Các nhà phân tích cho biết triển vọng của Apple, công ty dẫn đầu thị trường smartphone Trung Quốc trong quý 4/2023, vẫn còn mù mịt do chậm tích hợp nhiều tính năng trí tuệ nhân tạo (AI) vào iPhone và sự phổ biến của điện thoại màn hình gập ở nước này.
Theo hãng truyền thông công nghệ The Information, trong bối cảnh các đối thủ Trung Quốc chuẩn bị tung ra nhiều smartphone cao cấp hơn, Apple đang phát triển các nguyên mẫu iPhone có thể gập lại giống vỏ sò.
Apple (có trụ sở tại thành phố Cupertino, bang California, Mỹ) không trả lời ngay lập tức khi được đề nghị bình luận về vấn đề này.
Theo bài báo nghiên cứu trên nền tảng lưu trữ mã nguồn Github, Apple đã phát hành mô hình AI nguồn mở có tên MLLM-Guided Image Editing (MGIE) vào đầu tháng 2, giúp chỉnh sửa ảnh dựa trên văn bản mà người dùng nhập vào.
Apple dự kiến sẽ tung ra nhiều công nghệ AI tạo sinh vào cuối năm nay cùng hệ điều hành iOS 18. Thế nhưng, tốc độ phát triển tương đối chậm của Apple trong lĩnh vực này làm dấy lên lo ngại khi các đối thủ chạy đua tung ra các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) tự phát triển và smartphone cao cấp có thể gập.
“Apple sẽ luôn đảm bảo trải nghiệm thuận lợi cho người dùng ngay cả khi không phải là công ty đầu tiên đưa công nghệ mới vào sản phẩm của mình. Tuy nhiên, tác động của việc đến muộn với AI sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của Apple với tư cách là công ty dẫn đầu về công nghệ, đặc biệt là khi thị trường Trung Quốc đang cần nhiều yếu tố đáng kinh ngạc hơn”, theo Will Wong, Giám đốc nghiên cứu cấp cao về thiết bị khách hàng tại công ty IDC khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Will Wong không cho rằng tốc độ tăng trưởng doanh số iPhone sẽ trở lại mức tích cực ở Trung Quốc vào năm 2024.
Theo dữ liệu của IDC, rủi ro rất cao với Apple, công ty đứng đầu thị trường smartphone Trung Quốc trong quý 4/2023. Sau thời gian dài trì trệ, thị trường smartphone Trung Quốc được nhiều người dự đoán sẽ tăng trưởng trở lại vào năm 2024.
Apple báo cáo doanh thu từ Trung Quốc giảm gần 13% trong quý 4/2023 dù dẫn đầu thị trường smartphone, nhưng doanh số bán hàng tăng ở các khu vực khác.
Theo bài đăng trên blog gần đây của nhà phân tích nổi tiếng Kuo Ming-chi, doanh số smartphone hàng tuần của Apple tại Trung Quốc đã giảm từ 30 đến 40% những tuần gần đây. Kuo Ming-chi dự kiến xu hướng giảm này sẽ tiếp tục trong năm 2024.
Kuo Ming-chi là nhà phân tích thuộc hãng TF International Securities, nổi tiếng với những đánh giá chính xác về hoạt động kinh doanh của Apple.
Kuo Ming-chi viết trong bài đăng: “Lý do chính dẫn đến tình trạng sụt giảm này là sự trở lại của Huawei và thực tế là smartphone màn hình gập đã dần trở thành lựa chọn hàng đầu của người có nhiều tiền tại thị trường Trung Quốc”.
Theo dữ liệu của hãng nghiên cứu Counterpoint, thị trường smartphone Trung Quốc bắt đầu năm 2024 với việc Huawei trở lại vị trí số 1 trong hai tuần đầu tiên.
Huawei từng mất vị thế hàng đầu sau khi bị Mỹ thêm vào danh sách đen thương mại từ tháng 5.2019, làm tê liệt hoạt động kinh doanh smartphone sinh lợi một thời của công ty có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc). Tuy nhiên, việc Huawei bất ngờ ra mắt Mate 60 Pro 5G, được trang bị bộ vi xử lý Kiri 9000s do SMIC sản xuất trong nước, vào tháng 8.2023 đã thu hút sự chú ý của người tiêu dùng Trung Quốc. SMIC là hãng sản xuất chip số 1 Trung Quốc
Dữ liệu của IDC cho thấy Huawei đã trở lại top 5 ở Trung Quốc trong quý 4/2023 với doanh số smartphone tăng 36,2%.
Will Wong cho biết: “Chúng tôi cho rằng Huawei sẽ duy trì được đà phát triển của mình và đặt ra thách thức với Apple. Điều này chủ yếu được hỗ trợ bởi tên thương hiệu mạnh mẽ của Huawei tại địa phương và khả năng mang đến nhiều công nghệ tiên tiến hơn, chẳng hạn các sản phẩm liên quan đến điện thoại màn hình gập, cho người tiêu dùng”.
Trong thị trường smartphone cao cấp toàn cầu (có giá từ 600 USD), Apple vẫn là hãng dẫn đầu không thể tranh cãi vào năm 2023 với 71% thị phần, theo báo cáo của Counterpoint vào tháng trước.
Tuy nhiên, thị phần của Apple trong phân khúc này đã giảm từ 75% vào năm 2022 vào bối cảnh Huawei hồi sinh ở Trung Quốc và Samsung Electronics tăng trưởng.
Khi các đối thủ Trung Quốc chuẩn bị tung ra nhiều đsmartphone cao cấp hơn, Apple đang chịu áp lực phải đáp ứng xu hướng thị trường - Ảnh: Bloomberg |
Cách đây 10 ngày, trang The Information đưa tin Apple đang xây dựng nguyên mẫu của ít nhất hai chiếc iPhone có thể gập theo chiều ngang như vỏ sò, trích dẫn một người có hiểu biết trực tiếp về tình hình.
Theo The Information, những chiếc iPhone màn hình gập đang trong giai đoạn phát triển ban đầu và không nằm trong kế hoạch sản xuất hàng loạt của công ty vào năm 2024 hoặc 2025.
Báo cáo cho biết gần đây Apple đã tiếp cận ít nhất một nhà sản xuất ở châu Á để được cung cấp các linh kiện liên quan đến hai chiếc iPhone màn hình gập có kích cỡ khác nhau.
Hầu hết hãng lớn đều đã bán ra những chiếc smartphone màn hình gập. Điều này khiến cho người dùng đặt câu hỏi rằng khi nào Apple mới phát hành iPhone có thể gập?
Apple thường định vị sản phẩm của hãng sẽ trở thành giải pháp cho một vấn đề nào đó. Apple cũng đề cao chất lượng và sự đổi mới trên mỗi thiết bị. Có vẻ như đây là nguyên nhân chính khiến Apple chưa vội ra mắt iPhone màn hình gập.
Hiện smartphone màn hình gập còn tương đối nhiều hạn chế về thời lượng pin, thiết kế công thái học, trải nghiệm phần mềm và giá cả. Nếu phát hành một chiếc iPhone màn hình gập, Apple sẽ phải tìm cách giải quyết những vấn đề này.
Vào năm 2021, nhà báo công nghệ nổi tiếng Mark Gurman từ trang Bloomberg tiết lộ Apple đã bắt đầu làm việc trên một mẫu iPhone màn hình gập.
Apple đã bán được hàng trăm triệu chiếc iPhone mỗi năm. Nếu phát hành một chiếc iPhone màn hình gập, Apple sẽ phải đối mặt với nhu cầu vô cùng lớn từ thị trường. Công ty sẽ phải tìm giải pháp tối ưu dây chuyền sản xuất để vừa đảm bảo sản lượng cũng như chất lượng phần cứng của thiết bị.
Ngoài ra, phần mềm cũng là một yếu tố quan trọng mà Apple cần thực hiện. Đây cũng là điểm hạn chế lớn nhất trên đa số smartphone màn hình gập ở thời điểm hiện tại.
Theo trang Nikkei Asia, Apple đã tham gia vào việc sản xuất hàng loạt màn hình thế hệ tiếp theo để giảm bớt sự phụ thuộc vào đối thủ Samsung Electronics và tăng khả năng kiểm soát riêng của mình với nguồn cung cấp một thành phần quan trọng.
Việc Apple tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất màn hình cho thấy sự thay đổi rõ rệt so với phương pháp thông thường của hãng. Trước đây, Apple cung cấp thông số kỹ thuật màn hình cho các đối tác (chẳng hạn Samsung Display, LG Display hay BOE Technology) và để lại việc sản xuất thực tế cho họ.
Apple đã chi rất nhiều cho việc phát triển màn hình micro-LED trong thập kỷ qua và khi quá trình sản xuất bắt đầu, hãng dự định sẽ thực hiện bước mass transfer của quy trình này, theo các nguồn tin liên quan đến dự án.
Mass transfer ám chỉ quá trình chuyển đổi khối lượng các thành phần quan trọng của màn hình từ một giai đoạn sản xuất này sang giai đoạn khác.
Màn hình micro-LED ít ngốn điện hơn và có thể được làm mỏng hơn OLED (màn hình đi-ốt phát sáng hữu cơ), công nghệ tiên tiến nhất hiện nay. Theo những người trong ngành, màn hình micro-LED cũng cung cấp hiệu suất độ sáng ngoài trời tốt hơn và có thể được sử dụng trên các bề mặt cong hoặc gập lại.
Bước mass transfer liên quan đến việc di chuyển ít nhất hàng chục ngàn chip LED siêu nhỏ lên các chất nền. Quá trình này sẽ được thực hiện tại các cơ sở R&D (nghiên cứu & phát triển) bí mật của Apple ở quận Long Đàm, thành phố Đào Viên, phía bắc Đài Loan, theo nhiều người có kiến thức trực tiếp về dự án.
Màn hình là một trong những thành phần đắt nhất trong tất cả thiết bị của Apple. Kể từ khi công ty Mỹ lần đầu tiên giới thiệu màn hình OLED trên iPhone vào năm 2017, sự phụ thuộc vào Samsung Display cho màn hình ngày càng tăng.
Để giảm bớt sự phụ thuộc đó và đạt được khả năng thương lượng về giá, Apple đã hợp tác với nhà cung cấp khác, cụ thể là LG Display (Hàn Quốc) và BOE Technology (Trung Quốc), nhưng họ thua kém Samsung Display về công nghệ và sự ổn định trong chất lượng, theo nhiều nguồn tin thân cận.
Một trong những người đã trực tiếp tham gia dự án trong nhiều năm cho biết: “Apple đã chi ít nhất 1 tỉ USD cho R&D và các mẫu cho công nghệ micro-LED trong gần 10 năm qua. Họ muốn đảm bảo quyền kiểm soát nhiều hơn với các công nghệ màn hình thế hệ tiếp theo cho sản phẩm trong tương lai của mình".
Các chip micro-LED nhỏ hơn ít nhất 100 lần so với các thành phần được sử dụng trong các sản phẩm chiếu sáng LED. Một phương pháp sản xuất chip micro-LED liên quan đến việc chế tạo chúng trực tiếp trên các wafer (đĩa bán dẫn).
Với dự án này, Apple đang hợp tác với các nhà cung cấp như ams Osram (Áo) cho các thành phần micro-LED, LG Display cho chất nền và TSMC cho các wafer 12 inch. TSMC là nhà sản xuất chip theo hợp đồng số 1 thế giới.
Ngoài việc thiết kế các mạch tích hợp trình điều khiển cho màn hình micro-LED, Apple thậm chí còn tự thiết kế một số thiết bị sản xuất để kiểm soát tốt hơn quá trình mass transfer, theo hai trong số những người quen thuộc với vấn đề này.
Nguồn tin của Nikkei Asia cho biết Apple có các nhóm R&D về màn hình ở Mỹ, Đài Loan và Nhật Bản.
Công nghệ micro-LED của Apple vẫn đang ở giai đoạn thử nghiệm và công ty có kế hoạch giới thiệu nó trên Apple Watch trước. Apple đặt mục tiêu công nghệ này sẽ sẵn sàng vào năm 2025, theo 5 nguồn tin của Nikkei Asia. Song vẫn còn nhiều thách thức với việc sản xuất hàng loạt màn hình micro-LED.
"Kế hoạch cuối cùng của Apple là giới thiệu công nghệ này trên iPhone, vốn là nguồn doanh thu chính và có khối lượng sản xuất lớn hơn nhiều, để chứng minh cho các khoản đầu tư nhiều năm qua", theo một trong những nguồn tin đã xem mẫu màn hình micro-LED của công ty.
(theo 1 thế giới)