- Theo Bộ TT&TT, hiện còn 16 bộ, ngành, địa phương chưa hoàn thành kết nối toàn diện với Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số.
Theo thống kê của Cục Chuyển đổi số quốc gia thuộc Bộ TT&TT, tính đến ngày 18/1, đã có 67 bộ, ngành, địa phương thực hiện kết nối toàn diện với hệ thống EMC; tuy nhiên, vẫn còn 16 bộ, ngành, địa phương chưa hoàn thành kết nối toàn diện với hệ thống EMC.
Số liệu của Bộ TT&TT cho thấy, năm 2023, 100% bộ, ngành, địa phương đã rà soát và ban hành danh mục thủ tục hành chính đủ điều kiện trong phạm vi bộ, ngành, địa phương để triển khai dịch vụ công trực tuyến theo quy định tại Nghị định 42 năm 2022.
Các bộ, ngành, địa phương đã triển khai 81% thủ tục hành chính là dịch vụ công trực tuyến, trong đó 48,5% thủ tục hành chính được triển khai là dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Tính đến tháng 12/2023, có 49 tỉnh, thành đã ban hành chính sách giảm phí, lệ phí; 13 tỉnh, thành đã ban hành chính sách giảm thời gian để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Về hiệu quả sử dụng, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trong năm 2023 đạt 38,5%. Số liệu thống kê, đo lường trên hệ thống EMC cho thấy, trung bình hàng ngày có khoảng 76.000 hồ sơ dịch vụ công trực tuyến.
Ảnh minh họa |
Ước tính, năm 2023 việc nộp, xử lý hồ sơ dịch vụ công trực tuyến có thể giúp tiết kiệm hàng chục triệu giờ công so với việc thực hiện dịch vụ công theo cách truyền thống.
Được biết, thời gian qua, Bộ TT&TT đã nhiều lần đôn đốc, nhắc nhở các bộ, tỉnh về việc tuân thủ quy định của pháp luật về giám sát, đánh giá hiệu quả, mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến qua hệ thống EMC.
Cùng với đề nghị tuân thủ quy định của pháp luật về giám sát, đánh giá hiệu quả, mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến qua hệ thống EMC, trong văn bản mới gửi các bộ, ngành và địa phương, Bộ TT&TT cũng khuyến nghị một số nội dung nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của dịch vụ công trực tuyến.
Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương rà soát, hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách để triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Trong đó, tiếp tục nghiên cứu ban hành các chính sách để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến như giảm phí, lệ phí, giảm thời gian xử lý…, với thời hạn cần hoàn thành là tháng 3/2024.
Đối với việc triển khai thí điểm một số dịch vụ không tiếp nhận bản giấy, một số ngày không tiếp nhận bản giấy, Bộ TT&TT đề nghị các tỉnh, thành phố thực hiện đánh giá kết quả thí điểm và gửi báo cáo về Bộ trước tháng 3/2024.
Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương cũng cần ưu tiên thiết kế lại giao diện, trải nghiệm của người dùng với các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu, nhiều người dùng. Thời hạn các bộ, ngành, địa phương cần hoàn thành nội dung công việc này là tháng 6/2024.
PV