4 phát hiện ấn tượng nhất của NASA năm 2012

19:21, 11/12/2012
|

(VnMedia) - Nhân sự kiện tổng giám đốc NASA đến thămg Việt Nam, VnMedia xin điểm lại những phát hiện mới nhất của cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ trong khoảng nửa cuối năm 2012.

Công bố những hình ảnh chưa từng được biết đến của Trái đất

Nhân dịp kỷ niệm sự kiện “lần đầu tiên phóng vệ tinh quan sát Trái đất” vào tháng 12/1960, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vừa phát hành tuyển tập những bức ảnh tuyệt đẹp về đất, đại dương, băng, không khí... ở nhiều địa điểm khác nhau trên Trái đất được chụp bởi vệ tinh chưa từng công bố.

 Ảnh minh họa

 Một trong những bức ảnh chưa từng được công bố: tuyết phủ trắng xoá phía đông dãy Himalaya, màu đỏ trong bức ảnh là thảm thực vật ở độ cao thấp hơn 5.000m. Bức ảnh chụp năm 2001.

Vệ tinh quan sát Trái đất được NASA phóng đầu tiên vào năm 1960 giúp các nhà khoa học quan sát sự biến đổi môi trường trên toàn cầu, cũng như cung cấp thông tin giúp chúng ta hiểu được vẻ đẹp, sự nguy hiểm, rủi ro của những vùng đất trên khắp thế giới.

Tìm thấy một hành tinh nhỏ hơn Trái Đất

Ngày 18/7 cơ quan hàng không vũ trụ quốc gia Mỹ cho biết, nhờ sử dụng Kính viễn vọng Spitzer, các nhà thiên văn học đã phát hiện cái được họ cho là một hành tinh có kích cỡ bằng 2/3 so với Trái Đất.

 Ảnh minh họa

 Hành tinh mới phát hiện UCF-1.01

Ứng cử viên hành tinh ngoài hệ mặt trời (exoplanet) này được đặt tên là UCF-1.01, cách Trái Đất chỉ 33 năm ánh sáng, khiến nó có thể sẽ trở thành thế giới gần với hệ mặt trời nhất có kích thước nhỏ hơn Trái Đất.

Spitzer trước đó đã thực hiện các nghiên cứu về sự di chuyển ngang qua của các exoplanet đã được khám phá, nhưng UCF-1.01 là hành tinh đầu tiên mà kính viễn vọng này phát hiện được, dẫn đến khả năng Spitzer sẽ đóng vai trò hỗ trợ trong việc phát hiện các thế giới tiềm tàng có thể sống được và có kích thước bằng Trái Đất.

Công bố bí ẩn địa chất trên Sao Hỏa

Giữa tháng 9/2012, NASA cho biết robot tự hành Opportunity đã đi ngang qua một bãi đá lộ có những hạt li ti trồi lên mặt đất với đường kính 1/8 inch (3mm), điều mà các nhà khoa học chưa từng thấy trước đó.

Nhìn thoáng qua, các nhà nghiên cứu tưởng những vật thể này giống với các hạt cầu có hàm lượng sắt cao, được phát hiện gần địa điểm hạ cánh của Opportunity. Những hạt này được hình thành khi khoáng vật tách khỏi nước và kết tủa thành hạt cứng. Chúng là một phần trong bằng chứng cho thấy Sao Hỏa từng có nước.

 Ảnh minh họa

 Tàu Opportunity phát hiện các khối cầu tý hon trên tại bãi đá lộ Kirkwood thuộc khu vực Cape York nằm ở viền phía Tây của Hố Endeavour.

Mặc dù đã hoàn thành sứ mệnh chính của mình cách đây hơn 8 năm, song đến nay tàu thăm dò Opportunity vẫn tiếp tục các nhiệm vụ mới không nằm trong chương trình của NASA.

Phát hiện nước và chất hữu cơ trên sao Thủy

Cuối tháng 11/2012, NASA cho biết tàu vũ trụ Messenger thám hiểm sao Thủy của họ đã phát hiện trên hành tinh này không chỉ có vết tích của băng đá, mà còn có các thành phần hợp chất hữu cơ, những thứ này được tìm thấy ở miệng núi lửa nằm ở cực bắc của hành tinh có màu xám bạc.

 Ảnh minh họa

 Ảnh kết hợp do tàu Messenger gửi về Trái đất giúp các nhà nghiên cứu có cái nhìn toàn cảnh về cực Bắc sao Thủy

Bằng chứng về sự tồn tại của nước ở dạng băng trên sao Thủy có thể nhìn thấy rõ từ vĩ độ 85 độ Bắc tới cực Bắc của hành tinh này, với các lớp băng nhỏ hơn nằm rải rác, xa tới 65 độ Bắc.

Khác với các loại đá vô cơ thông thường, trong băng đá có chứa nhiều phân tử hydro, thành phần hóa học chính của nước, do đó nó dễ dàng phản xạ ánh sáng. Từ đó máy đo quang phổ trên tàu thăm dò Messenger của NASA đã phát hiện ra chúng.


(T.H)

Ý kiến bạn đọc