VNPT đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của Ngành

09:01, 29/12/2014
|

(VnMedia) - Song song với thực hiện tái cơ cấu theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ TT&TT, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam trong năm 2014 vẫn giữ ổn định SXKD, đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Đó là thông tin được Tổng Giám đốc Trần Mạnh Hùng nêu tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2015 của Bộ TT&TT ngày 25/12/2014, từ Hà Nội nối cầu truyền hình trực tuyến tới các Tp.HCM, Đà Nẵng và 47 Sở TT&TT trên cả nước.
 

Ảnh minh họa
  Tổng Giám đốc Trần Mạnh Hùng tham luận tại Hội nghị.

Về đổi mới tổ chức quản lý và điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, VNPT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn tại Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 10/06/2014; đã hoàn thành việc bàn giao nguyên trạng Công ty thông tin di động (VMS), Học viện công nghệ BCVT về Bộ Thông tin và Truyền thông theo các Quyết định của Bộ; đã triển khai các bước tiếp theo thực hiện lộ trình tái cơ cấu Tập đoàn theo Quyết định 888/QĐ-TTg và chỉ đạo của Bộ TT&TT.
 
Năm 2014, tổng lợi nhuận của VNPT dự kiến đạt 6.310 tỷ, đạt 103% kế hoạch, bằng 112% so với năm trước. Hiện, tổng số thuê bao điện thoại trên mạng của Tập đoàn khoảng 30,5 triệu (gồm 4,5 triệu thuê bao cố định và 26 triệu thuê bao thuê bao di động), trong năm đã phát triển mới khoảng 8,8 triệu thuê bao di động VinaPhone; tổng số thuê bao IPTV (truyền hình cáp theo yêu cầu - MyTV) đạt khoảng 1 triệu thuê bao; tổng số thuê bao Internet băng rộng khoảng trên 3 triệu, riêng thuê bao FTTx tăng gấp hơn 5 lần so với năm 2013. Dịch vụ quang băng rộng nói chung và Internet FiberVNN nói riêng tiếp tục được thị trường cũng như khách hàng tin dùng, lựa chọn sử dụng; ngoài phục vụ các doanh nghiệp lớn như tài chính, ngân hàng, hệ thống điều hành điện tử... dịch vụ còn có nhiều gói cước mới, ưu đãi và giá rẻ, phù hợp với nhu cầu của đông đảo khách hàng cá nhân, hộ gia đình...
 
Những kết quả VNPT thực hiện được trong năm qua đã đóng góp tích cực vào thành tích chung của ngành Thông tin và Truyền thông trên các phương diện. Trong đó, theo báo cáo của Bộ TT&TT tại hội nghị, tổng doanh thu phát sinh toàn Ngành (chưa tính công nghiệp CNTT) ước đạt 500.000 tỷ đồng; tổng nộp ngân sách nhà nước ước đạt 52.000 tỷ đồng; tỷ lệ thuê bao di động đạt 140 thuê bao/100 dân; thuê bao Internet băng rộng cố định đạt tỷ lệ 7 thuê bao/100 dân; thuê bao băng rộng di động đạt tỷ lệ 26 thuê bao/100 dân, đã có khoảng 41% dân số sử dụng Internet; tỷ lệ phủ sóng di động đạt 94%; phủ sóng phát thanh trên 95% và sóng truyền hình khoảng 98% diện tích cả nước; 100% số xã trên cả nước đã có máy điện thoại; 98% xã trên cả nước có Điểm Bưu điện - Văn hoá xã...
 
Năm qua, hệ thống viễn thông, Internet hoạt động ổn định và tiếp tục phát triển, phục vụ tốt thông tin liên lạc của Nhà nước, nhân dân và phòng chống lụt bão, tìm kiếm, cứu nạn. Công tác quản lý nhà nước về viễn thông đã được Bộ TT&TT triển khai đồng bộ các nội dung gồm quản lý thị trường, cơ sở hạ tầng viễn thông, tài nguyên viễn thông, giá cước, khuyến mại, chất lượng nhằm duy trì tốt thị trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh, phát triển bền vững. An toàn thông tin và an ninh thông tin trên mạng viễn thông tiếp tục được bảo đảm.


Ý kiến bạn đọc