- Bộ Thương mại Mỹ hôm qua (15/4) cho biết rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ trao khoản tài trợ lên tới 6,4 tỷ USD cho Samsung của Hàn Quốc để mở rộng sản xuất chip của họ ở miền trung Texas như một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất chip của Mỹ.
Cơ quan này cho biết nguồn tài trợ từ Đạo luật Khoa học và Chips năm 2022 sẽ hỗ trợ hai cơ sở sản xuất chip, một trung tâm nghiên cứu và một cơ sở đóng gói ở Taylor, Texas, như Reuters đã đưa tin trước đó.
Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết thêm, khoản tài trợ cũng sẽ cho phép Samsung mở rộng cơ sở bán dẫn ở Austin, Texas, đồng thời thúc đẩy sản lượng chip cho ngành hàng không vũ trụ, quốc phòng và ô tô cũng như tăng cường an ninh quốc gia, các quan chức chính quyền đã tiết lộ như vậy với các phóng viên.
Bộ trưởng Raimondo cho biết: “Những khoản đầu tư này sẽ cho phép Mỹ một lần nữa dẫn đầu thế giới, không chỉ về thiết kế chất bán dẫn, lĩnh vực mà chúng tôi hiện đang dẫn đầu, mà còn trong lĩnh vực sản xuất, đóng gói tiên tiến cũng như nghiên cứu và phát triển”.
Đồng Giám đốc điều hành của Samsung Electronics Kyung Kye Hyun cho biết: “Để đáp ứng nhu cầu tăng vọt dự kiến từ khách hàng Mỹ, đối với các sản phẩm trong tương lai như chip AI, nhà máy của chúng tôi sẽ được trang bị các công nghệ xử lý tiên tiến và giúp mang lại an ninh cho chuỗi cung ứng bán dẫn của nước Mỹ”.
Samsung cho biết họ dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất vào năm 2026. Các nhà phân tích ước tính Samsung có thể sẽ bắt đầu sản xuất chip 4 nanomet tại dây chuyền sản xuất thử nghiệm của mình và cuối cùng sẽ mở rộng sang chip 2 nanomet.
Thông báo trên đưa Samsung trở thành công ty nhận tài trợ từ Đạo luật Chips lớn thứ ba, nguồn tin từ Reuters cho hay. Đây là động thái mới nhất của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm xây dựng ngành công nghiệp sản xuất chip ở Mỹ.
Theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA), mục tiêu của bước đi nói trên là nhằm làm giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc và Đài Loan, vì thị phần năng lực sản xuất chất bán dẫn toàn cầu của Mỹ đã giảm từ 37% năm 1990 xuống còn 12% vào năm 2020.
Các nhà lập pháp đã cảnh báo rằng việc Mỹ phụ thuộc vào chip do nhà sản xuất chip hợp đồng hàng đầu thế giới TSMC sản xuất tại Đài Loan là rủi ro vì Trung Quốc tuyên bố hòn đảo tự trị này là lãnh thổ của mình và có quyền chiếm lại nó.
Ông John Cornyn - Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ từ Texas, người đồng bảo trợ đạo luật ban đầu, cho biết: “Bằng cách đầu tư vào sản xuất chất bán dẫn tiên tiến nhất, chúng tôi đang giúp đảm bảo chuỗi cung ứng dễ bị tổn thương này, tăng cường an ninh quốc gia và khả năng cạnh tranh toàn cầu, đồng thời tạo việc làm mới cho người dân Texas”.
Các quan chức chính quyền cấp cao cho biết, Samsung dự kiến sẽ đầu tư khoảng 45 tỷ USD vào việc xây dựng và mở rộng các cơ sở ở Texas cho đến cuối thập kỷ này.
“Chúng tôi hoan nghênh Samsung đã đầu tư mạnh mẽ vào hoạt động sản xuất có trụ sở tại Mỹ và hoan nghênh Bộ Thương mại Mỹ vì đã đạt được bước tiến đáng kể trong việc thực hiện các chương trình khuyến khích sản xuất và chương trình R&D của Đạo luật CHIPS,” Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn cho biết trong một tuyên bố.
Intel đã giành được 8,5 tỷ USD tài trợ vào tháng trước trong khi TSMC của Vùng lãnh thổ Đài Loan đã giành được 6,6 tỷ USD vào tháng 4 để xây dựng cơ sở sản xuất tại Mỹ.