Tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư tới xây dựng Chính quyền đô thị ở Việt Nam

0
0

- Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 có tác động trực tiếp đến việc xây dựng và hoàn thiện chính quyền đô thị ở Việt Nam. Sự ảnh hưởng của cuộc cách mạng này đã làm thay đổi bộ mặt chính quyền địa phương của các quốc gia trong đó có Việt Nam với nền tảng công nghệ số được tích hợp vào mạng lưới chính quyền địa phương, nhằm nâng cao quyền tự chủ, phát huy tính năng động, sáng tạo của địa phương thông qua các thiết kế về tổ chức bộ máy, thay đổi phương thức phân cấp, thay đổi tư duy, phương thức quản lý điều hành…

Bài viết dưới đây phân tích các yếu tố tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với việc xây dựng chính quyền đô thị ở Việt Nam hiện nay và đề xuất một số giải pháp xây dựng và hoàn thiện chính quyền đô thị ở Việt Nam trong thời gian tới.

Khái quát về cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

Lịch sử phát triển công nghệ và công nghiệp, nhân loại đã chứng kiến ba cuộc Cách mạng công nghiệp: cuộc Cách mạng công nghiệp 1.0 từ năm 1784 bắt đầu từ khi con người sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Nó đánh dấu sự khởi đầu của kỷ nguyên sản xuất cơ khí thay thế hệ thống kỹ thuật cũ; Cách mạng công nghiệp 2.0 từ năm 1870 đến khi loài người phát minh ra động cơ điện, sử dụng năng lượng điện để tạo nên nền sản xuất với các dây chuyền lắp ráp; Cách mạng công nghiệp 3.0 xuất hiện từ năm 1969 khi con người phát minh ra máy tính, internet nên còn được gọi là cuộc cách mạng số. Đây là thời kỳ mà máy móc cùng với việc ứng dụng công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất đã thay thế phần lớn chức năng của con người. Và bây giờ chúng ta đang ở giai đoạn đầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang được xây dựng trên nền tảng cuộc cách mạng công nghiệp 3.0 với cách mạng kỹ thuật số đã xuất hiện từ giữa thế kỷ trước.

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 bắt đầu từ năm 2000, với đặc trưng là tích hợp toàn bộ những thành tựu của 3 cuộc cách mạng trước đây nhưng nâng lên một bước phát triển mới về chất, gắn liền với các trụ cột về trí thông minh nhân tạo (artificial intelligence), người máy thông minh có thể tự học hỏi (learning machines), Internet vạn vật kết nối (Internet of things), công nghệ điện toán đám mây (cloud computing) và xử lý dữ liệu lớn (big data). Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 chính là sự lên ngôi của những công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu, trạng thái số hóa và thông minh hóa các ứng dụng công nghệ thông tin.

 

Với Việt Nam, có tới hơn 64 triệu người sử dụng Internet cùng trên một trăm triệu thuê bao thiết bị di động, các mô hình kinh tế chia sẻ và thương mại điện tử đang bước vào giai đoạn phát triển bùng nổ. Vì thế, sự ứng dụng rộng rãi những thành tựu từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, về nhiều mặt không còn xa lạ với Việt Nam mà đang tác động trực diện tới sinh hoạt thường nhật của người dân, hình thành các mối quan hệ xã hội mới, trong đó có những tương tác mới giữa người dân và chính quyền đang thách thức cách vận hành của chính quyền theo kiểu truyền thống, đòi hỏi hệ thống chính quyền cần phải có những điều chỉnh tương ứng, phù hợp với xu hướng và thời đại cách mạng 4.0. Do vậy, những phát triển của đời sống xã hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 có tác động mạnh mẽ đến việc xây dựng và hoàn thiện chính quyền đô thị ở Việt Nam.

Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tới việc xây dựng chính quyền đô thị ở Việt Nam

Những tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tới việc xây dựng chính quyền đô thị ở Việt Nam có thể khái quát ở một số khía cạnh cơ bản.

TP.Đà Nẵng liên tục duy trì dẫn đầu cả nước về xếp hạng chuyển đổi số (DTI)
TP.Đà Nẵng liên tục duy trì dẫn đầu cả nước về xếp hạng chuyển đổi số (DTI)

Thứ nhất, Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động đến đường lối, chủ trương của Đảng trong việc xây dựng và hoàn thiện chính quyền đô thị

Có thể nói, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển và hoàn thiện chính quyền đô thị thông minh của các quốc gia trên thế giới trong thế kỷ XXI. Chính quyền địa phương ở Việt Nam không nằm ngoài sự phát triển đó để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Trước những đòi hỏi của tình hình mới, dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Đảng và Nhà nước ta đã có rất nhiều chủ trương, đường lối, chính sách về việc xây dựng và hoàn thiện chính quyền đô thị, hướng đến phục vụ ngày một tốt hơn cho nhân dân, trong đó, gần đây là việc đề ra Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, từ đó phân tích những ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0 tới sự định hình chính quyền đô thị trong tình hình mới.

Cụ thể, ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã thông qua Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đồng thời nhấn mạnh cần nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền về sự cấp thiết phải chủ động tham gia tích cực và có hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, coi đó là một nhiệm vụ trọng tâm…

Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị đã nêu rõ mục tiêu tổng quát: Tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hóa đất nước; Phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; Nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái...

Để thực hiện hóa các mục tiêu trên, Bộ Chính trị đã chỉ đạo một số chủ trương, chính sách để các ngành, các cấp chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó nhấn mạnh việc đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện chính quyền đô thị theo hướng tinh gọn, hiệu quả, phục vụ ngày càng tốt hơn cho nhân dân.

Để chủ trương, chính sách này nhanh chóng đi vào cuộc sống, cần chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hoạt động trong hệ thống chính quyền đô thị phải có trình độ chuyên môn cao, năng động đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, hoàn thiện các quy trình, thủ tục hành chính phù hợp với hoạt động của chính quyền số, cắt giảm tối đa giao dịch trực tiếp...

 

Thứ hai, sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng và hoàn thiện chính quyền đô thị

Đô thị là nơi hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phát triển có tính liên thông, đồng bộ, mật độ dân cư cao. Hiện nay, Việt Nam có tới 833 đô thị lớn nhỏ, trong đó có 2 đô thị đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, 20 đô thị loại I, 29 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 85 đô thị loại IV và 652 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa Việt Nam năm 2019 là 38,4% và dự kiến sẽ vượt mốc 40% vào năm 2020. Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh và rộng khắp tại nhiều địa phương đã tác động làm gia tăng dân số ở khu vực thành thị và kéo theo nhiều hệ lụy. Để ứng phó với thách thức này, chính quyền đô thị cần có phương thức quản trị thay đổi nhanh chóng, phù hợp trước xu thế bùng nổ dân số tại các thành phố lớn.

Để quản lý con người và nền kinh tế thông minh thì phải có những cách thức, công cụ, quan điểm quản trị theo một cách khác thay vì phương pháp thủ công. Quản trị thông minh là cách quản trị mà chúng ta cần phải đáp ứng được nhu cầu trong thông minh hóa thành phố. Chính quyền đô thị với quyết sách thông minh, giám sát, dự báo ngập lụt và điều phối phương tiện giao thông tránh ùn tắc bằng hệ thống ITS; các kết nối thuận lợi và quốc tế bằng năng lực của hạ tầng công nghệ thông tin với băng thông lớn, thu thập số liệu tự động; theo dõi tức thời bằng công nghệ nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến RFID… sẽ giải quyết tốt các vấn đề nhằm tăng cường hiệu quả, cải thiện tương tác trong quản lý đô thị, cung cấp dịch vụ cho người dân cũng như tối ưu chức năng của các đơn vị hành chính.

Thứ ba, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động đến đội ngũ cán bộ hoạt động trong hệ thống chính quyền địa phương

Một đội ngũ cán bộ năng động với trình độ chuyên môn cao, sẽ linh hoạt trong việc ứng dụng công nghệ mới từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần tăng nhanh tốc độ phản ứng chính sách, kịp thời phát hiện những bất cập trong thi hành chính sách, trong hệ thống vận hành của chính quyền địa phương. Điều này đòi hỏi cán bộ công tác trong hệ thống chính quyền đô thị phải sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ cho công việc, đồng thời phải chủ động, đón đầu và sáng tạo trước diễn biến của tình hình mới “với những tác động khó lường của việc ứng dụng các công nghệ mới như Big data, IoT, AI, thực tại ảo, trong khi chờ các văn bản chính thức được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung thì những cán bộ công tác trong hệ thống chính quyền địa phương cần tham mưu để thiết kế những khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát áp dụng cho một số ứng dụng công nghệ (sandbox)”2.

Thứ tư, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động đến một số vị trí việc làm trong hệ thống chính quyền đô thị

Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra những bước tiến mới trong thay đổi cách giao tiếp và xử lý nghiệp vụ thông qua tương tác và giao tiếp điện tử. Vai trò của công nghệ là yếu tố quan trọng, then chốt trong định hướng phát triển dựa trên nền tảng công nghệ thông qua các thiết bị số kết nối với các phần mềm máy tính trên môi trường mạng Internet. Do vậy, việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào hoạt động của hệ thống chính quyền đô thị góp phần làm tinh gọn bộ máy, một số công việc mà hiện nay cán bộ trực tiếp xử lý có thể thay thế bằng hệ thống máy móc với hiệu quả cao, rút ngắn thời gian và độ chính xác hoàn toàn đáng tin cậy. Ví dụ: Công chứng viên không cần phải kiểm tra, soi xét để xác định tính xác thực của các loại giấy tờ mà chỉ cần thông qua bộ xử lý dữ liệu đã có thể kiểm tra được.

Đề xuất một số giải pháp xây dựng chính quyền đô thị ở Việt Nam

VNPT với đầy đủ các giải pháp chuyển đổi số toàn diện cho khối Chính quyền, đô thi và các doanh nghiệp
VNPT với đầy đủ các giải pháp chuyển đổi số toàn diện cho khối Chính quyền, đô thi và các doanh nghiệp

Thứ nhất, Đảng và Nhà nước tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo, quản lý trong việc đề ra các đường lối, chủ trương, chính sách xây dựng và hoàn thiện chính quyền đô thị.

Đảng tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chủ trương, đường lối về tổ chức và hoạt động tổ chức chính quyền đô thị đặt trong tổng thể đổi mới tổ chức, hoạt động bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị. Chỉ đạo, giám sát, kiểm tra các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương trong việc thể chế hóa quan điểm của Đảng thành chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện trên thực tế.

Nhà nước cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế xây dựng chính quyền địa phương theo hướng phân định rõ hơn tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; chủ động thí điểm ở những nơi có đủ điều kiện. Nghiên cứu, thực hiện giảm hợp lý số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và giảm đại biểu Hội đồng nhân dân công tác ở các cơ quan quản lý nhà nước; giảm số lượng phó chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động để thực hiện từ nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Thứ hai, ứng dụng những thành tựu công nghệ thông tin từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để triển khai hệ thống thông tin tích hợp dữ liệu

Dữ liệu chính quyền đô thị thu thập phải thật sự hiệu quả, giảm thiểu sự trùng lặp, minh bạch, chính xác, đồng bộ, thống nhất và tích hợp được vào cơ sở dữ liệu dùng chung quốc gia, bảo đảm cung cấp thông tin dịch vụ công chất lượng, đầy đủ, hiệu quả, có khả năng chia sẻ và tương tác thông tin, mang lại lợi ích cho cá nhân, tổ chức và chính quyền tốt hơn. Dữ liệu tích hợp có nhiều loại hình và cấp độ khác nhau, như quy trình kinh doanh, hệ thống tài nguyên, văn hóa, các ngành nghề và những lĩnh vực khác của đô thị. Triển khai hệ thống thông tin tích hợp dữ liệu chính quyền đô thị là một nhiệm vụ phức tạp, bao gồm các thành phần công nghệ, tổ chức, thể chế, chính trị, kinh tế và xã hội.

Tích hợp dữ liệu là một khía cạnh quan trọng đặc trưng của chính quyền đô thị, các địa phương cần xây dựng, hình thành “Trung tâm tích hợp dữ liệu thông minh”, tập trung số hóa dữ liệu và quản lý theo hướng: Một loại dữ liệu phục vụ nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh cần được bảo mật chặt chẽ, an toàn; loại dữ liệu còn lại mang tính công cộng, chia sẻ thông tin liên tổ chức trong các cơ quan chính quyền mà doanh nghiệp, người dân được phép khai thác, tương tác, phản hồi. Loại dữ liệu này nên xã hội hóa, phục vụ hoạt động kinh doanh thông tin, hình thành thị trường và ngành công nghiệp nội dung số ở các chính quyền đô thị.

Thứ ba, để xây dựng thành công chính quyền đô thị cần phải lấy con người làm nguồn lực trọng yếu, do đó phải đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hoạt động trong hệ thống chính quyền đô thị.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những biến chuyển mạnh mẽ trong đời sống kinh tế xã hội, làm nảy sinh những vấn đề mới về hoạt động của chính quyền địa phương. Trong bối cảnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chính quyền đô thị chắc chắn cần phải thay đổi toàn diện, cả nội dung lẫn hình thức. Cách mạng công nghiệp 4.0 đưa đến cả cơ hội và thách thức đan xen, để không bị tụt hậu thì bản thân các trường phải định hướng rõ để đào tạo, mỗi trường phải xác định sứ mệnh của mình, đào tạo phục vụ phân khúc nào trong xã hội, xác định rõ nhu cầu đào tạo. Đồng thời, phải khai thác được thế mạnh, ưu điểm của những công cụ lĩnh vực số, chuyển hóa số để ứng dụng trong quá trình dạy và học hiệu quả hơn.

Thứ tư, thiết lập hệ thống cung cấp dịch vụ công tăng cường sự tham gia của người dân và lấy người dân là trung tâm

Xây dựng chính quyền đô thị nhằm phục vụ tốt hơn cho nhân dân, thu hút người dân tham gia tương tác với chính quyền, vào công việc của thành phố, mục tiêu lấy người dân là trung tâm cung cấp dịch vụ công và tài nguyên trực tuyến, phù hợp với nhu cầu sử dụng dịch vụ của họ. Thông qua sự tham gia, tương tác, phản hồi và giám sát của các bên liên quan chính, dân chủ ở cơ sở được phát huy, các sáng kiến, ý kiến đóng góp của người dân được ghi nhận; vai trò kiến tạo, sáng kiến xây dựng chính sách, phát triển của chính quyền đô thị được điều chỉnh phù hợp; vai trò quản lý nhà nước, ban hành chính sách về chính quyền đô thị được đo lường, kiểm định tính hiệu quả. Chính quyền điện tử là đặc trưng của chính quyền thông minh, cung cấp các kênh tham gia, tăng cường hiệu quả tương tác, cân bằng cung - cầu giữa người dân với chính quyền và giữa các bên liên quan, tăng cường ra quyết định tập thể, cách làm này phát huy tối đa dân chủ ở cơ sở. Khuyến nghị thành lập “Trung tâm thông tin chính quyền điện tử” nhằm thiết lập hệ thống tương tác cung cấp dịch vụ công cho người dân tốt hơn, thúc đẩy mối quan hệ thường xuyên, trực tuyến và thông minh hơn giữa công dân và chính quyền thành phố.

Tác giả: Ths Trịnh Quốc Bảo - VNPT Đà Nẵng


Ý kiến bạn đọc


Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chiều 26/7, ông Nguyễn Trọng Trường, đại diện gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư tại Lễ Truy điệu.

Bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào gửi Phu nhân Tổng Bí thư

(VnMedia) - VnMedia xin đăng tải toàn văn bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào Naly Sisoulith gửi Phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ngô Thị Mận.

Nhớ về một người Cộng sản chân chính

(VnMedia)- Mỗi khi nghĩ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là trong tôi hiện lên hình ảnh một người Cộng sản chân chính. Và, lúc này, tôi lại nhớ đến câu chuyện mẹ tôi vẫn kể trong những năm tháng bà còn sống về cha tôi - một người Cộng sản...

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu, cầu thủ nhí trên không gian mạng

(VnMedia) - Bộ Công an vừa phát đi cảnh báo về chiêu trò lừa đảo tuyển mẫu nhí, cầu thủ nhí, người đại diện thương hiệu nhằm chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng.

Giá vàng đảo chiều tăng mạnh

(VnMedia) - Chốt phiên giao dịch rạng sáng nay (24/7), giá vàng giao ngay tại thị trường New York đã đảo chiều tăng mạnh hơn 13 USD/ounce. Trong nước, chiều qua, giá vàng miếng SJC vẫn duy trì ở mốc gần 80 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.