Quán quân Nhân tài Đất Việt 2014 muốn vươn ra thế giới

00:55, 21/11/2014
|

(VnMedia) - Trong lễ trao giải Nhân tài Đất Việt 2014 vừa kết thúc ít giờ trước, quán quân được xướng tên trong lĩnh vực CNTT triển vọng thuộc về nhóm tác giả sản phẩm “Thiết bị quản lý tích hợp, dịch vụ và hạ tầng mạng chuyên nghiệp” của Công ty Cổ phần Công nghệ Nguồn mở Thế hệ mới.

>> Nhân tài Đất Việt 2014: Bất ngờ lớn với 3 Quán quân
 
Ngay sau buổi lễ trao giải, phóng viên báo điện tử VnMedia đã cùng chia sẻ niềm vui và có cuộc phỏng vấn ngắn anh Lê Minh Châu, trưởng nhóm tác giả sản phẩm “Thiết bị quản lý tích hợp, dịch vụ và hạ tầng mạng chuyên nghiệp - MeGate”. 
 

Ảnh minh họa
GS. TS Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (thứ 3 từ trái sang) và ông Trần Mạnh Hùng – Thành viên Hội đồng thành viên – Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) (thứ 5 từ trái sang) trao Giải Nhất của Hệ thống Công nghệ Thông tin triển vọng cho nhóm tác giả của Công ty Cổ phần Công nghệ Nguồn mở Thế hệ mới.


- Trước hết xin chúc mừng anh và nhóm của mình đã đạt giải cao nhất NTĐV 2014 trong nhóm sản phẩm CNTT triển vọng. Anh có thể chia sẻ đôi chút với độc giả VnMedia về sản phẩm này được không?
 
Sản phẩm MeGate giống như thiết bị có thể quản lý hạ tầng của một mạng rất lớn. MeGate được xây dựng theo hướng tích hợp toàn bộ tính năng, dịch vụ, thành phần của thiết bị có trong hệ thống mạng nội bộ cũng như mạng Internet. Những tính năng chính của sản phẩm gồm Cân bằng tải đường truyền Internet, tường lửa, điều phối băng thông, định tuyến và chuyển mạch, bộ lọc, tính cước dịch vụ và điều khiển thiết bị tầng truy cập.
 
- Từ đâu nhóm có ý tưởng tạo ra sản phẩm này?
 
Nguyên nhân sâu xa xuất phát từ khi công ty mình làm dịch vụ trong các trường đại học, gặp vấn đề với những sản phẩm mua từ đơn vị khác nhập khẩu thiết bị của nước ngoài khá đắt tiền nhưng không đáp ứng được yêu cầu kinh doanh của mình. Từ đó chúng tôi có ý định tạo ra sản phẩm phù hợp với doanh nghiệp của mình.
 
Mục tiêu và ý định ban đầu của chúng tôi khá đơn giản. Đó là tìm kiếm các phần mềm điều khiển nguồn mở, cài đặt lên các phần cứng sẵn có rẻ tiền, tạo nên các thiết bị mạng chuyên dụng, đáp ứng được hệ thống mạng với quy mô vài trăm người dùng.
 
- Vậy đâu là thế mạnh thực sự của MeGate so với các hệ thống tương tự tại Việt Nam và trên thế giới?
 
Thế mạnh của sản phẩm là giải quyết được hai bài toán. Thứ nhất là tạo ra được sản phẩm phù hợp với việc kinh doanh của mình, sau đó là phù hợp với nhiều mô hình triển khai thực tế ở Việt Nam. Các nhà sản xuất nước ngoài sẽ không giải quyết được như vậy. Chẳng hạn, các quán cà phê ở Việt Nam mật độ người dùng đông, người dùng sử dụng thường xuyên và rất nhiều, có thể ngồi uống cà phê nhưng chơi game cả ngày. Những mô hình này là điều người nước ngoài không bao giờ nghĩ đến. Do đó, những thiết bị này sẽ hạn chế trong môi trường các quán cà phê, trường đại học. Thiết bị của nhóm giải quyết câu chuyện như vậy, nên tạo ra sức mạnh phục vụ những môi trường đặc thù, tập trung đông đúc, mật độ cao.
 
Vấn đề thứ hai quan trọng nhất giải quyết được là giá thành thấp. Phần cứng nhóm không tự sản xuất nhưng đặt hàng các nhà sản xuất OEM. Khi đặt hàng sản xuất, nhóm có thể yêu cầu phần cứng phù hợp với nhu cầu thị trường triển khai. Do đó, giá thành sản xuất sản phẩm thấp, có thể cạnh tranh với các sản phẩm khác của nước ngoài, kể cả sản phẩm từ Trung Quốc.
 
- Hiện sản phẩm đang được ứng dụng như thế nào?
 
Ứng dụng lớn nhất hiện nay của MeGate là quản lý toàn bộ mạng WiFi của thành phố Đà Nẵng. Mạng WiFi của thành phố Đà Nẵng đang có 400 thiết bị gắn rải rác toàn thành phố Đà Nẵng. 400 thiết bị này sẽ thông qua một hệ thống mạng rất lớn, rất nhiều thiết bị khác của Cisco, cáp quang…cuối cùng tập trung hết về MeGate để quản trị toàn bộ hệ thống. Nếu mở rộng ra hơn thì MeGate có thể ứng dụng vào các trạm chính của các nhà đài, nhà mạng…
 
Hiện sản phẩm được triển khai chủ yếu trong các trường đại học theo hình thức đầu tư cho trường để thu phí dịch vụ hoặc bán sản phẩm. Các trường mua thiết bị này về để quản trị toàn bộ hệ thống mạng trong trường. Ngoài ra, sản phẩm có thể triển khai cho các mạng tại nhà ga, sân bay…
 
- Khó khăn và trở ngại lớn nhất khi triển khai sản phẩm này là gì?
 
Theo ý kiến chủ quan của tôi, khó khăn lớn nhất chính là thuyết phục thị trường tin tưởng vào sản phẩm của mình. Chúng tôi có sản phẩm, làm chủ được công nghệ, chứng minh được sản phẩm hoạt động tốt, ổn định nhưng khi giới thiệu cho các đối tác, khách hàng Việt Nam thì vẫn bị nghi ngờ nhiều về năng lực sản phẩm. Kể cả khi chúng tôi yêu cầu khách hàng có thể lấy sản phẩm về dùng thử miễn phí trong 6 tháng hoặc 1 năm trước khi quyết định hợp tác nhưng đã số khách hàng vẫn còn nghi ngờ. Tôi nghĩ rằng, đây vẫn là đặc tính cố hữu của nhiều người khi nghĩ rằng, công nghệ nhập khẩu mới tốt.
 
- Trước đó sản phẩm của nhóm đã tham dự giải thưởng hay cuộc thi nào khác chưa và vì sao lại chọn thử sức tại NTĐV 2014?
 
Công ty tôi khá kín trong việc phát triển. Chúng tôi muốn hoàn hảo về kỹ thuật trước khi đem ra thi thố. Sản phẩm đã được ứng dụng khá lâu, áp dụng đầu tiên tại trường Đại học Kinh tế từ năm 2009 nhưng từ đó đến 2013, công ty không có một động thái gì làm marketing cho sản phẩm này.Năm 2014 chúng tôi bắt đầu làm marketing và tham gia các cuộc thi. Sản phẩm đã được vinh danh ở hội tin học Thành phố Hồ Chí Minh, có huy chương vàng sản phẩm tiềm năng. Trong một cuộc thi khác tại Đài Loan, công ty chỉ lọt vào 36 doanh nghiệp được vào thuyết trình và không được chọn làm 2 đơn vị cuối cùng để được đi Mỹ.
 
Mục đích chính của nhóm khi tham giả NTĐV 2014 là muốn cộng đồng khoa học biết nhiều hơn và tin tưởng vào sản phẩm của nhóm. Hy vọng, sau Giải thưởng này, nhóm sẽ tạo dựng được một chỗ đứng nhất định trên thị trường Việt Nam.
 
- Anh có thể chia sẻ kế hoạch tiếp theo của nhóm sau khi giành giải Nhất NTĐV 2014?
 
Trong thời gian tới, nhóm sẽ cố gắng để sản phẩm được ứng dụng rộng rãi hơn. Hiện nay các nhà mạng đang nhập khẩu các sản phẩm của nước ngoài rất tốn kém và công ty cũng đã làm việc với Viettel, CMC, và một số công ty con của VNPT như VDC 3. Một số nơi đang sử dụng sản phẩm này và đã biết được giá trị của MeGate. Chưa nói đến công nghệ, chỉ riêng giá cả và độ ổn định của MeGate đều được đánh giá tốt. Nhóm mong muốn sau Giải thưởng này, các nhà mạng sẽ tin tưởng vào sản phẩm này cũng như tham gia vào các đề án của Chính phủ để tự chủ hóa sản phẩm của mình và không phụ thuộc vào các sản phẩm của nước ngoài.
 
Dự kiến, trong 2 năm tới, công ty sẽ thành lập chi nhánh ở Singapore để triển khai sản phẩm cho các trường đại học ở Đông Nam Á. Nhóm không muốn MeGate chỉ dừng lại ở thị trường Việt Nam.
 
- Xin cảm ơn anh và xin chúc sản phẩm của nhóm sẽ tiến sâu ra thị trường quốc tế!  


Công ty Cổ phần Dịch vụ Số liệu Toàn cầu (GDS) là liên doanh giữa Công ty Thông tin NTT Nhật Bản (NTTCom) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), được thành lập năm 2008, hiện cung cấp các dịch vụ IT đa dạng, tư vấn thiết kế cấu trúc mạng theo nhu cầu cụ thể của từng khách hàng, đáp ứng các yêu cầu về chất lượng dịch vụ của khách hàng và giúp khách hàng giảm thiểu chi phí đầu tư. Các thông tin về GDS có tại địa chỉ Websiste: http://gds.vn/ .


Tuệ Minh

Ý kiến bạn đọc