- Những năm qua, tỉnh Lào Cai đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển hạ tầng viễn thông, internet, xóa các khu vực lõm sóng, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu sử dụng dịch vụ của chính quyền và người dân. Nổi bật, năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã giảm được 38 thôn chưa có sóng di động 3G, 4G.
Trong những năm qua, VNPT là nhà mạng lớn đang đầu tư cơ sở hạ tầng, mở rộng phủ sóng giúp đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng sóng điện thoại di động và mạng internet, góp phần xây dựng chính quyền điện tử và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai.
Ông Trần Minh Đức, Giám đốc VNPT tỉnh Lào Cai cho biết, hạ tầng là mối quan tâm hàng đầu của VNPT, đặc biệt trong thời gian qua, VNPT đã nỗ lực đưa hạ tầng viễn thông, internet đến vùng sâu, vùng xa.
Đến nay, hạ tầng 3G phủ sóng của VNPT đã chiếm 98,5% diện tích toàn tỉnh; hạ tầng 4G phủ sóng đạt trên 97% diện tích; hạ tầng 2G chiếm 88%. Nhà mạng đang tắt dần sóng 2G theo kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông để phát triển hạ tầng cao hơn sang 4G và 5G. VNPT đã kéo cáp quang mạng tới 100% trung tâm các xã và hơn 1.100 thôn của tỉnh.
Ông Trần Minh Đức cho biết thêm, thời gian tới, VNPT sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng hạ tầng chất lượng cao tới các địa phương, trước mắt là tại các đô thị để nâng cao trải nghiệm của người dùng.
Tuy nhiên còn một số vướng mắc như, việc triển khai công nghệ mới 5G cần bổ sung thêm nhiều hạ tầng, trong khi quy định quản lý nhà nước về quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động yêu cầu các nhà mạng chia sẻ hạ tầng nhưng do nhiều hạ tầng đã xây dựng từ lâu, khiến việc chia sẻ khó khăn về các mặt diện tích, chiều cao... Bên cạnh đó, việc xin cấp phép mới gặp khó về quy định khoảng cách trong đô thị.
Doanh nghiệp rất mong các cấp, ngành chức năng quan tâm giúp tháo gỡ khó khăn trên để nhà mạng nhanh chóng xây dựng hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Thời gian qua, trên cơ sở kết quả thực hiện kế hoạch rà soát, đánh giá hiện trạng và khả năng đáp ứng dịch vụ viễn thông, internet, tỉnh Lào Cai đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển hạ tầng, xóa các khu vực lõm sóng, chưa có hạ tầng nhằm đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu sử dụng dịch vụ của chính quyền và người dân.
Tính đến hết tháng 2/2024, toàn tỉnh đã có 2.788 trạm BTS (trong đó có 5 trạm BTS 5G), các trạm được lắp đặt tại 1.279 vị trí; có 956 tuyến truyền dẫn (trong đó có 77 tuyến cáp ngầm, 879 tuyến cáp treo) đảm bảo 1.548/1.562 (đạt gần 99%) trung tâm các thôn, tổ dân phố được phủ sóng di động 3G, 4G (còn 14 thôn chưa có 3G, 4G, giảm 38 thôn so với năm 2022); có 1.337/1.562 (đạt 85,6%) thôn, tổ dân phố có hạ tầng cáp quang phục vụ truy cập internet (còn 225 thôn chưa có hạ tầng cáp quang, giảm 98 thôn so với năm 2022); đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ cho 817.281 thuê bao điện thoại và 634.129 thuê internet băng rộng; có 109.135 gia đình (đạt 57%) tổng số hộ có kết nối internet cáp quang; 100% trụ sở chính các cơ sở giáo dục mầm mon, cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở y tế có kết nối internet cáp quang.
Đánh giá về phát triển hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng, cùng với việc tạo điều kiện của tỉnh, sự chủ động của các doanh nghiệp đã đưa mạng lưới viễn thông, internet ngày càng được nâng cấp, mở rộng vươn đến vùng sâu, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Qua đó, từng bước góp phần đảm bảo tỷ lệ phủ sóng di động, internet và nâng tỷ lệ người dùng, đáp ứng nhu cầu về sử dụng các dịch vụ ở mức khá của cả nước; từng bước rút ngắn khoảng cách tiếp cận dịch vụ thông tin, viễn thông giữa thành thị và nông thôn. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành và tạo điều kiện để các doanh nghiệp viễn thông tiếp tục phát triển hạ tầng, nhằm phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của người dân và sự phát triển của tỉnh.
P.V