TikTok tăng cường chiến dịch thách thức lệnh cấm sắp tới của Mỹ

0
0

 - TikTok bắt đầu tăng cường thực hiện các cuộc công kích nhằm vào luật có thể cấm ứng dụng phổ biến này ở Mỹ. TikTok đã đưa ra lập luận trong hồ sơ gửi tòa án rằng người dùng TikTok của Mỹ có thể bị buộc phải sống trên một “hòn đảo” nội dung bị ngắt kết nối với phần còn lại của thế giới nếu nền tảng này buộc phải tìm chủ sở hữu mới.

 

Hồ sơ pháp lý cũng lần đầu tiên công khai nội dung của một dự thảo thỏa thuận giữa TikTok và chính phủ Mỹ mà công ty tuyên bố là để nhằm giải quyết các mối lo ngại về an ninh quốc gia liên quan đến ứng dụng. Tuy nhiên, dự thảo thỏa thuận trên được cho là đã bị loại bỏ để nhường chỗ cho đạo luật mà TikTok cho rằng vi phạm Tu chính án thứ nhất.

Hồ sơ gửi tòa án hồi cuối tuần trước đánh dấu màn mở đầu của TikTok trong một vụ án quan trọng không chỉ quyết định số phận của một ứng dụng được 170 triệu người Mỹ sử dụng mà còn cho thấy cả cách các tòa án giải thích Tu chính án thứ nhất và mối quan hệ của nó với tất cả những phát biểu trực tuyến. Bộ Tư pháp Mỹ từ chối bình luận về diễn biến nói trên.

TikTok khẳng định công ty mẹ Trung Quốc ByteDance không thể thoái vốn khỏi ứng dụng này – “không thể về mặt công nghệ, thương mại hoặc pháp lý” – và không thể trước thời hạn tháng 1 năm 2025 theo luật mà Tổng thống Joe Biden đã ký vào tháng 4.

“Ngay cả khi việc thoái vốn là khả thi, TikTok ở Mỹ vẫn sẽ bị thu gọn về cái vỏ cũ của nó trước đây, bị tước bỏ công nghệ đổi mới và biểu cảm giúp điều chỉnh nội dung cho phù hợp với từng người dùng. Nó cũng sẽ trở thành một hòn đảo, ngăn cản người Mỹ trao đổi quan điểm với cộng đồng TikTok toàn cầu”, TikTok giải thích trong hồ sơ gửi tòa án.

Đó là bởi vì luật mà TikTok đang thách thức nghiêm cấm loại thỏa thuận chia sẻ dữ liệu cần thiết để hiển thị nội dung TikTok quốc tế cho người dùng TikTok của Mỹ, công ty tuyên bố trong hồ sơ của mình.

Cảnh báo nghiêm khắc nói trên giống với những tuyên bố trong bản tóm tắt pháp lý liên quan do những người sáng tạo nội dung TikTok đệ trình cũng trong tuần trước. Nhóm những người sáng tạo, bao gồm huấn luyện viên bóng đá, người ủng hộ nạn nhân bị tấn công tình dục và một cựu chiến binh Lực lượng Không quân Mỹ, lập luận rằng luật bị thách thức sẽ ngăn họ chọn địa điểm và cách thể hiện bản thân, cũng như quyền tiếp nhận quan điểm của người khác theo Tu chính án thứ nhất.

Trong khi đó, việc TikTok tập trung vào dự thảo thỏa thuận với Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) - một hội đồng gồm nhiều cơ quan chịu trách nhiệm xem xét các tác động đến an ninh quốc gia của các giao dịch đầu tư nước ngoài, có thể là trọng tâm trong trường hợp của công ty.

TikTok cho biết, sự tồn tại của thỏa thuận được đề xuất là bằng chứng về một lựa chọn nhẹ nhàng hơn có thể đạt được các mục tiêu của chính phủ Mỹ mà không cần đòi hỏi phía công ty Trung Quốc phải thoái vốn hoặc cấm ứng dụng. Việc chính quyền Tổng thống Joe Biden có bỏ qua một giải pháp thay thế ít hạn chế hơn hay không có thể trở thành một yếu tố trong cuộc kiểm tra tiềm năng về tính hợp hiến của luật.

Trong hồ sơ được gửi đi hồi tuần trước, TikTok cho biết thỏa thuận chưa bao giờ được ký kết mặc dù đã có nhiều năm đàm phán cũng như hàng chục cuộc gặp và điện đàm với các quan chức chính phủ Mỹ. Và sau nhiều tháng báo chí im lặng tính từ tháng 9 năm 2022, CFIUS hồi tháng 3 năm 2023 được cho là đã nói với TikTok rằng “‘các quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ đã yêu cầu thoái vốn mà không giải thích lý do tại sao thỏa thuận không đạt”.

TikTok nói thêm rằng sau đó họ đã yêu cầu gặp các quan chức cấp cao của Mỹ nhưng “không nhận được phản hồi có ý nghĩa nào”.

Trong nhiều năm, các quan chức Mỹ đã cảnh báo về khả năng chính phủ Trung Quốc có thể truy cập vào dữ liệu người dùng của TikTok thông qua ảnh hưởng của nó đối với ByteDance. Chính quyền của ông Trump từng cố gắng cấm TikTok bằng hành động hành pháp, nhưng điều đó nhanh chóng bị cản trở bởi những thách thức pháp lý. Khi Tổng thống Biden ký đạo luật vào tháng 4, ông Trump đã thay đổi lập trường, nói rằng lệnh cấm sẽ chỉ giúp ích cho đối thủ của TikTok - Meta.

 

Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc


Các giải pháp đảm bảo cung cấp điện 6 tháng cuối năm 2024

(VnMedia) - Để đảm bảo cung ứng điện cho hệ thống điện Quốc gia, đặc biệt tại khu vực miền Bắc trong các tháng còn lại của năm 2024, Cục Điều tiết Điện lực đã đưa ra 4 nhóm giải pháp.

Ứng dụng phổ biến trên iOS/Android bị hack, hàng triệu số điện thoại di động bị đánh cắp

(VnMedia) - Được thiết kế để giúp người dùng đưa ra yêu cầu xác thực hai yếu tố (2FA) dễ dàng hơn khi đăng nhập vào một ứng dụng, tuy nhiên ứng dụng Authy của Twilio dành cho cả hệ điều hành iOS và Android lại bị tin tặc xâm nhập bất hợp pháp...

Nhiều người vẫn "sập bẫy" làm cộng tác viên thanh toán đơn hàng online

(VnMedia) - Dù đã có nhiều cảnh báo, nhưng nhiều người vẫn bị lừa bởi chiêu trò làm cộng tác viên online kiếm tiền trên mạng. Đa phần đó là những phụ nữ đang nuôi con nhỏ, hiện ở nhà không có việc làm, sinh viên có nhu cầu kiếm thêm thu nhập...

Giá vàng thế giới liên tục trồi sụt, vàng nhẫn tăng lên mức cao 

(VnMedia) - Chốt phiên giao dịch rạng sáng nay (5/7), giá vàng giao ngay tại thị trường New York lại đảo chiều đi xuống. Trong nước, chiều qua, giá vàng nhẫn tròn trơn của Bảo Tín Minh Châu tiếp tục tăng vượt xa mức 76 triệu đồng/lượng.

Công nghệ vận hành đứng trước nguy cơ gia tăng đe dọa tấn công mạng

(VnMedia) - Gần một phần ba (31%) các tổ chức công nghệ vận hành (OT) ghi nhận hơn 6 vụ xâm nhập trong năm ngoái, tăng 11% so với năm trước…