Apple, Google và Microsoft: Đối đầu nhưng chung "số phận"?

08:03, 22/09/2015
|

(VnMedia) - Tuy là đối thủ nhưng cả 3 "ông lớn" Apple, Google và Microsoft lại đang chia sẻ nhiều lợi ích, hướng đi và rủi ro tương tự nhau.

Tất cả họ - Apple, Google và Microsoft đều là những "đầu tàu" của cả ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng. Họ tuyển dụng một lượng lớn các nhà công nghệ thông minh nhất và sáng tạo nhất trên thế giới và tạo ra những sản phẩm cách tân nhất, có sức ảnh hưởng lớn nhất. Đó là Windows, iPhone, công cụ tìm kiếm của Google và nhiều thứ khác. Có thể tương lai của 3 thương hiệu này sẽ khác biệt như chính quá khứ của họ, nhưng hiện tại tất cả đều đi chung trên một con đường với các sản phẩm và dịch vụ tương đồng. Họ cũng đang phải đối diện và giải quyết các vấn đề giống nhau.

Ảnh minh họa

Với Apple, hai dịch vụ CarPlay và Android Auto đang bắt đầu thâm nhập vào lĩnh vực kinh doanh xe hơi kết nối, vốn là sân nhà của Microsoft trong nhiều năm qua. Trong khi đó, trợ lý Cortana của Microsoft mặc dù ra mắt sau nhưng đang cạnh tranh rất gắt với Google Now và Apple Siri. Apple sử dụng công cụ Continuity để đồng bộ nhiều thiết bị của hãng với nhau, trong khi Microsoft có Continuum, còn Google có trình duyệt Chrome và nhiều ứng dụng web khác.

Ngoài lĩnh vực xe hơi kết nối và đồng bộ thiết bị, cả 3 "ông lớn" trên đều đang hướng tới TV với các giải pháp AirPlay, Chromecast, và Microsoft Wireless Display Adapter, và phát triển các ứng dụng và nền tảng game như Xbox one, Android consoles, và Apple TV.

Mặc dù có cách tiếp cận và mô hình kinh tế khác nhau, nhưng tương lai gần của Apple, Google và Microsoft lại giống nhau tới kỳ lạ. Nếu hỏi bất cứ ai trong số họ về tương lai smartphone, bạn sẽ nhận được câu trả lời liên quan tới kho ứng dụng, màn hình và camera chất lượng cao, các thiết kế công nghiệp và triết lý tương đồng. Những tên tuổi lớn khác như Twitter và Facebook, dù có khởi điểm khác nhau, nhưng đang dần xóa bỏ sự khác biệt và cùng tiến về một hướng như nhau.

Tất cả như có vẻ đều bắt nguồn từ các tiến trình cải tiến đơn giản. Chẳng hạn Microsoft đã phải cố gắng rất nhiều để tạo nên thay đổi lớn cho Windows Phone 7 và Windows 8 nhưng không nhận được nhiều phản hồi tích cực của người dùng, mà phải tới Windows 10 mới có tín hiệu lạc quan. Còn Samsung đã cố gắng tích hợp camera vào đồng hồ, Google có cố gắng tương tự với kính đeo, trong khi LG tạo ra những chiếc phablet cỡ lớn, còn Sony, Kyocera và NEC đều thất bại trong việc cố gắng làm cho thiết bị gập 2 màn hình trở nên thông dụng hơn. Thị trường chính là yếu tố định hướng sản phẩm và ảnh hưởng trực tiếp tới quyết định của nhà sản xuất.

Ảnh minh họa



Liệu Apple có thực sự khác biệt?

Lần đầu tiên Steve Jobs giới thiệu chiếc iMac năm 1998, tất cả mọi người đều ngạc nhiên bởi chưa khi nào họ thấy một thiết bị tương tự. Apple luôn dành rất nhiều tiền cho khâu R&D (nghiên cứu và phát triển) và trong quá khứ họ luôn được coi là tiên phong về sáng tạo. Gần 2 thập kỷ sau, mọi thứ đã bị xóa nhòa. Apple vừa giới thiệu iPad Pro và Apple Watch nhưng chức năng của chúng không khác gì chiếc Surface Pro của Microsoft và dòng đồng hồ Android Wear của Google. Nếu Apple thực sự khác biệt như những gì họ thường nói và nhiều người thường tin thì họ phải tạo ra một thứ gì đó hoàn toàn khác chứ không chỉ đơn thuần lặp lại những gì đã có.

Ảnh minh họa

Tất nhiên, không chỉ Apple bị coi là sao chép. Thiết kế của chiếc điện thoại Google Android đầu tiên là sự pha trộn của 2 thương hiệu Nokia và BlackBerry. Cho tới khi Apple ra mắt iPhone thì mọi thứ mới bắt đầu lại. Thế giới công nghệ luôn làm nảy sinh ý tưởng sao chép, chỉ có điều cái sau tốt hơn cái trước chứ không đơn thuần lặp lại những gì đã có.

Sáng tạo thực sự luôn đi kèm rủi ro lớn và các công ty lớn luôn phải cân nhắc kỹ càng. Apple hiện đang là công ty có giá trị cao nhất trên thế giới nên việc quản lý và đáp ứng kỳ vọng của cổ đông luôn được xem là ưu tiên hàng đầu. Mới tháng trước, CEO Tim Cook đã phải vội khẳng định rằng sụp đổ của thị trường chứng khoán Trung Quốc không ảnh hưởng tới tăng trưởng của Apple. Trước đó vài tuần, Google đã tái cấu trúc lại doanh nghiệp, đặt toàn bộ các dự án đầu tư lâu dài dưới sự quản lý của công ty mẹ Alphabet, còn các sản phẩm /dịch vụ đang có hàng tỉ người dùng vẫn nằm dưới sự điều hành của Google.

Nhân viên Apple, Google và Microsoft nổi hơn sau khi bỏ việc

Ảnh minh họa

Đã có nhiều bộ óc thông minh từng làm việc tại Apple, Google và Microsoft tự mình lập nghiệp sau khi bỏ việc. Lấy ví dụ về Nest, thiết bị ứng dụng nhà thông minh, là tác phẩm của một nhóm kỹ sư từng làm ra chiếc iPod và iPhone. Còn công cụ vẽ Paper và Pencil dành cho iPad (và giờ là iPhone) là sản phẩm của FiftyThree, một nhóm từng làm việc tại dự án máy tính bảng Courier của Microsoft (dự án này đã thất bại).

Chính những công ty khởi nghiệp (start-up) lại được coi là động lực của sáng tạo. Uber và Airbnb đang thay đổi mô hình kinh tế về chuyện thuê mướn dịch vụ, còn các kỹ sư phần cứng như Pebble và Oculus đang tạo ra công nghệ mới mà không gắn với bất cứ hệ sinh thái của công ty cụ thể nào. Các startup cũng đối mặt với nhiều vấn đề nhưng họ tự chủ hơn. Đó cũng là lý do tại sao Google X, các phòng nghiên cứu của Microsoft và các sáng kiến như First Flight của Sony đã và đang hướng tới.

Ảnh minh họa

Trong số này, các nỗ lực của Sony được xem là thực tế nhất. Họ đang cung cấp một nền tảng thương mại điện tử cho nhiều start-up, giúp tạo nên các sản phẩm thực sự hấp dẫn - như FES Watch chẳng hạn - giúp thu hẹp khoảng cách đáng kể giữa các ý tưởng xa vời và thiết bị thương mại hóa. Trong khi đó, chiếc điện thoại theo dạng module Project Ara của Google và tai nghe HoloLens AR của Microsoft thực sự tham vọng, nhưng sẽ phải mất nhiều năm nữa mới có mặt trên thị trường.


Tuệ Minh - (Tổng hợp

Ý kiến bạn đọc