- Intel hôm qua (8/5) cho biết doanh số bán hàng của họ sẽ bị ảnh hưởng sau khi Mỹ thu hồi một số giấy phép xuất khẩu của nhà sản xuất chip này đối với một khách hàng ở Trung Quốc. Hành động thu hồi giấy phép này của chính phủ Mỹ bị Bắc Kinh chỉ trích gay gắt là một động thái đi quá xa dưới danh nghĩa an ninh quốc gia.
Trong hồ sơ gửi đến Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ, Intel không cho biết cụ thể họ bị hủy giấy phép xuất khẩu cho khách hàng Trung Quốc nào. Tuy nhiên, các hãng tin hôm 7/9 đưa tin, chính phủ của Tổng thống Joe Biden đã thu hồi giấy phép cho phép các công ty, bao gồm Intel và Qualcomm, vận chuyển chip được sử dụng cho máy tính xách tay và thiết bị cầm tay cho nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn của Trung Quốc - Huawei Technologies. Đây cũng là công ty nằm trong danh sách bị trừng phạt của Mỹ.
Việc gã khổng lồ công nghệ xứ Trung - Huawei ra mắt máy tính xách tay được hỗ trợ AI đầu tiên vào tháng 4 vừa rồi đã vấp phải làn sóng chỉ trích từ các nhà lập pháp thuộc Đảng Cộng hòa, những người cho rằng Bộ Thương mại Mỹ đã bật đèn xanh cho Intel bán chip Core Ultra 9 cho Huawei. MateBook X Pro mới được trình làng của Huawei được trang bị bộ xử lý Core Ultra 9 mới của Intel.
Cổ phiếu của Intel đã giảm 2,9% ở mức 29,80 USD vào chiều ngày hôm qua (8/5) sau khi công ty này cho biết họ dự kiến doanh thu trong quý 2 sẽ duy trì trong khoảng từ 12,5 tỷ USD đến 13,5 tỷ USD, nhưng thấp hơn mức trung bình. Cổ phiếu Intel đã mất gần 38% trong năm nay.
Qualcomm hôm qua cũng lên tiếng cho biết rằng một trong những giấy phép xuất khẩu của họ cho công ty Huawei của Trung Quốc đã bị thu hồi và cổ phiếu của nó đi ngang, không thay đổi.
“Huawei là một mối đe dọa”, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đã nói như vậy với giới báo chí sau phiên điều trần Quốc hội diễn ra ngày hôm qua (8/5). Bà này đồng thời nói thêm rằng động thái mới nhất của chính phủ Mỹ không phải là một sự thay đổi trong chính sách.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo nói: “Có lẽ chúng ta ngày càng tập trung hơn vào AI. Và vì vậy, khi chúng ta tìm hiểu thêm về khả năng của AI, đó là lúc chúng ta phải hành động. Nếu một con chip mà trước đây chúng tôi đã cấp phép, nhưng bây giờ chúng tôi phát hiện ra chúng có khả năng AI, chúng tôi sẽ thu hồi giấy phép.”
Bộ Ngoại giao Trung Quốc, vốn đã thường xuyên chỉ trích mọi nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn các hoạt động xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc, cho biết trong một tuyên bố rằng họ phản đối động thái đó và rằng Mỹ đang "đi xa quá mức trong khái niệm an ninh quốc gia và lạm dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu để đàn áp các công ty Trung Quốc mà không có lý do chính đáng."
Mỹ đã đưa Huawei vào danh sách hạn chế thương mại vào năm 2019 trong bối cảnh lo ngại hãng này có thể theo dõi người Mỹ. Động thái này của Washington là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm cản trở khả năng tăng cường sức mạnh của quân đội Trung Quốc. Việc Huawei bị đưa vào danh sách đen có nghĩa là các nhà cung cấp của công ty này ở Mỹ phải tìm kiếm giấy phép đặc biệt, khó xin trước khi xuất khẩu hàng hóa đến cho Huawei.
Những hạn chế mới đối với Huawei là nỗ lực mới nhất của Tổng thống Joe Biden nhằm ngăn cản Trung Quốc tiếp cận công nghệ được ví là “viên ngọc quý” nhạy cảm và tinh vi nhất của Mỹ. Mỹ được cho là đang tìm mọi cách kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc.
Chính quyền của Tổng thống Biden đã sử dụng các lệnh cấm xuất khẩu, các biện pháp ngoại giao với các nền dân chủ có cùng chí hướng khác cùng với một loạt biện pháp khác để kìm hãm những tiến bộ công nghệ nhanh chóng của Trung Quốc trong các lĩnh vực từ điện toán lượng tử đến robot. Ông Biden thậm chí còn giải thích chiến lược này với Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, miêu tả đó là một điều bình thường mới trong kỷ nguyên cạnh tranh giữa hai các quốc gia có hệ thống chính trị khác nhau.