- Đó là khẳng định của ông Lê Văn Tuấn - Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện - Bộ Thông tin và Truyền thông tại Họp báo cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ, của ngành TT&TT trong tháng 3/2024 và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong thời gian tới diễn ra chiều 8/4 tại Hà Nội.
Ông Lê Văn Tuấn cho biết, thực hiện kế hoạch đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, trong tháng 3/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức đấu giá băng tần cho 4G/5G. Kết quả là: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội trúng đấu giá khối băng tần B1 (2500-2600 MHz) với giá 7.533.257.500.000 đồng (Bảy nghìn năm trăm ba mươi ba tỷ, hai trăm năm mươi bảy triệu, năm trăm nghìn đồng); Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam trúng đấu giá khối băng tần C2 (3700-3800 MHz) với giá 2.581.892.500.000 đồng (Hai nghìn năm trăm tám mươi mốt tỷ, tám trăm chín mươi hai triệu, năm trăm nghìn đồng).
Riêng khối băng tần C3 (3800-3900 MHz), do chỉ có 01 doanh nghiệp nộp tiền đặt trước để tham gia đấu giá, theo quy định tại Khoản 1 Điều 52, Điều 59 Luật Đấu giá tài sản năm 2016, không có đủ số lượng tối thiểu doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu giá theo quy định, nên cuộc đấu giá khối băng tần C3 không thành.
Đây cũng là lần đầu tiên tổ chức đấu giá thành công sau 15 năm kể từ khi Luật Tần số vô tuyến điện được Quốc hội thông qua. Việc đấu giá thành công lần này không chỉ khẳng định Luật Tần số vô tuyến điện sửa đổi và Nghị định số 63/2023/NĐ-CP đã đi vào cuộc sống mà còn cho thấy sư tham gia nghiêm túc của các doanh nghiệp và tính khách quan, minh bạch của cuộc đấu giá.
Đến thời điểm này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phê duyệt kết quả trúng đấu giá khối băng tần B1 (2500-2600 MHz) tại Quyết định số 367/QĐ-BTTTT ngày 22/3/2024 và khối băng tần C2 (3700-3800 MHz) tại Quyết định số 396/QĐ-BTTTT ngày 27/3/2024.
Ông Lê Văn Tuấn - Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện chia sẻ thông tin tại buổi họp báo chiều 8/4 |
Cục Tần số vô tuyến điện, Cục Viễn thông đã có thông báo về việc nộp tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện; thông báo phí, lệ phí tần số vô tuyến điện; phí cấp phép hoạt động viễn thông, phí quyền hoạt động viễn thông gửi các doanh nghiệp trúng đấu giá.
Tính đến ngày 8/4/2024, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội đã hoàn thành nghĩa vụ nộp các khoản tài chính theo quy định. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam hiện đang làm các thủ tục thanh toán, dự kiến ngày 09/4/2024 sẽ hoàn tất các nghĩa vụ này. Ông Lê Văn Tuấn cho biết, sau khi các doanh nghiệp trúng đấu giá nộp tiền trúng đấu giá theo quy định, Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét cấp giấy phép sử dụng băng tần theo quy định.
Được biết, việc tổ chức đấu giá thành công quyền sử dụng tần số vô tuyến điện với các khối băng tần B1 (2500 - 2600 MHz) và khối băng tần C2 (3700 - 3800 MHz), thu về cho ngân sách nhà nước hơn 10 ngàn tỷ đồng. Việc đấu giá thành công là điều kiện cần thiết, là tiền đề để triển khai thương mại hóa 5G trên toàn quốc trong năm 2024, cụ thể hóa mục tiêu phổ cập hạ tầng số quốc gia, thúc đẩy phát triển các ứng dụng số và hệ sinh thái dịch vụ số, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và tăng năng suất lao động.
Thông tin tại cuộc họp báo chiều 8/4, trả lời câu hỏi của phóng viên: Bộ hỗ trợ nhà mạng giải bài toán về việc đầu tư hiệu quả cho 5G như thế nào?, ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông - Bộ TT&TT cho hay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 5G là điều kiện quan trọng để doanh nghiệp được cấp phép chính thức kinh doanh 5G và chính thức thương mại hóa 5G. Tuy nhiên, việc đầu tư 5G hiệu quả phụ thuộc vào chính định hướng kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu của thị trường.
Để đảm bảo sử dụng hiệu quả tài nguyên tần số và thúc đẩy doanh nghiệp sớm cung cấp dịch vụ 5G thương mại ra thị trường, theo quy định hiện hành các doanh nghiệp phải thực hiện cam kết triển khai mạng viễn thông khi trúng đấu giá quyền sử dụng tần số.
Khi xây dựng điều kiện triển khai mạng cho cuộc đấu giá tần số 5G, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham vấn các doanh nghiệp và đặt ra yêu cầu triển khai hạ tầng trong 02 năm đầu tiên sau khi được cấp phép với mục tiêu tạo điều kiện cho doanh nghiệp linh hoạt đầu tư hạ tầng mạng lưới theo định hướng kinh doanh của mình cũng như đảm báo ngưởi sử dụng tại các khu vực có nhu cầu được sớm tiếp cận dịch vụ của mạng 5G và đảm bảo doanh nghiệp phải triển khai mạng 5G sau khi được cấp tài nguyên tần số.
Luật Viễn thông 2023 và dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Viễn thông quy định đối với việc chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động, hạ tầng viễn thông tích cực như hệ thống tổng đài, truyền dẫn đã được đầu tư... để tiết kiệm chi phí đầu tư hạ tầng mạng lưới, đạt hiệu quả khi triển khai 5G.
Phạm Lê