Những điều "kị" không nên hỏi đứa trẻ nhút nhát

11:14, 07/10/2015
|

(VnMedia) - Khi còn nhỏ, con trai của tôi vô cùng nhút nhát. Nói chuyện với người lạ, đặc biệt là người lớn thực sự là điều vô cùng khó khăn đối với cậu ấy. Khi được 5 tuổi, con trai tôi đã "hùng hồn" tuyên bố với tôi và chồng tôi rằng: “Con chưa từng nói chuyện với ai”. Và trong suốt cả năm học mẫu giáo lớn, quả thực con trai tôi đã không nói chuyện với bất cứ cô giáo hay bạn nào trong lớp cả.   

Tuy nhiên, giờ đây, chúng tôi đã có thể mỉm cười vì sự “lột xác” của con trai. Đến nay, con trai tôi đã trở thành một cậu thanh niên vô cùng sôi nổi và có rất nhiều bạn bè. Con trai tôi thậm chí còn có thể hàn huyên hàng giờ với người lớn tuổi. 

Nếu bạn hỏi những câu hỏi này có thể khiến trẻ càng trở nên nhút nhát.
Nếu bạn hỏi những câu hỏi này có thể khiến trẻ càng trở nên nhút nhát.

Trước sự thay đổi tích cực của con trai tôi, tôi đã tâm sự với cháu và hiểu thêm được những điều giúp nó thoát ra được “cái vỏ ốc” của mình. 

Đó là chia sẻ của bà Megan Gradwell - một nữ nhà văn Mỹ. Sau đây là những câu hỏi "kị" nhất mà cô Megan cho rằng không nên hỏi một đứa trẻ nhút nhát. 
  
Tại sao cháu cứ im lặng mãi thế? 
  
Mặc dù đây không phải là một câu hỏi quá khó nghe nhưng lại có thể đặt trẻ vào tình huống khó xử, không biết trả lời thế nào vì trên thực tế, có thể chính bản thân chúng còn không biết tại sao chúng lại như vậy. Điều này vô hình chung sẽ càng đẩy trẻ sâu hơn vào “vỏ ốc” của mình vì chúng muốn lẩn tránh câu chất vấn đó của người lớn. 
  
Ngoài ra câu hỏi “Tại sao cháu mãi im lặng thế?” còn có thể được những đứa trẻ nhút nhát, vốn đã tự ti hiểu thành “Tại sao con lại khác người thế?”. Và hậu quả là, trẻ sẽ thấy mình thật khác với những người xung quanh nên càng thấy khó hòa nhập với cộng đồng. 
  
Cháu không bao giờ nói chuyện với người khác à? 
  
Đó là một câu hỏi thật nực cười. Tất nhiên, ở nhà, con trai tôi vẫn “buôn rào rào” bởi nhà là nơi cậu ấy có thể thoải mái tự do thể hiện bản thân. Đa phần những cô bé cậu bé nhút nhát ở nhà đều là những đứa trẻ nói nhiều, bởi mọi cảm xúc của chúng đều bị kìm giữ khi ở bên ngoài nên chúng sẽ “xả” với người thân trong gia đình khi về đến nhà. 
  
Người hỏi câu hỏi này có thể chỉ là hỏi cho có chuyện làm quà, vì họ không thực sự muốn nghe chúng nói. Tuy nhiên, với một đứa trẻ nhút nhát, muốn chúng trò chuyện thì không thể dùng cách chất vấn đó được, mà có thể hỏi han chúng bằng cách khơi gợi, tạo cảm hứng cho chúng. Ví dụ như: “Ellie nói bạn ấy thích màu xanh dương hơn màu xanh lá. Cháu nghĩ thế nào Sarah? 
  
Cháu ngại à? 
  

Tôi vẫn nhớ cảm giác khi bị người lớn hỏi “cháu ngại à?” khi đến dự một bữa tiệc mà cứ khép nép, chẳng nói chuyện với ai. Mặc dù, giọng nói của họ rất nhẹ nhàng và thái độ của họ rất ân cần thiện cảm, tuy nhiên, câu hỏi đó, dù nói theo cách nào cũng vẫn làm một đứa trẻ càng khép mình, đặc biệt là một đứa trẻ vốn đã nhút nhát. 
  
Những đứa trẻ nhút nhát không bao giờ muốn bị “bóc mẽ” bởi chúng thừa biết chúng là một đứa trẻ nhút nhát, và đương nhiên là chúng luôn khao khát được hòa đồng với mọi người cũng như không muốn bị đối xử khác biệt. 
  
Cha mẹ, thầy cô hay những người lớn xung quanh hoàn toàn có thể giúp những đứa trẻ trầm lặng vượt qua được sự nhút nhát để trở nên tự tin hơn. Chúng ta nên nói cho trẻ rằng, trẻ là đứa trẻ rất tuyệt vời và giống như bao đứa trẻ khác, trẻ không có gì khác biệt nên tất cả mọi người đều yêu quý và muốn được trò chuyện với trẻ. Hãy dạy trẻ cách hài lòng với bản thân. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng muốn trở thành một người náo nhiệt, bởi vậy đừng xoáy sâu vào việc trẻ kiệm lời, ít nói, mà hãy giúp trẻ tự tin bằng cách hướng lời khen tới một thế mạnh khác của trẻ. Ví như: “Bác nghe mọi người nói cháu là ngôi sao bóng rổ của trường”, hay “Cô rất ấn tượng với tài viết văn của cháu”…. 

Như vậy, chắc chắn, những cô bé cậu bé vốn rụt rè, sẽ sớm vượt qua được những mặc cảm không đáng có để tự tin bước vào đám đông để chuyện trò.

Việt Nguyễn


Ý kiến bạn đọc