- TikTok hiện đang phải đối mặt với nguy cơ bị cấm ở Mỹ - một số phận mà hàng loạt gã khổng lồ truyền thông xã hội Mỹ từng phải hứng chịu khi cố gắng thâm nhập vào Trung Quốc.
Hạ viện Mỹ hôm 13/3 đã thông qua dự luật có thể cấm TikTok ở nước này nếu chủ sở hữu Trung Quốc ByteDance không thoái vốn khỏi ứng dụng này cho một tổ chức đáp ứng được các yêu cầu của chính phủ Mỹ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin cho biết trong cuộc họp báo diễn ra ngày hôm qua (14/3) rằng: “Dự luật được Hạ viện Mỹ thông qua đã đặt Mỹ ở phía đối đầu với nguyên tắc cạnh tranh công bằng và các quy tắc kinh tế và thương mại quốc tế”.
Tuy nhiên, các ứng dụng của Mỹ từ lâu đã bị cấm ở Trung Quốc. Bắc Kinh hiện chặn hầu hết các nền tảng truyền thông xã hội của Mỹ, bao gồm Google, YouTube, X, Instagram và Facebook, vì những nền tảng này từ chối tuân theo các quy định của chính phủ Trung Quốc về thu thập dữ liệu và loại nội dung được chia sẻ.
Năm 2010, Google rút khỏi Trung Quốc đại lục sau 4 năm hoạt động tại đây. Vào thời điểm đó, Google cho biết công ty này không còn sẵn sàng tiếp tục kiểm duyệt các kết quả trên Google.cn, với lý do các vụ hack có nguồn gốc từ Trung Quốc nhằm vào họ và các công ty khác của Mỹ.
Hơn 10 năm sau cuộc rút lui nổi tiếng đó, tình thế đó đã xảy ra ở phía bên kia ngay cả khi hoàn cảnh không hoàn toàn giống nhau.
Ông Brock Silvers, giám đốc điều hành tại Kaiyuan Capital, lên tiếng chỉ trích rằng: “Dự luật TikTok dường như sẽ trở thành luật và sự không hài lòng của Trung Quốc có vẻ nghịch lý dựa trên lập trường của họ đối với các ứng dụng xã hội của Mỹ”.
Khi được hỏi về lập trường của Trung Quốc đối với các ứng dụng của Mỹ, ông Wang cho biết “điều này hoàn toàn khác” và “bạn có thể thấy rõ thế nào là bắt nạt và đâu là logic xã hội đen”.
Trọng tâm hiện đang đổ dồn vào Thượng viện Mỹ - nơi nhiều nhà lập pháp cho biết họ vẫn đang đánh giá dự luật. Tổng thống Joe Biden cho biết ông sẽ ký dự luật nếu nó đến bàn làm việc của ông.
Các quan chức và nhà lập pháp Mỹ từ lâu đã bày tỏ lo ngại về những rủi ro an ninh quốc gia tiềm ẩn của TikTok, bao gồm cả việc ứng dụng này có thể chia sẻ dữ liệu với chính phủ Trung Quốc hoặc thao túng nội dung hiển thị trên nền tảng này. Nhưng TikTok đã bác bỏ những cáo buộc đó.
Sau cuộc bỏ phiếu của Hạ viện Mỹ, Bộ Thương mại Trung Quốc hôm qua (14/3) cam kết rằng nước này sẽ thực hiện “tất cả các biện pháp cần thiết” để bảo vệ lợi ích của mình liên quan đến TikTok.
Chính phủ Trung Quốc cho biết họ phản đối mạnh mẽ việc ép buộc bán TikTok và họ có đủ khả năng pháp lý để làm điều đó. Họ coi công nghệ của TikTok là có giá trị cao và đã thực hiện các bước kể từ năm 2020 để đảm bảo có thể phủ quyết bất kỳ giao dịch mua bán nào của ByteDance.
Vào tháng 8 năm 2020, sau nỗ lực của chính quyền Trump nhằm buộc Trung Quốc phải bán TikTok, Bắc Kinh đã sửa đổi các quy tắc kiểm soát xuất khẩu của mình để bao trùm nhiều loại công nghệ mà họ cho là nhạy cảm, bao gồm cả công nghệ có vẻ tương tự như các dịch vụ đề xuất thông tin được cá nhân hóa của TikTok.
Nhiều năm sau, vào tháng 3 năm 2023, một phát ngôn viên của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết trong phản hồi trực tiếp đầu tiên của chính phủ nước này về vấn đề trên rằng Bắc Kinh sẽ phản đối bất kỳ hành động ép buộc bán TikTok nào, vì việc bán hoặc thoái vốn khỏi ứng dụng đó sẽ liên quan đến việc xuất khẩu công nghệ và phải được sự chấp thuận của chính phủ. Chính phủ Trung Quốc không đưa ra bất kỳ thay đổi nào đối với quan điểm này kể từ đó.
Các thuật toán của TikTok, giúp người dùng dán mắt vào ứng dụng, được cho là chìa khóa thành công của ứng dụng. Các thuật toán đưa ra đề xuất dựa trên hành vi của người dùng, từ đó đưa ra những video họ thực sự thích và muốn xem.
Ông Winston Ma, trợ giảng tại Trường Luật Đại học New York, cho biết: “Viên ngọc quý của TikTok - các thuật toán AI của nó, sẽ đưa công ty vào một cuộc chiến pháp lý”. Ông này nói thêm rằng ByteDance phải tuân theo luật pháp Trung Quốc yêu cầu công ty này phải có sự chấp thuận của Bắc Kinh trước khi bán các công nghệ tiên tiến của nó.
Ông Silvers cho biết có thể TikTok đang tìm kiếm một “trung gian” để cố gắng đáp ứng các yêu cầu của Mỹ về quyền sở hữu, nhưng không rõ liệu những lo ngại của người Mỹ có thể được xoa dịu bằng sự thay đổi về mặt hình thức như vậy hay không.
Ông cho biết sự việc này có thể làm xấu đi mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington, vốn đang sa lầy vào cuộc chiến leo thang về quyền tiếp cận công nghệ tiên tiến như chip máy tính và AI.
Vị chuyên gia trên cho rằng: “Các thị trường nên chuẩn bị sẵn sàng trước việc Trung Quốc sẽ có các hành động trả đũa đối với các công ty Mỹ khi các vấn đề công nghệ và thương mại tiếp tục đi theo quỹ đạo tiêu cực”.
Theo ông Alex Capri, nhà nghiên cứu tại Hinrich Foundation và là giảng viên tại Trường Kinh doanh Đại học Quốc gia Singapore, nếu TikTok cuối cùng bị cấm, nhiều ứng dụng do Trung Quốc sở hữu ở Mỹ có thể nằm trong danh sách tiếp theo.