố thì việc làm ăn gian dối của Vinaconex mới được phơi bầy. Mặc dù lãnh đạo cao cấp của Vinaconex không có ai liên đới, song 9 lãnh đạo các công ty con Vinaconex đã bị khởi tố, bắt giam.

Không chỉ dính tai tiếng, việc làm ăn kinh doanh của Vinaconex cũng liên tục xuống dốc. Là một doanh nghiệp lớn trong ngành xây dựng với vốn hơn 4.400 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu hơn 5.600 tỷ đồng nhưng Vinaconex đã không có tiền trả cổ tức trong 4 năm qua. Trong các năm mà Vinaconex định làm đường ống thứ 2, doanh nghiệp này nợ hàng chục nghìn tỷ đồng: 16,4 nghìn tỷ năm 2007; 20 nghìn tỷ 2008; 22,8 nghìn tỷ 2009; 26,2 nghìn tỷ 2010; 24,7 nghìn tỷ 2011 và cuối năm 2013, con số vẫn còn là gần 16 nghìn tỷ đồng....

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, doanh thu giảm 26%, lợi nhuận giảm 8% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí tài chính của Vinaconex  quý II tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ, lên gần 43 tỷ đồng. Để có được tiền trả nợ, Vinaconex liên tục phải “bán con”, trong đó có Nhà máy xi măng Cẩm Phả, dự án đô thị Parcity, đô thị Spedoral - Bắc An Khánh…

Việc làm ăn bết bát của Vinaconex dẫn đến nhiều đối tác lớn bắt đầu có động thái xin rút vốn. Trong đó, quỹ Market Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) đã bán 3,6 triệu cổ phiếu VCG, giảm tỷ lệ nắm giữ xuống còn 4,45%. Mới đây, Tổng công ty SCIC cũng đã chính thức tuyên bố rút người đại diện phần vốn của mình tại Vinaconex về. Hiện, SCIC đang nắm 57,8%. Đối tác là Viettel nắm 21,3%.

Tướng mới

Thương hiệu Vinaconex đang ngày càng đi xuống có phần lớn trách nhiệm là do lãnh đạo Tổng công ty. Đã từng có nhiều đồn đoán, việc làm ăn không thuận buồm xuôi gió của Vinaconex là do thiếu sự đoàn kết trong dàn lãnh đạo, tư duy nhiệm kỳ….

Mới đây, Vinaconex lại tiếp tục có quyết định thay "tướng". Theo đó, từ 20/10/2015, ông Hoàng Nguyên Học - đại diện Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại Vinaconex - thôi giữ chức Chủ tịch HĐQT sau gần 4 tháng đảm nhiệm.

Ông Vũ Quý Hà rời ghế Tổng giám đốc để thay thế ông Học làm Chủ tịch HĐQT. Ông Đỗ Trọng Quỳnh, thành viên HĐQT, được bổ nhiệm vị trí Tổng giám đốc thay cho ông Hà.

Đây đều là những gương mặt không mới của Vinaconex, song trên cương vị mới, hi vọng Vinaconex sẽ có những bước tiến độ phá.

Không nói việc to tát đâu xa, ngay bây giờ, hàng trăm nghìn người dân đang sống đô thị Trung Hòa đang trông chờ Vinaconex trả lại tiền phí bảo trì để họ có tiền sửa chữa khu nhà mình cho đàng hoàng hơn.

Việc xuống cấp về hạ tầng, thiếu các công trình công cộng như trường học, nhà trẻ sẽ sớm được khắc phục hay không để các cháu có thêm trường học?…  Những khu đất đang sử dụng sai mục đích có được trả về đúng như cam kết ban đầu khi bán nhà cho người dân hay không? Để người già, trẻ nhỏ có chỗ sinh hoạt vui chơi. Có như vậy, chất lượng cuộc sống của người dân mới được cải thiện.

Việc nhỏ đó, Lãnh đạo Vinaconex có làm được không?

Người dân đang chờ câu trả lời!

Huy Nam


Ý kiến bạn đọc