- Sự phát triển của công nghệ Internet đã mở ra nhiều phương thức mới giúp người dân, doanh nghiệp có cơ hội tương tác và tiếp xúc nhiều hơn trên không gian mạng. Tuy nhiên, điều này cũng vô hình trung kéo theo những phương thức lừa đảo hoàn toàn mới, ngày càng tinh vi, khó lường và nguy hiểm hơn…
Trong kỷ nguyên số, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải từng ngày, từng giờ đối mặt với các mối đe dọa, những nguy cơ mất an toàn, an ninh thông tin không ngừng gia tăng trên không gian mạng. Theo thống kê, tính từ đầu năm 2023 đến nay, đã có hơn 13.750 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam gây ra sự cố. Trong đó, tính riêng 3 tháng đầu năm 2024, số sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam là 2.323.
Thời gian gần đây, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên tục xảy ra tại nhiều địa phương, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân. Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, liên tục thay đổi, sử dụng số điện thoại rác, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội ảo, nhằm đối phó với công tác phòng ngừa, xử lý của cơ quan chức năng.
Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến phương thức, thủ đoạn, hậu quả do hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây ra và các quy định của pháp luật có liên quan để nâng cao ý thức cảnh giác của người dân, doanh nghiệp, tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong công tác phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng, ngày 13/5 tới, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia sẽ tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng”.
Sự kiện do Hiệp hội An ninh mạng quốc gia chủ trì, dưới sự bảo trợ của Bộ Công an, dự kiến sẽ vinh dự được đón lãnh đạo các Bộ Công an, Bộ TT&TT, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tham dự và có ý kiến chỉ đạo. Hội thảo sẽ mang đến những nội dung mang tính thời sự, nổi bật, cập nhật các công nghệ an ninh mạng mới, các xu hướng và kinh nghiệm của quốc tế, thực tiễn tốt của các nước về việc phòng chống lừa đảo trên không gian mạng, đặc biệt là hình thức lừa đảo tài chính công nghệ cao.
Thượng tá Nguyễn Bá Sơn, Tổng thư ký Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cho biết: “Hội thảo là diễn đàn để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trao đổi, chia sẻ, đề xuất, khuyến nghị nhằm giúp bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, giải pháp trong phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng”.
Dự kiến diễn ra trọn vẹn trong ngày 13/5, chương trình Hội thảo bao gồm 02 phiên, trong phiên toàn thể buổi sáng với chủ đề “Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng”, hội thảo sẽ nghe các bài phát biểu, tham luận đến từ các lãnh đạo và chuyên gia của Bộ Công an, Bộ TT&TT, Ngân hàng nhà nước, Hiệp hội An ninh mạng và Toạ đàm Giải pháp tổng thể phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng. Phiên chuyên đề buổi chiều với chủ đề “Các giải pháp phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng” gồm các phát biểu, tham luận của lãnh đạo, chuyên gia đến từ Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao A05, Bộ Công an, Phòng PA05 Công an thành phố Hà Nội, các ngân hàng, doanh nghiệp, tổ chức là thành viên của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia và Toạ đàm Giải pháp kỹ thuật phòng, chống lừa đảo. Hội thảo dự kiến sẽ đón hơn 500 khách mời tham dự.
Trong mục tiêu xây dựng cộng đồng phòng chống lừa đảo trên không gian mạng, Hiệp hội An ninh mạng cũng sẽ giới thiệu về phần mềm phòng, chống lừa đảo dành cho người dân, cài trên điện thoại thông minh smartphone. Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Nghiên cứu, tư vấn, phát triển công nghệ và Hợp tác quốc tế, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cho biết: “Phần mềm phòng, chống lừa đảo là sản phẩm được phát triển dựa trên các nghiên cứu kỹ lưỡng về nguy cơ với người sử dụng tại Việt Nam, hỗ trợ các hệ điều hành phổ biến nhất hiện nay là Android và iOS. Dự kiến phần mềm sẽ ra mắt vào tháng 7/2024 và kết nối với cơ sở dữ liệu về phòng, chống lừa đảo của các bộ, ngành, cũng như các công ty an ninh mạng thành viên của Hiệp hội để phát huy sức mạnh tổng hợp”.
Hãy đồng hành cùng chống lại lừa đảo trực tuyến bằng cách tăng cường kiến thức và cảnh giác, bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng của bạn khỏi các mối đe dọa này.
Phạm Lê