Tìm lời giải cho quản lý, khai thác dữ liệu cá nhân hiệu quả, bền vững

0
0

- Sáng 16/7, Hội thảo “An ninh dữ liệu trên không gian mạng” với chủ đề “Quản lý, khai thác dữ liệu khách hàng - Tuân thủ Nghị định 13” do Hiệp hội An ninh mạng quốc gia tổ chức đã được diễn ra. Đây là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, các chuyên gia trong lĩnh vực an ninh dữ liệu trao đổi các quan điểm, thực tiễn, giải pháp nhằm tìm ra lời giải, hướng tới việc quản lý, khai thác dữ liệu cá nhân hiệu quả, bền vững và đúng quy định pháp luật nói chung và Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân nói riêng.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, Trưởng ban Kiểm tra Hiệp hội An ninh mạng quốc gia nhận định, dữ liệu đã và đang trở thành chìa khóa quan trọng trong cách con người vận hành thế giới hiện tại và mở ra cánh cửa kết nối tương lai. Trong thời đại cuộc sống của con người hòa nhịp cùng công nghệ tính hợp, kết nối không gian số - vật lý - sinh học, dữ liệu được con người liên tục tạo ra và lưu trữ trên không gian mạng, trở thành nguyên liệu đầu vào quý giá, là nền tảng cốt lõi để thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, Trưởng ban Kiểm tra Hiệp hội An ninh mạng quốc gia phát biểu tại Hội thảo.

Các loại dữ liệu cũng ngày càng trở nên đa dạng, được phân tích, xử lý thông qua các hệ thống trí tuệ nhân tạo, từ đó tạo ra các loại dữ liệu phái sinh có giá trị cao hơn, giúp gia tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh một cách rõ rệt. Loại dữ liệu mang tính nhạy cảm và hiện đang được khai thác, sử dụng sai mục đích, tràn lan nhất hiện nay chính là dữ liệu cá nhân, từ những thông tin cơ bản tới những thông tin sinh trắc học, thông tin phản ánh thói quen, suy nghĩ, tâm lý, hành động của mỗi cá nhân. Sự tồn tại nguồn dữ liệu cá nhân mở, phổ biến trên không gian mạng sẽ đi kèm với mức độ rủi ro về chủ quyền dữ liệu, an ninh dữ liệu, quyền riêng tư nếu dữ liệu không được cung cấp, quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tương xứng, đúng cách.

Theo Trung tá Triệu Mạnh Tùng, câu hỏi lớn nhất chúng ta cần trả lời trong bối cảnh dữ liệu là thiết yếu, không thể thiếu đó là làm thế nào để không phải đánh đổi giữa việc khai thác, sử dụng dữ liệu và bảo vệ an ninh, an toàn dữ liệu và quyền riêng tư? Câu hỏi này càng trở nên nan giải khi nhìn vào thực tế, chúng ta thấy nhận thức về giá trị của dữ liệu cá nhân và các kỹ năng bảo vệ dữ liệu cá nhân của chủ thể dữ liệu đối nghịch với hoạt động đánh cắp, mua bán trái phép dữ liệu cá nhân trên không gian mạng, hoạt động khai thác, phân tích dữ liệu cho nhiều mục đích mà chủ thể dữ liệu không được biết, là nguồn gốc cho các hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và nguy cơ đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Để giải quyết được bài toán nêu trên, trong thời gian một buổi sáng, hơn 200 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật, công nghệ thông tin, bảo mật, an ninh dữ liệu… đã được lắng nghe 05 phát biểu, chia sẻ đến từ đại diện Ban Nghiên cứu, tư vấn Chính sách, pháp luật của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia về tình hình kết quả 01 năm triển khai Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân; đại diện doanh nghiệp trong các lĩnh vực ngân hàng, công nghệ thông tin chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tuân thủ Nghị định, đề xuất một số giải pháp cần thiết để quản lý, khai thác và bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Có thể thấy, hoạt động thu thập, khai thác, phân tích và xử lý dữ liệu cá nhân gắn với hầu hết toàn bộ quy trình vận hành, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, nhiều doanh nghiệp còn lúng túng, chưa triển khai đồng bộ các thay đổi và giải pháp để tuân thủ theo đúng các quy định của Nghị định 13. Một số khó khăn mang tính đặc thù của lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh, quy mô hoạt động xử lý dữ liệu cũng rất cần được cơ quan chuyên môn hướng dẫn, tháo gỡ. Việc tuân thủ Nghị định 13 cũng cần được quan tâm cả về khía cạnh pháp lý và công nghệ, hướng tới sự tuân thủ toàn diện và cơ chế để kiểm soát sự tuân thủ đó.

Trước những vấn đề nêu trên, Hội thảo đã có phần tọa đàm trao đổi thiết thực, hiệu quả, tạo ra kênh kết nối giữa các nhà lập pháp, tư vấn pháp luật và các cơ quan, doanh nghiệp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tăng cường mức độ tuân thủ pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Ở góc độ tham mưu ban hành Nghị định 13 và hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai trên thực tế, đại diện Ban Nghiên cứu, tư vấn Chính sách, pháp luật của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia đã có những chia sẻ về mục đích, ý nghĩa và các vấn đề cốt lõi doanh nghiệp cần quan tâm thực hiện theo quy định của Nghị định 13.

Chia sẻ thông tin tại Hội thảo, Thiếu tá Đào Đức Triệu, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Nghiên cứu, tư vấn Chính sách pháp luật, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, cho hay, năm 2023 và đầu năm 2024, Bộ Công an tiếp tục phát hiện nhiều cá nhân, tổ chức liên quan bán dữ liệu cá nhân. Một số đường dây chiếm đoạt, mua bán dữ liệu quy mô lớn tại Việt Nam đã bị phát hiện, đấu tranh, xử lý.

Thiếu tá Đào Đức Triệu, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Nghiên cứu, tư vấn Chính sách pháp luật, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia trình bày tham luận tại Hội thảo
Thiếu tá Đào Đức Triệu, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Nghiên cứu, tư vấn Chính sách pháp luật, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia trình bày tham luận tại Hội thảo

Trước khi có Nghị định số 13/2023/NĐ-CP (Nghị định 13) ra đời, công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân, các công tác liên quan đến quyền của chủ thể gần như bị bỏ ngỏ, hay có thực thi nhưng còn rất hạn chế. Điều này dẫn đến tình trạng, tội phạm lừa đảo hoành hành.

Nghị định 13 có hiệu lực từ ngày 1/7/2023 và đến giờ vừa tròn 1 năm. Nghị định 13 là văn bản đầu tiên của Việt Nam quy định 11 quyền của chủ thể dữ liệu. Nhiệm vụ của các doanh nghiệp là làm sao cụ thể hóa được 11 quyền này bằng các chính sách, quy trình của đơn vị mình nhằm đáp ứng yêu cầu, từ khâu thu thập đến khâu phân tích, xử lý và xóa bỏ dữ liệu.

11 quyền của chủ thể dữ liệu, theo quy định tại Nghị định 13 năm 2022 của Chính phủ. Ảnh: NCA
11 quyền của chủ thể dữ liệu, theo quy định tại Nghị định 13 năm 2022 của Chính phủ. Ảnh: NCA

Theo Thiếu tá Đào Đức Triệu, quy trình tuân thủ Nghị định 13 trải qua 4 bước: Bước một, tuyên truyền, phổ biến, rà soát quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân. Bước hai, đánh giá quy trình, chính sách kinh doanh. Bước ba, chỉ định bộ phận bảo vệ dữ liệu cá nhân; Áp dụng biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân: kỹ thuật, nghiệp vụ. Và bước bốn, thực hiện thủ tục hành chính về bảo vệ dữ liệu cá nhân; Triển khai tổng thể các giải pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Cũng trong phiên buổi sáng của Hội thảo, đại diện chuyên gia đến từ ngân hàng VietinBank, Công ty Công nghệ NGSC, Tập đoàn IBM, Tập đoàn VNPT đã có những trao đổi các kinh nghiệm, giải pháp thực tiễn nhằm quản lý và bảo vệ an ninh, bảo mật các hệ thống xử lý dữ liệu cá nhân, xu thế lưu trữ dữ liệu trên nền tảng điện toán đám mây, giải pháp giám sát an ninh mạng SOC. Qua đó, đóng góp tiếng nói, kiến nghị để các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục hoàn thiện các quy định, chính sách pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân theo hướng phù hợp, khả thi, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp tại Việt Nam.

Phạm Lê


Ý kiến bạn đọc


Tìm lời giải cho quản lý, khai thác dữ liệu cá nhân hiệu quả, bền vững

(VnMedia) - Sáng 16/7, Hội thảo “An ninh dữ liệu trên không gian mạng” với chủ đề “Quản lý, khai thác dữ liệu khách hàng - Tuân thủ Nghị định 13” do Hiệp hội An ninh mạng quốc gia tổ chức đã được diễn ra.

VNPT phát triển hệ sinh thái các giải pháp bảo vệ dữ liệu trước các cuộc tấn công mạng

(VnMedia) - Tham dự Hội thảo An ninh dữ liệu trên không gian 2024 do Hiệp hội An ninh mạng quốc gia phối hợp với Bộ Công an tổ chức vào sáng 16/7, đại diện Tập đoàn VNPT đã chia sẻ về một hệ sinh thái các Giải pháp bảo vệ dữ liệu trước các cuộc tấn công mạng...

Đã miễn, giảm thuế, phí khoảng 47,3 nghìn tỷ đồng

(VnMedia) - Bộ Tài chính cho biết, kết quả thực hiện chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm đạt khoảng 47,3 nghìn tỷ đồng .

Xem trực tiếp "Golf The Open 2024" duy nhất trên MyTV

(VnMedia) - Giải golf The Open Championship 2024, một trong số bốn giải Major danh giá nhất làng golf thế giới sẽ được phát trực tiếp trên chùm kênh SPOTV độc quyền của MyTV từ ngày 18/7 đến ngày 21/7/2024.  

Tham gia đầu tư online nhận tiền hoa hồng, người phụ nữ bị mất hơn 1 tỷ đồng

(VnMedia) - Thời gian qua, Công an Thành phố Hà Nội đã tuyên truyền, cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo khi tham gia đầu tư online nhận tiền hoa hồng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người dân vẫn bị các đối tượng mời chào, dụ dỗ, mất cảnh giác dẫn đến bị chiếm đoạt số tiền lớn.