- Các chiến đấu cơ Su-35 của Lực lượng Không quân Nga đã xuất kích đi làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu trong chuyến bay của ông đến chiến trường nóng bỏng Syria, Bộ Quốc phòng Nga hôm qua (23/3) tiết lộ.
Chiến đấu cơ Su-35 |
"An ninh của chuyến bay chở Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ở không phận Syria đã được đảm bảo bởi các chiến đấu cơ Su-35S của Lực lượng Không quân Nga”, Bộ Quốc phòng Nga cho hay.
Su-35 là một phiên bản hiện đại hóa rất sâu của loại chiến đấu cơ Su-27M – máy bay chiến đấu chủ lực hiện nay của Không quân Nga.
Máy bay chiến đấu ưu việt Su-35 hoạt động bằng hai động cơ phản lực 117S có véc-tơ điều khiển cung cấp lực đẩy.
Su-35 sở hữu khả năng tấn công hiệu quả vượt trội hơn so với rất nhiều loại chiến đấu cơ tối tân khác cùng loại của phương Tây khi có thể tấn công cùng lúc nhiều mục tiêu trên không bằng việc sử dụng cả các tên lửa và hệ thống vũ khí có điều khiển và không điều khiển. Cụ thể, máy bay tiêm kích Su-35 thế hệ 4++ có thể cùng một lúc theo dõi 30 mục tiêu, phát hiện mục tiêu ở cách xa 400km và tấn công đồng thời 8 mục tiêu trên không, hoặc cùng một lúc theo dõi 4 mục tiêu và tấn công 2 mục tiêu trên mặt đất. Máy bay chiến đấu Su-35 được trang bị một khẩu pháo 30mm với 150 viên đạn, và có thể mang tới 8 tấn vũ khí trên 12 giá treo bên ngoài.
Loại máy bay chiến đấu tối tân này có thể bay 6.000 giờ với thời gian sử dụng khoảng 30 năm.
Sở dĩ Nga phải đưa chiến đấu cơ Su-35 đi bảo vệ cho chuyến bay của Bộ trưởng Shoigu là bởi vì chuyến đi của ông đến Syria – một trong những vùng đất nguy hiểm nhất thế giới hiện giờ. Syria đang là chiến trường chứng kiến hàng loạt các cuộc giao tranh, đụng độ của rất nhiều lực lượng và thành phần khác nhau.
Cuộc nội chiến ở Syria bắt đầu bùng nổ từ cách đây 9 năm. Đây là một cuộc chiến vô cùng phức tạp bởi nó không chỉ là cuộc đấu đẫm máu giữa quân đội của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và phe nổi dậy mà còn là nơi chứng kiến cuộc đối đầu gay gắt giữa Nga với Mỹ và phương Tây. Hai bên ủng hộ cho hai phe đối địch nhau trong cuộc chiến ở Syria. Nếu như Nga luôn sát cánh bên chính quyền của Tổng thống Assad thì Mỹ và phương Tây lại hậu thuẫn cho phe nổi dậy Syria.
Mỹ cùng một loạt nước đồng minh đã thiết lập một liên minh chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) với số thành viên tham gia lên tới hơn 70 nước. Liên minh này chính thức phát động chiến dịch không kích nhằm vào IS từ tháng 8 năm 2014, bắt đầu từ chiến trường Iraq. Một tháng sau, liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu bắt đầu tấn công vào các mục tiêu của nhóm khủng bố này ở Syria.
Trong khi đó, Nga bắt đầu đưa quân tham chiến vào Syria hồi tháng 9 năm 2015 theo đề nghị của đồng minh Bashar al-Assad. Mục tiêu của chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria được giới chức Moscow tuyên bố là để chống lại lực lượng khủng bố, cụ thể ở đây là IS. Lực lượng của Nga đóng tại Căn cứ Không quân Khmeimim.
Mặc dù đưa quân vào Syria sớm hơn nhiều tháng so với Nga và được hậu thuẫn bởi một liên quân quốc tế hùng hậu quy tụ hàng chục nước, trong đó có một loạt cường quốc quân sự, Mỹ vẫn không đạt được kết quả ấn tượng trên chiến trường Syria như Nga. Với chiến dịch không kích dồn dập của mình ở Syria, Nga đã gây tổn thất nặng nề cho lực lượng khủng bố và giúp đảo chiều cuộc chiến tranh ở Syria theo hướng có lợi cho đồng minh Assad. Từ thực tế này, Nga đang chiếm thế thượng phong, vượt qua mặt Mỹ ở Syria.