- Tăng tốc Chuyển đổi số quốc gia (Country Digital Acceleration - CDA) - dự án dài hơi nhằm thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược với chính phủ các nước, hiện thực hoá các hạng mục của chương trình chuyển đổi số quốc gia của Cisco - đã chính thức được khởi động tại Việt Nam.
Nhân dịp công bố chương trình trong khuôn khổ sự kiện Cisco CxO Symposium diễn ra tại Đà Nẵng, ông Guy Diedrich - Tiến sĩ, Phó Chủ tịch Cấp cao kiêm Giám đốc Đổi mới sáng tạo, Cisco và ông Jason Kalai - Quyền Tổng Giám đốc Cisco Việt Nam, Campuchia, Lào đã có nhiều chia sẻ sâu rộng về tầm nhìn, kế hoạch cụ thể của Cisco thông qua CDA, cũng như dự báo về những tác động tích cực mà CDA có thể mang đến cho Việt Nam trong thời gian tới.
- Được biết, CDA là một trong những chương trình đã từng được Cisco triển khai khá thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới. Vậy điều gì đã khiến Cisco quyết định triển khai chương trình này tại Việt Nam, thưa ông?
Tiến sĩ Guy Diedrich: Việt Nam là quốc gia thứ 50 mà Cisco triển khai CDA trên toàn cầu. Trước đó, chương trình của chúng tôi đã ghi dấu ấn tại nhiều quốc gia, khởi đầu với Pháp, Anh, Ý, Đức và Ấn Độ, tiếp theo đó là nhiều nước Đông Nam Á, với nhiều thành tựu đáng kể.
Tại Malaysia, chúng tôi hợp tác với Telekom Malaysia để phát triển các giải pháp 5G đột phá cho doanh nghiệp. Tại Philippines, chúng tôi hỗ trợ Cục Công nghệ Thông tin và Truyền thông đảm bảo an ninh mạng bằng các công cụ cộng tác và giải pháp bảo mật tích hợp. Tại Thái Lan, chúng tôi đã cải thiện năng lực của Trung tâm Điều hành An ninh cho một trong những công ty dầu khí lớn nhất nước này. Sức mạnh của CDA nằm ở khả năng học hỏi và áp dụng kinh nghiệm thành công từ các thị trường khác, tạo tiền đề cho việc triển khai tại những thị trường mới như Việt Nam.
Ông Guy Diedrich - Tiến sĩ, Phó Chủ tịch Cấp cao kiêm Giám đốc Đổi mới sáng tạo, Cisco |
Việt Nam hội tụ ba yếu tố then chốt thu hút Cisco: Tầm nhìn chuyển đổi số rõ ràng và cam kết mạnh mẽ của Chính phủ; sự hợp tác chặt chẽ giữa khu vực công và tư nhân; và một thế hệ trẻ tài năng, ham học hỏi và sẵn sàng đón nhận đổi mới. Từ quan sát của mình, Cisco nhìn thấy những bước tiến đáng kể trong cả ba trụ cột của chuyển đổi số tại Việt Nam trong những năm gần đây, thể hiện qua việc ứng dụng công nghệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tận dụng dữ liệu và kết nối thông minh. Đây chính là lý do chúng tôi chọn Việt Nam là điểm đến thứ 50 của chương trình CDA, với mong muốn đồng hành cùng đất nước trên hành trình phát triển bền vững.
- Lần này triển khai chương trình CDA tại Việt Nam, ông có thể cho biết Cisco dự định sẽ có những điều chỉnh như thế nào để chương trình phù hợp với bối cảnh văn hoá và kinh tế đặc thù của Việt Nam?
Tiến sĩ Guy Diedrich: Chương trình CDA của Cisco đã chứng minh được hiệu quả vượt trội nhờ vào cách tiếp cận "cá nhân hóa" cho từng quốc gia. Thay vì áp dụng một khuôn mẫu chung, Cisco đầu tư thời gian và nguồn lực để thấu hiểu sâu sắc bối cảnh văn hóa, kinh tế và các ưu tiên phát triển riêng của mỗi quốc gia. Điều này cho phép Cisco xây dựng một chương trình CDA phù hợp với nhu cầu thực tế và tối ưu hóa tác động tích cực.
Quá trình này bắt đầu bằng việc nghiên cứu kỹ lưỡng các chương trình chuyển đổi số quốc gia, cũng như làm việc trực tiếp với các cơ quan cấp cao nhất. Nhờ đó, Cisco có thể đánh giá chính xác tính khả thi của chương trình và xác định các lĩnh vực ưu tiên cần tập trung đầu tư. Khi tính khả thi được khẳng định, Cisco sẽ xây dựng một khung chương trình chi tiết, bao gồm lộ trình thực hiện và ngân sách dài hạn, phù hợp với điều kiện và mục tiêu của quốc gia đó.
Đối với Việt Nam, Cisco xác định ba trụ cột chính cho chương trình CDA: chuyển đổi số trong cơ sở hạ tầng quốc gia, chuyển đổi số trong doanh nghiệp và chuyển đổi số trong khu vực công. Để đạt được những mục tiêu này, Cisco không chỉ hoạt động độc lập mà còn chủ động hợp tác với một mạng lưới đối tác rộng lớn, bao gồm cả khu vực công và tư nhân. Đây là một chiến lược quan trọng, giúp tận dụng tối đa nguồn lực và chuyên môn của các bên liên quan, đồng thời đảm bảo sự đồng bộ và hiệu quả trong quá trình triển khai các dự án chuyển đổi số.
- Những lĩnh vực cụ thể nào sẽ được hưởng lợi từ chương trình CDA tại Việt Nam, thưa ông?
Ông Jason Kalai: Chương trình CDA của Cisco tại Việt Nam tập trung đầu tư vào các lĩnh vực then chốt như 5G, sản xuất thông minh, dịch vụ tài chính số và chính phủ số, nhằm thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện và phù hợp với Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia. Việc phát triển hạ tầng 5G sẽ mở ra cơ hội cho các ứng dụng và dịch vụ mới, trong khi sản xuất thông minh giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất và cạnh tranh. Dịch vụ tài chính số sẽ tăng cường khả năng tiếp cận tài chính cho người dân, còn chính phủ số cải thiện hiệu quả hoạt động và minh bạch của khu vực công.
Ông Jason Kalai - Quyền Tổng Giám đốc Cisco Việt Nam, Campuchia, Lào |
Tất cả những sáng kiến này đều được thiết kế để phù hợp với Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia của Việt Nam nhằm đạt mục tiêu chung là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số, khuyến khích đổi mới công nghệ và xây dựng một xã hội số tại Việt Nam. Cisco sẽ làm việc với các bên liên quan khác nhằm hình thành các dự án cho chương trình và chúng tôi sẽ chia sẻ thông tin chi tiết sau khi thống nhất.
- Nhân ông vừa nhắc đến 5G, Cisco có kế hoạch gì trong việc tích hợp các công nghệ mới nổi như 5G, AI hay IoT vào chương trình CDA nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam?
Ông Jason Kalai: Các công nghệ tiên phong như AI, IoT và 5G đang mở ra kỷ nguyên mới cho các ứng dụng, ngành công nghiệp và mô hình kinh doanh, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống trong nền kinh tế số. Tại Việt Nam và khu vực, các doanh nghiệp đang tận dụng sức mạnh của những công nghệ này để tạo lợi thế cạnh tranh vượt trội.
Ví dụ, mạng 5G riêng sẽ là đòn bẩy cho các ngành đòi hỏi kỹ thuật cao như sản xuất, giúp họ triển khai các ứng dụng chuyển đổi, thúc đẩy nhà máy thông minh và tự động hóa quy trình. Cisco đang hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ trong nước để hỗ trợ phát triển và triển khai dịch vụ 5G, đóng góp vào trụ cột "Chuyển đổi số trong cơ sở hạ tầng quốc gia" của chương trình CDA tại Việt Nam. Các thông tin sâu hơn sẽ được chúng tôi chia sẻ trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, IoT cũng là một lĩnh vực trọng yếu mà Cisco có thể hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trên hành trình chuyển đổi số. Chúng tôi sẽ hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất để ứng dụng công nghệ tiên tiến, tối ưu hóa hoạt động và tích hợp IT/OT, từ đó khai thác tối đa hiệu quả trên quy mô lớn.
Về AI, Cisco sẵn sàng trở thành đối tác công nghệ đáng tin cậy giúp khách hàng của chúng tôi điều hướng quá trình chuyển đổi AI. AI đang thúc đẩy các yêu cầu cao hơn về khả năng kết nối, chẳng hạn như kết nối băng thông cao với độ trễ bằng 0 giữa các GPU trong cụm AI. AI mang đến những cơ hội mới, nhưng cũng đi kèm với các rủi ro bảo mật và các mối đe dọa hoàn toàn mới cần phải được bảo vệ.
Cisco kết nối và bảo vệ kỷ nguyên AI. Chúng tôi mang đến kinh nghiệm hàng thập kỷ và vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực mạng và an ninh mạng để giúp khách hàng giải quyết những thách thức này ở quy mô AI. Chúng tôi cung cấp khả năng quan sát và hiểu biết toàn diện trên phạm vi và quy mô dữ liệu rộng nhất trong ngành. Tất cả đều được xây dựng trên nền tảng của sự tin cậy và sử dụng AI có trách nhiệm. Chúng tôi tin rằng AI sẽ tiếp tục là một lĩnh vực tăng trưởng mạnh mẽ và chúng tôi mong muốn khám phá các cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam.
- Trong 5 năm tới, chương trình CDA của Cisco dự kiến sẽ tạo ra những tác động nào về kinh tế và xã hội tại Việt Nam?
Ông Jason Kalai: Việt Nam là một thị trường trọng điểm của Cisco, và chúng tôi cam kết đồng hành cùng đất nước trên hành trình chuyển đổi số, mở ra những cơ hội mới trong nền kinh tế số. Tại Đông Nam Á, bao gồm cả Việt Nam, các chính phủ đã đặt ưu tiên hàng đầu cho việc ứng dụng công nghệ số. Chúng tôi nhận thấy sự bùng nổ của đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực này.
Tiến sĩ Guy Diedrich: Thông qua chương trình CDA, Cisco mong muốn xây dựng một nền tảng hợp tác để giải quyết các thách thức thực tiễn thông qua đào tạo, đổi mới và chuyển đổi số trên diện rộng. Chúng tôi cũng đặt mục tiêu nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động số của Việt Nam, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao và thúc đẩy hòa nhập số.
Bằng cách thúc đẩy chương trình chuyển đổi số quốc gia, chúng tôi tin tưởng vào khả năng tăng trưởng GDP, tạo việc làm và nuôi dưỡng các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
- Xin cảm ơn hai ông về những chia sẻ này.
Phạm Lê