- Các công ty công nghệ Trung Quốc, từ những gã khổng lồ trong ngành cho đến những công ty khởi nghiệp đầy tham vọng, đã hội tụ tại Hội nghị Trí tuệ Nhân tạo (AI) Thế giới ở Thượng Hải trong tuần này để giới thiệu những cải tiến mới nhất của họ và thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của họ đối với mục tiêu phát triển AI của Trung Quốc ngay cả khi nước này phải đối mặt với hàng loạt biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Hơn 150 sản phẩm và giải pháp liên quan đến AI đang được trưng bày tại hội nghị, với một số ít công ty nước ngoài như Tesla và Qualcomm cùng tham gia vào sự kiện mà chủ yếu người đến xem là người Trung Quốc, nhà tổ chức sự kiện cho hay.
Hội nghị cũng đóng vai trò là bệ phóng để một số công ty giới thiệu các sản phẩm AI mới nhất của họ.
Một ví dụ đáng chú ý là SenseTime trước đây tập trung vào công nghệ nhận dạng khuôn mặt nhưng gần đây đã chuyển sự chú ý sang AI tạo sinh sau khi OpenAI phát hành ChatGPT vào cuối năm 2022.
Vào thứ Sáu vừa rồi, công ty đã tiết lộ SenseNova 5.5 - mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) tiên tiến nhất của họ, đang được quảng cáo là đối thủ của GPT-4o của OpenAI trong các lĩnh vực như lý luận toán học.
Bất chấp những thách thức do hàng loạt biện pháp trừng phạt của Mỹ đưa ra nhằm hạn chế khả năng tiếp cận chip tiên tiến, nhiều giám đốc điều hành tại hội nghị AI bày tỏ sự tin tưởng rằng các công ty Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong lĩnh vực AI.
Ông Zhang Ping'an - Giám đốc điều hành phụ trách bộ phận điện toán đám mây của Huawei, phát biểu tại một diễn đàn rằng ý tưởng cho rằng tình trạng thiếu chip trí tuệ nhân tạo tiên tiến nhất sẽ cản trở mục tiêu trở thành nước dẫn đầu về AI của Trung Quốc cần phải bị "loại bỏ".
Ông Zhang nhấn mạnh: “Không ai phủ nhận rằng chúng tôi đang phải đối mặt với sức mạnh tính toán hạn chế ở Trung Quốc. Nếu chúng tôi tin rằng việc không có chip AI tiên tiến nhất đồng nghĩa với việc chúng tôi sẽ không thể dẫn đầu về AI, thì chúng tôi cần phải loại bỏ quan điểm này”.
Để giải quyết tình trạng thiếu khả năng tiếp cận các chip tiên tiến, ông Zhang kêu gọi đổi mới nhiều hơn trong các lĩnh vực như điện toán đám mây.
Quan điểm trên của ông Zhang được ủng hộ bởi ông Liu Qingfeng - Chủ tịch của công ty AI Iflytek. Công ty này giống như gã khổng lồ công nghệ Huawei đã bị đưa vào danh sách trừng phạt của Mỹ, theo đó họ bị cấm mua chip tiên tiến từ các công ty Mỹ.
Trên tài khoản WeChat của China News Service thuộc sở hữu nhà nước, ông Liu cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn rằng nhiều mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) do các công ty Trung Quốc phát triển, bao gồm cả Iflytek, đã có thể cạnh tranh với GPT-4 của OpenAI.
Ông Liu nói: “Chúng ta phải có mô hình ngôn ngữ lớn của riêng mình do Trung Quốc phát triển và kiểm soát độc lập, có khả năng sánh với các tiêu chuẩn toàn cầu cao nhất và liên tục thu hẹp khoảng cách”.
Một số giám đốc điều hành, bao gồm cả Giám đốc điều hành của gã khổng lồ công cụ tìm kiếm Trung Quốc Baidu Robin Li, đã thúc giục ngành công nghiệp AI của Trung Quốc chuyển trọng tâm ra khỏi việc phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn vốn đòi hỏi lượng lớn sức mạnh tính toán và AI chip mà thay vào đó ưu tiên áp dụng AI.
“Không có ứng dụng, chỉ có các mô hình nền tảng, dù là nguồn mở hay nguồn đóng, đều vô giá trị”, ông Li đã nhấn mạnh như vậy tại hội nghị AI.