Trung Quốc phóng vệ tinh 6G đầu tiên trên thế giới lên quỹ đạo

0
0

Ở châu Á, Trung Quốc dẫn đầu phát triển 6G và đặt mục tiêu bắt đầu thương mại hóa công nghệ này vào năm 2030. Nước này dự kiến sẽ thiết lập các tiêu chuẩn 6G vào năm 2025.

Trung Quốc đang tập trung vào việc phát triển thế hệ công nghệ không dây tiếp theo, 6G. Công nghệ di động kế nhiệm của 5G đã được phát triển một thời gian và được một số công ty không chỉ ở Trung Quốc thực hiện.

Được kỳ vọng sẽ nhanh hơn nhiều so với 5G, 6G sẽ có thể hỗ trợ các ứng dụng vượt ra ngoài các tình huống sử dụng di động hiện tại. Điều này bao gồm thông tin liên lạc tức thời ở mọi nơi, khả năng thông minh và IoT thâm nhập rộng khắp. Mạng 6G có thể sẽ hoạt động ở tần số vô tuyến cao hơn, cung cấp nhiều băng thông hơn và độ trễ ở tốc độ micro giây.

Mặc dù không có mốc thời gian cụ thể cho việc triển khai 6G nhưng các chuyên gia công nghệ và mạng dự đoán công nghệ này sẽ được phát triển và ra mắt vào cuối thập kỷ này.

 

Trung Quốc đặt mục tiêu thương mại hóa 6G vào năm 2030

Ở châu Á, Trung Quốc dẫn đầu phát triển 6G và đặt mục tiêu bắt đầu thương mại hóa công nghệ này vào năm 2030. Nước này dự kiến sẽ thiết lập các tiêu chuẩn 6G vào năm 2025.

Những nỗ lực 6G của Trung Quốc được thúc đẩy bởi tham vọng nâng cấp cơ sở sản xuất, thúc đẩy nền kinh tế công nghệ tiên tiến hơn và nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu. Ba nhà mạng lớn của Trung Quốc là China Mobile, China Telecom và China Unicom, đều tham gia vào nghiên cứu và phát triển 6G, cũng như tiếp tục triển khai mạng và ứng dụng 5G trên toàn quốc.

China Mobile đã phóng vệ tinh 6G đầu tiên trên thế giới lên quỹ đạo. Vệ tinh quỹ đạo trái đất tầm thấp (LEO) này là vệ tinh đầu tiên trên thế giới sử dụng kiến trúc thiết kế 6G. Vệ tinh này dự kiến sẽ tăng cường thử nghiệm công nghệ liên lạc từ không gian tới mặt đất tích hợp.

Vệ tinh thử nghiệm 6G của Trung Quốc có kiến trúc tự động phân tán cho các dịch vụ 6G, được China Mobile và Học viện Đổi mới Vệ tinh vi mô thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cùng phát triển. Hệ thống sử dụng phần mềm và phần cứng trong nước, hỗ trợ tái thiết phần mềm trên quỹ đạo, triển khai linh hoạt các chức năng mạng lõi và quản lý tự động, nâng cao hiệu quả và độ tin cậy trong hoạt động trên quỹ đạo của mạng lõi vệ tinh.

Được đặt ở độ cao quỹ đạo khoảng 500 km, vệ tinh thử nghiệm mang lại những ưu điểm như độ trễ thấp và tốc độ truyền dữ liệu cao so với các vệ tinh có quỹ đạo cao nằm cách bề mặt trái đất 36.000 km.

China Mobile đã tuyên bố rằng vệ tinh 6G là nền tảng quan trọng cho mạng không gian và mặt đất tích hợp trong tương lai. Vệ tinh LEO có thể giải quyết các khoảng trống phủ sóng tín hiệu viễn thông trong mạng di động mặt đất, cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh băng thông cao trên toàn cầu.

Được biết, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc sẽ cấp phổ tần 6GHz cho hệ thống 5G và 6G từ ngày 1/7/2024, theo quy định sửa đổi đã được công bố. Điều này sẽ giúp nâng cao hiệu quả và chất lượng truyền thông không dây cũng như hỗ trợ phát triển các ứng dụng và dịch vụ mới.

Nhiều quốc gia, tổ chức đang nghiên cứu triển khai 6G

Trung Quốc là một trong những quốc gia đi đầu trong nghiên cứu 6G, nhưng không phải là quốc gia duy nhất. Các quốc gia khác, như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Phần Lan và Liên minh Châu Âu, cũng đang tích cực theo đuổi sự phát triển và đổi mới 6G. Theo báo cáo gần đây của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), trên toàn thế giới có hơn 30 dự án nghiên cứu 6G, với sự tham gia của hơn 1000 tổ chức và cơ quan.

China Mobile đã phóng vệ tinh 6G đầu tiên trên thế giới lên quỹ đạo.
China Mobile đã phóng vệ tinh 6G đầu tiên trên thế giới lên quỹ đạo.

6G được kỳ vọng sẽ mang lại những ứng dụng mang tính đổi mới, tương lai, giúp thay đổi cách mọi người sống và làm việc theo những cách đáng chú ý. Mạng lưới cũng có thể sẽ mở ra những cơ hội và thách thức mới trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe (CSSK), mạng lưới năng lượng thông minh, giao thông và cái gọi là công nghiệp 4.0.

Thông tin về nghiên cứu 6G mới đây nhất là việc Samsung Research America (SRA) hợp tác với Đại học (ĐH) Princeton (Mỹ) để dẫn đầu nghiên cứu và phát triển mạng 6G. Mục tiêu là thu hẹp khoảng cách giữa nghiên cứu học thuật và ứng dụng thực tế.

Sáng kiến NextG do ĐH Princeton khởi xướng tập trung vào các chủ đề như mạng đám mây, cảm biến thông minh và khả năng phục hồi mạng. SRA là thành viên sáng lập chương trình liên kết doanh nghiệp của sáng kiến này. Các thành viên sáng lập khác bao gồm Ericsson, Intel, MediaTek, Nokia Bell Labs, Qualcomm Technologies và Vodafone.

Mục tiêu của chương trình là thúc đẩy hợp tác giữa giới học thuật, các nhà lãnh đạo ngành và các nhà hoạch định chính sách. TS. Charlie Zhang, Phó Chủ tịch cấp cao của SRA cho biết: “Ngành công nghiệp không dây đã được hưởng lợi đáng kể từ nghiên cứu cơ bản trong vài thập kỷ qua. Chúng tôi khuyến khích các nhà nghiên cứu của Princeton tiếp tục đổi mới và phát triển các công nghệ đột phá có thể mang lại những bước đột phá lớn trong 6G”.

Samsung Research đóng vai trò quan trọng trong tiêu chuẩn hóa toàn cầu về 6G. Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Tiên tiến (ACRC) thuộc Samsung Research đã xuất bản sách Trắng về 6G và phổ tần 6G. Với sự hợp tác này, Samsung và ĐH Princeton hứa hẹn sẽ dẫn đầu phát triển mạng 6G, mang đến những thay đổi to lớn cho tương lai kết nối.

Một số trường hợp ứng dụng tiềm năng của 6G

Bản sao số: 6G sẽ cho phép tạo bản sao ảo của các đối tượng, hệ thống hoặc quy trình vật lý bằng cách sử dụng dữ liệu cảm biến, AI và điện toán biên.

Robot và điều hướng robot: Sự cộng tác giữa robot và con người trong các lĩnh vực như sản xuất, hậu cần và giáo dục.

Theo dõi sức khỏe điện tử cho tất cả mọi người: Khả năng tiếp cận toàn cầu với sức khỏe điện tử, bao gồm cả những nhóm dân cư ở vùng sâu vùng xa và có hoàn cảnh khó khăn sử dụng mạng phi mặt đất và chức năng AI/ML.

CSSK chính xác: Mạng hỗ trợ các tình huống chăm sóc sức khỏe nâng cao như thiết bị trong cơ thể, robot phản ứng đầu tiên và phẫu thuật từ xa.

Nông nghiệp thông minh: 6G sẽ cho phép thực hành canh tác bền vững và dựa trên dữ liệu, sử dụng các cảm biến phổ biến, máy bay không người lái và bản sao số.

Giám sát trái đất: Thúc đẩy tính bền vững và bảo tồn môi trường, mạng lưới sẽ cho phép phân phối cảm biến trên toàn cầu để giám sát các chỉ số môi trường và hỗ trợ hành động về khí hậu.

Thực tế mở rộng đa giác quan: Trải nghiệm nhập vai và tương tác kích thích nhiều giác quan bao gồm xúc giác, khứu giác và vị giác.

Trải nghiệm người dùng được cá nhân hóa: Đối với doanh nghiệp, việc cung cấp các dịch vụ và nội dung được tùy chỉnh và phù hợp với ngữ cảnh cho người dùng, dựa trên sở thích, nhu cầu và cảm xúc của họ.

theo ictvietnam.vn

https://ictvietnam.vn/trung-quoc-phong-ve-tinh-6g-dau-tien-tren-the-gioi-len-quy-dao-62751.html


Ý kiến bạn đọc


Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chiều 26/7, ông Nguyễn Trọng Trường, đại diện gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư tại Lễ Truy điệu.

Bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào gửi Phu nhân Tổng Bí thư

(VnMedia) - VnMedia xin đăng tải toàn văn bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào Naly Sisoulith gửi Phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ngô Thị Mận.

Nhớ về một người Cộng sản chân chính

(VnMedia)- Mỗi khi nghĩ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là trong tôi hiện lên hình ảnh một người Cộng sản chân chính. Và, lúc này, tôi lại nhớ đến câu chuyện mẹ tôi vẫn kể trong những năm tháng bà còn sống về cha tôi - một người Cộng sản...

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu, cầu thủ nhí trên không gian mạng

(VnMedia) - Bộ Công an vừa phát đi cảnh báo về chiêu trò lừa đảo tuyển mẫu nhí, cầu thủ nhí, người đại diện thương hiệu nhằm chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng.

Giá vàng đảo chiều tăng mạnh

(VnMedia) - Chốt phiên giao dịch rạng sáng nay (24/7), giá vàng giao ngay tại thị trường New York đã đảo chiều tăng mạnh hơn 13 USD/ounce. Trong nước, chiều qua, giá vàng miếng SJC vẫn duy trì ở mốc gần 80 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.