"Cuộc chiến" về quyền riêng tư trên smartphone của trẻ nhỏ

08:15, 20/06/2015
|

(VnMedia) - Cha mẹ nên kiểm soát việc lướt web của con cái mình ở mức độ nào? Đó chính là câu hỏi hóc búa đối với các bậc phụ huynh tại Hàn Quốc, nơi đang diễn ra "cuộc chiến" gay gắt về vấn đề quyền riêng tư này.

Theo quy định của chính phủ Hàn Quốc, trẻ dưới 19 tuổi khi mua smartphone bắt buộc phải cài đặt một ứng dụng theo dõi các hoạt động lướt web trên điện thoại. Quy định này cũng giúp các bậc phụ huynh có thể theo dõi xem con mình đã làm gì trên mạng và khóa những trang web "không mong muốn" khi cần. Nếu không cài những ứng dụng kiểu này thì điện thoại sẽ không hoạt động. Tại một số quốc gia, những người trên 18 tuổi đã không được coi là "trẻ" nữa bởi họ đã có quyền bầu cử và tham gia vào quân đội.

"Cảnh sát trưởng thông minh"

Chính phủ Hàn Quốc đã phát triển một ứng dụng theo dõi riêng có tên Smart Sheriff (Cảnh sát trưởng thông minh) nhưng thực tế lại có rất nhiều các phần mềm thay thế khác. Các cửa hàng bán điện thoại luôn dán thông báo tại cửa ra vào: "Nếu bạn vẫn còn ít tuổi,  bạn sẽ phải cài ứng dụng chặn nội dung độc hại trên điện thoại".

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, cũng xuất hiện những kiểu tranh luận kiểu không dứt về chủ đề này. Trong khi quan điểm của chính phủ là dứt khoát: có rất nhiều thứ tệ hại trên web và những người trẻ tuổi phải được bảo vệ khỏi chúng, thì nhiều ý kiến phản hồi cho rằng: đó là vấn đề tự do cá nhân. Các ý kiến này cho rằng trẻ cần được tự do hơn trong không gian mạng để giải trí hay học hỏi đối phó với những khó khăn của cuộc sống.

Ngoài ra, các ý kiến phản đối cũng cho rằng nếu trẻ bị cấm không được tiếp cận một phần nào đó của Internet thì người cấm phải là bố mẹ chúng chứ không phải chính phủ. Việc chặn truy cập vào một loạt trang web qua ứng dụng smartphone là bước đi quá xa với thực tế.

Một số ứng dụng, đặc biệt là Smart Sheriff, có khả năng theo dõi những từ khóa và cụm từ mà trẻ thường hay sử dụng trên điện thoại. Nó sẽ báo động cho cha mẹ nếu trẻ nhập những cụm từ này vào công cụ tìm kiếm web. Một số cụm từ được cho là nhạy cảm như: "đe dọa", "trốn khỏi nhà", "có thai", và "điên".

Kim Kha Yeun, một luật sư làm việc tại Open Net Korea – chính là tổ chức vận động việc bắt buộc cài đặt phần mềm ngăn chặn trên điện thoại, nói: "Nó cũng giống như việc cài đặt camera theo dõi trên điện thoại cả trẻ". Open Net Korea cũng lo ngại rằng danh sách các trang web cần phải chặn sẽ dài ra.

Đất nước của smartphone

Hàn Quốc đã được coi là nước công nghiệp hóa có ngành công nghệ cao rất phát triển. Chính vì thế cứ 10 trẻ em sẽ có 8 trẻ sử dụng smartphone, cao hơn rất nhiều so với tỉ lệ tại các nước khác. Tuy nhiên, từ trước tới nay luôn có những nỗ lực để kiểm soát cách thức người dân sử dụng công nghệ tại nước này.

Chẳng hạn khi dùng smartphone chụp ảnh, bắt buộc phải có âm thanh nhằm ngăn chặn việc sử dụng điện thoại để chụp những bức ảnh "không thích hợp" trên tàu điện ngầm, trong phòng thay đồ hoặc những nơi công cộng khác.

Tuy nhiên, những ý kiến phản hồi cho rằng thay vì bắt buộc phải có âm thanh khi chụp ảnh, chính phủ nên ra những quy định rõ ràng để ngăn chặn những hành vi "không thích hợp" tại nơi công cộng thay vì giới hạn về mặt công nghệ.

Tại đất nước Kim chi, điện thoại Samsung đang "làm mưa làm gió" trên thị trường, vượt xa thị phần các hãng khác. Tuy nhiên, vị trí này không chắc sẽ mãi được duy trì trong tương lai bởi hiện tại Apple đã vượt mặt LG, một "đồng hương" khác của Samsung.


Tuệ Minh - (Theo BBC)

Ý kiến bạn đọc