- Trong cuộc sống hiện đại số ngày nay, cuộc chiến chống lại các tin nhắn và cuộc gọi rác trở nên ngày càng gay gắt. Đối diện với sự quấy rối này, việc thúc đẩy sử dụng tên định danh đang nổi lên như một giải pháp tiềm năng...
Ngày 14/8/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 91/2020/NĐ-CP nhằm mục đích chống tin nhắn rác, thư điện tử rác và cuộc gọi rác. Theo đó, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp phải đăng ký brandname để sử dụng trong chiến dịch quảng cáo thay vì sử dụng số điện thoại thông thường như trước đây. Vậy brandname là gì và hình thức này mang lợi ích như thế nào?
Brandname là gì?
Theo Nghị định 91/2020/NĐ-CP được chính phủ ban hành quy định:
Brandname (tên định danh) người gửi dùng trong hoạt động quảng cáo bằng tin nhắn, gọi điện thoại (sau đây gọi tắt là tên định danh) bao gồm không quá 11 ký tự viết liền nhau sử dụng chữ cái Latin, chữ số (từ 0 đến 9) hoặc các ký tự (-), (_), (.), khoảng trắng; không phân biệt chữ hoa, chữ thường; không là một tập hợp chỉ gồm các chữ số và được sử dụng để hiển thị hoặc xác định thông tin về nguồn gửi.
Nếu công ty, doanh nghiệp nào không đăng ký tên định danh khi thực hiện gửi tin nhắn hay gọi điện quảng cáo thì cuộc gọi và tin nhắn đó sẽ bị xem là tin rác và không mang lại giá trị cho người nhận. Đồng thời, nếu vô tình gửi tin nhắn đến danh sách người không đăng ký nhận quảng cáo, các công ty, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với mức phạt từ 80 đến 100 triệu đồng.
Tại sao tổ chức, doanh nghiệp nên sử dụng Brandname?
Trong cuộc sống hiện đại số ngày nay, cuộc chiến chống lại các tin nhắn và cuộc gọi rác trở nên ngày càng gay gắt. Đối diện với sự quấy rối này, việc thúc đẩy sử dụng tên định danh đang nổi lên như một giải pháp tiềm năng.
Đầu tiên, tên định danh có thể giúp cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp “bắn mũi tên trí nhớ” vào tâm trí khách hàng một cách nhanh chóng và chính xác hơn.
Bằng cách sử dụng tên định danh để gắn nhãn những cuộc gọi và tin nhắn, các doanh nghiệp có thể giảm thiểu rủi ro cho khách. Thay vì xuất hiện dưới dạng số không nhận dạng, các cuộc gọi và tin nhắn được hiển thị với tên định danh sẽ dễ dàng hơn để nhận diện và tin tưởng. Điều này không chỉ giúp ngăn chặn các cuộc gọi và tin nhắn không mong muốn mà còn tạo ra một cơ hội để tăng cường hợp tác tích cực giữa doanh nghiệp và khách hàng.
Ngoài ra, tên định danh thực hiện chức năng như một công cụ pháp luật bảo vệ người sở hữu nó trước những hoạt động cạnh tranh không lành mạnh của các đối thủ khác, như bắt chước thương hiệu hay tấn công thương hiệu.
Qua công tác giám sát, thống kê Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (Trung tâm VNCERT/CC), Cục An toàn thông tin khuyến nghị các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng tên định danh để thực hiện cuộc gọi hay gửi tin nhắn tương tác với khách hàng. Việc các tổ chức, doanh nghiệp tuân thủ chặt chẽ quy định nhằm xây dựng lên một môi trường kinh doanh trực tuyến lành mạnh và đáng tin cậy.
Được biết, việc định danh tin nhắn đã được một số bộ, ngành, cơ quan đơn vị thực hiện trong thời gian vừa qua. Các thuê bao vẫn nhận được thông báo cho biết gửi từ "Bộ công an" cảnh báo về các kiểu lừa đảo qua mạng hay cẩn thận phòng chống cháy nổ; tin nhắn từ "Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam", Ban chỉ đạo phòng, chống dịch TP Hà Nội và một số ngân hàng, thương hiệu hay các nhà mạng gửi đến thuê bao cũng hiển thị tên đơn vị để người dân nhận biết.
Kể từ ngày 27/10/2023, tất cả các số điện thoại gọi đến người dân của các đơn vị thuộc Bộ TT&TT là Văn phòng Bộ, Cục Báo chí, Cục An toàn thông tin, Cục Viễn thông, Cục Tần số Vô tuyến điện sẽ có hiển thị tên định danh “BO TTTT”. Cũng từ thời điểm này, các số điện thoại của doanh nghiệp viễn thông khi gọi đến khách hàng sử dụng dịch vụ cũng đều hiển thị tên định danh. Chẳng hạn như VNPT, VinaPhone (nhà mạng Vinaphone), VIETTELCSKH (nhà mạng Viettel); FPT SHOP (nhà mạng FPT), LOCAL (nhà mạng ASIM)…
Mọi chi tiết và hướng dẫn thủ tục đăng ký, người dân có thể truy cập: Thủ tục cấp tên định danh - Cổng TTĐT phòng chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác (chongthurac.vn).
PV