- Xưởng đúc hàng đầu thế giới - TSMC của Đài Loan đang bị ảnh hưởng nặng nề về tài chính bởi ngành công nghiệp chip ảm đạm, khiến nhu cầu về tấm bán dẫn giảm sút.
Cụ thể, TSMC báo cáo rằng, công ty đã xuất xưởng 2,96 tỷ tấm đĩa bán dẫn (wafer) 12 inch trong quý 4 năm 2023. Con số này giảm 20,1% so với lượng giao hàng 3,7 tỷ tấm wafer 12 inch của năm trước. Bất chấp sự sụt giảm mạnh này, doanh thu quý 4/2023 của TSMC vẫn đạt 19,62 tỷ USD, tức là chỉ giảm 1,5% so với mức 19,93 tỷ USD được báo cáo trong cùng quý của năm 2022.
Vậy TSMC đã làm cách nào để kiểm soát sự sụt giảm doanh thu của mình? Đó là công ty đã tăng giá tấm wafer 12 inch của mình lên 22% trong quý 4/2023 so với cùng kỳ năm ngoái lên mức giá trung bình là 6.611 USD, tức là tăng từ 5.384 USD trong quý 4/2022. Một số nhà phân tích cho rằng, mức tăng này là do việc xưởng đúc này bắt đầu sản xuất chip theo nút quy trình 3nm cho khách hàng quan trọng nhất của mình là Apple. Cùng với đó, Apple cũng đã nhận được chip 3nm mà họ đặt hàng. Mặc dù Apple được cho là đã nhận được một thỏa thuận đặc biệt từ TSMC vào năm ngoái, nhưng giá của một tấm wafer silicon sử dụng cho nút 3nm mới nhất được cho là ở mức đáng kinh ngạc là 20.000 USD mỗi tấm wafer.
Tất nhiên, các nút quy trình kém tiên tiến hơn thì giá cũng rẻ. Được biết, TSMC đã thu về khoảng 15% doanh thu quý 4 đến từ nút xử lý 3nm (N3). Cụ thể, TSMC đã thu về 2,943 tỷ USD từ công nghệ 3nm, công nghệ N5 (5nm) mang lại 6,867 tỷ USD và công nghệ N7 (7nm) mang lại 3,3354 tỷ USD. Các nút công nghệ tiên tiến của TSMC (N3/N5/N7) chiếm 67% tổng doanh thu tấm đĩa wafer của Xưởng đúc này trong quý 4 năm 2023.
Theo các nhà phân tích về bán dẫn, khi tổng số chip xuất xưởng từ năm 2019 đến năm 2023 giảm thì giá bán trung bình (ASP) lại tăng mạnh. Vậy giá cả đã đóng góp bao nhiêu vào sự tăng trưởng của ngành bán dẫn trong những năm gần đây?
Cuối cùng, nhu cầu về chip sẽ bắt đầu tăng trở lại và cùng với việc giá wafer ngày càng tăng, TSMC sẽ bắt đầu báo cáo những con số mạnh mẽ hàng quý.
Hoàng Thanh