Điện thoại Trung Quốc "móc tiền" người dùng kiểu gì?

16:47, 19/08/2015
|

(VnMedia) - Bán với giá rất rẻ, chất lượng cũng không đến nỗi nào, đôi khi là tặng không cho khách hàng… Đó là những thủ thuật mà các hãng smartphone Trung Quốc đang áp dụng trong chiến dịch "dầu loang" để dần chiếm thị phần trong "miếng bánh smartphone" béo bở.

Tuy chỉ có tuổi đời 1 năm tròn nhưng onePlus, sản phẩm smartphone của Shenzhen, hiện đã có mặt tại Mỹ và Anh và trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi trong giới công nghệ. Trong khi đó, thương hiệu smartphone "made in China" như Xiaomi giờ đã trở thành hãng smartphone lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau Samsung và Apple.

Ảnh minh họa

Vậy những thương hiệu điện thoại Tàu này đang kiếm tiền kiểu gì?

Cả onePlus và Xiaomi đang dựa trên mô hình kinh doanh chưa được kiểm thử. Họ đều đặt mục tiêu bán thiết bị không cần lợi nhuận, trước tiên để giành thị phần từ các đối thủ như Samsung, sau đó mới hy vọng kiếm lời từ những thứ mà họ bán cho người dùng điện thoại.
Trên diễn đàn trực tuyến của onePlus, đồng sáng lập Carl Pei đã chỉ 3 nguồn thu mang lại lợi nhuận cho hãng này, đó là: Phụ kiện (bán kèm theo điện thoại); Dịch vụ (bán phần mềm trả tiền); và Quy mô (bán điện thoại với số lượng đủ lớn để mua linh kiện giá rẻ và duy trì mức giá thấp nhưng an toàn).

Đây cũng chính là hướng đi của Xiaomi, từng áp dụng mô hình này trong suốt 3 năm qua. Xiaomi bắt đầu bán ra các mẫu điện thoại Android với giá gần như không có lãi, và chỉ bán qua mạng. Đối tượng người mua chủ yếu là giới trẻ, những người hiểu về công nghệ, mong muốn những tính năng mới trên điện thoại. Với giá bán rất thấp, Xiaomi chỉ hy vọng kiếm tiềm từ bán phụ kiện và dịch vụ kèm theo.

Năm ngoái, lần đầu tiên Xiaomi đạt mức lợi nhuận và hiện đang có giá thị trường lên tới 45 tỉ USD. Tuy nhiên, để thực sự kiếm được tiền, Xiaomi cần phải đẩy mạnh mảng phần cứng và dịch vụ tới tay người dùng.  

Trong khi đó, onePlus chỉ đi sau Xiaomi một chút trên mặt trận này. onePlus đặt mục tiêu bán được 3-5 triệu chiếc điện thoại vào cuối năm nay (Xiaomi đặt mục tiêu bán được 80 – 100 triệu chiếc). CEO của onePlus, Pete Lau, nói rằng năm ngoái công ty đã có lợi nhuận nhưng không tiết lộ thêm chi tiết.

Tại thị trường Trung Quốc, Xiaomi đã gặt hái được nhiều thành công nhờ bán điện thoại giá rẻ. Công ty này hy vọng sẽ kiếm được 1 tỉ USD tiền bán dịch vụ trong năm nay, chủ yếu là từ dịch vụ trong ứng dụng, download đa phương tiện, và đồ ảo (Xiaomi không công bố các dịch vụ chi tiết và giá bán của chúng). Xiaomi cũng xây dựng kênh thương mại điện tử để bán các sản phẩm IoT như cân thông minh, đèn điện thông minh và vòng đeo tay thông minh.
Hiện vẫn còn quá sớm để đánh giá mô hình này có thành công hay không. Hãng điện thoại thành công nhất hiện nay là Apple đang phát triển cả phần cứng lẫn phần mềm. Tuy nhiên, tiền kiếm được từ các phần mềm như iTunes và iCloud chỉ đạt khoảng 5 tỉ USD, bằng 10% tổng doanh thu của Apple.

Thị trường 5 tỉ USD nghe có vẻ lớn nhưng đó không phải là cái mà onePlus và Xiaomi hướng tới. Cả hai đều dựa trên phần mềm Android của Google, và người dùng Android thường "nghèo hơn" – số tiền họ chi cho ứng chỉ bằng 1/4 so với người dùng Apple.

Vậy nên, bán điện thoại với giá thấp có thể mang lại thị phần lớn hơn nhưng xây dựng mô hình thực sự kiếm ra
tiền không phải đơn giản với các nhà sản xuất điện thoại đến từ Trung Quốc, nhất là trong thời điểm cạnh tranh đang quá gay gắt như hiện nay.


Tuệ Minh - (Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc