- Công ty an ninh mạng nổi tiếng của Nga - Kaspersky Lab sẽ “dần dần ngừng hoạt động” tại Mỹ và sa thải nhân viên tại nước này sau khi Bộ Thương mại Mỹ công bố lệnh cấm họ bán sản phẩm của mình tại thị trường Mỹ, công ty Kaspersky hôm qua (15/7) cho biết.
Theo tuyên bố của công ty Kaspersky, việc đóng cửa các hoạt động của Kaspersky Lab tại Mỹ sẽ bắt đầu vào ngày 20/7, chấm dứt gần hai thập kỷ hoạt động của công ty Nga tại quốc gia này.
Kaspersky Lab cho biết: “Công ty đã kiểm tra và đánh giá cẩn thận tác động của các yêu cầu pháp lý của Mỹ và đưa ra quyết định đáng buồn và khó khăn này vì cơ hội kinh doanh tại quốc gia đó không còn khả thi nữa”.
Nhà báo độc lập Kim Zetter lần đầu tiên đưa tin về việc công ty Kaspersky Lab đóng cửa tại Mỹ. Bộ Thương mại Mỹ tháng trước đã công bố lệnh cấm bán và cung cấp phần mềm Kaspersky tại Mỹ với lý do lo ngại về an ninh quốc gia.
Các quan chức Mỹ tuyên bố rằng chính phủ Nga có thể sử dụng phần mềm chống vi-rút phổ biến của Kaspersky để giám sát người Mỹ thông qua việc hack hoặc thu thập dữ liệu.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho rằng, ảnh hưởng của Nga đối với công ty Kaspersky Lab gây ra rủi ro bảo mật đáng kể. Một nguồn tin cho biết quyền truy cập đặc quyền của phần mềm vào hệ thống máy tính có thể cho phép phần mềm đánh cắp thông tin nhạy cảm từ các máy tính của Mỹ hoặc cài đặt phần mềm độc hại và giữ lại các bản cập nhật quan trọng, làm gia tăng mối đe dọa. Bộ trưởng Raimondo đồng thời lưu ý đến thực tế rằng các khách hàng của Kaspersky bao gồm các nhà cung cấp cơ sở hạ tầng quan trọng, chính quyền tiểu bang và địa phương.
“Nga đã cho thấy họ có khả năng và… có ý định khai thác các công ty Nga như Kaspersky để thu thập và vũ khí hóa thông tin cá nhân của người Mỹ và đó là lý do tại sao chúng tôi buộc phải thực hiện hành động mà chúng tôi đang thực hiện ngày hôm nay”, bà Raimondo cho các phóng viên biết như vậy.
Kaspersky đã kịch liệt phủ nhận những cáo buộc trên của phía Mỹ. Kaspersky cho biết họ tin rằng quyết định của Mỹ dựa trên “tình hình địa chính trị hiện tại và những lo ngại về mặt lý thuyết, thay vì dựa trên đánh giá toàn diện về tính toàn vẹn của các sản phẩm và dịch vụ của Kaspersky”.
Trong một tuyên bố gửi qua email trước đây, Kaspersky từng nhấn mạnh rằng các hoạt động của họ không đe dọa đến an ninh quốc gia của Mỹ.
Theo công ty Kaspersky Lab, hơn 400 triệu người và 240.000 công ty trên toàn thế giới sử dụng các sản phẩm phần mềm của Kaspersky Lab. Hiện chưa rõ có bao nhiêu người và công ty như vậy ở Mỹ.
Các cơ quan chính phủ Mỹ đã bị cấm sử dụng phần mềm Kaspersky Lab nhưng động thái của Bộ Thương mại Mỹ trong việc ngăn chặn việc bán phần mềm này ở quốc gia họ là chưa từng có. Bộ Thương mại Mỹ đưa ra lệnh cấm một phần xuất phát từ sắc lệnh hành pháp năm 2021 mà Tổng thống Joe Biden đã ký với danh nghĩa bảo vệ dữ liệu cá nhân của người Mỹ khỏi “đối thủ nước ngoài” và một sắc lệnh liên quan do Tổng thống lúc bấy giờ là ông Donald Trump ký vào năm 2019.
CNN đưa tin vào tháng 4 rằng Bộ Thương mại đang có hành động chống lại Kaspersky Lab.
Được thành lập tại Moscow vào năm 1997, Kaspersky Lab đã phát triển thành một trong những công ty phần mềm chống vi-rút thành công nhất thế giới bên cạnh các đối thủ Mỹ như McAfee và Symantec. Các nhà nghiên cứu của Kaspersky Lab, được công nhận là những chuyên gia hàng đầu trong ngành an ninh mạng, nổi tiếng với việc phân tích các hoạt động hack bị nghi ngờ được thực hiện bởi nhiều chính phủ khác nhau, bao gồm Nga, Mỹ và Israel, cũng như các mối đe dọa tội phạm mạng ảnh hưởng đến người dùng hàng ngày.
Kaspersky Lab cho biết trong tuyên bố được phát đi ngày hôm qua (15/7) rằng họ sẽ “tiếp tục đầu tư vào các thị trường chiến lược và vẫn cam kết phục vụ khách hàng và đối tác cũng như đảm bảo sự bảo vệ dành cho họ”.