Các nguồn tin cho biết CEO của OpenAI đã đàm phán với một số nhà đầu tư tiềm năng với hy vọng huy động được số tiền đủ lớn cần thiết cho việc xây dựng các nhà máy chế tạo chip.
Giám đốc Điều hành (CEO) của OpenAI, ông Sam Altman |
Theo các nguồn thạo tin, Giám đốc Điều hành (CEO) của OpenAI, ông Sam Altman, có kế hoạch huy động hàng tỷ USD cho một liên doanh nhằm thiết lập một mạng lưới các nhà máy sản xuất chip.
Các nguồn tin cho biết ông Altman đã đàm phán với một số nhà đầu tư tiềm năng với hy vọng huy động được số tiền đủ lớn cần thiết cho việc xây dựng các nhà máy chế tạo chip (thường được gọi là fabs).
Theo nguồn tin, dự án sẽ liên quan đến việc hợp tác với các nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới và mạng lưới các nhà máy sẽ có phạm vi toàn cầu.
Việc sản xuất chip thường rất tốn kém. Chúng cũng đòi hỏi một lượng lớn tài nguyên thiên nhiên, bên cạnh hàng tỷ USD tài trợ. Chi phí đã tăng lên trong những năm qua khi công nghệ sản xuất chip sử dụng trong các ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo (AI) ngày một tiên tiến.
Các nguồn tin cho biết Tập đoàn Công nghệ G42 có trụ sở tại Abu Dhabi, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Tập đoàn SoftBank của Nhật Bản nằm trong số các công ty đã tổ chức thảo luận với ông chủ OpenAI. Nhưng các cuộc đàm phán vẫn còn trong giai đoạn sơ bộ và danh sách đầy đủ các đối tác và nhà tài trợ có liên quan vẫn chưa được thiết lập.
OpenAI đã chính thức hợp tác với G42 vào tháng 10/2023. Theo các nguồn tin, cuộc đàm phán giữa CEO OpenAi với G42 tập trung vào việc huy động từ 8-10 tỷ USD, mặc dù tình trạng hiện tại của các cuộc thảo luận vẫn chưa rõ ràng.
Báo cáo cho biết thêm, Intel (Mỹ), TSMC của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Samsung Electronics (Hàn Quốc) là những đối tác tiềm năng khác của OpenAI.
Ông Altman đã quay trở lại OpenAI vào tháng 11/2023 sau sự ra đi bất ngờ gây chấn động ngành công nghệ.
Truyền thông cho hay ông đã rất nỗ lực phát triển dự án sản xuất chip cho đến khi tạm thời bị sa thải. Sau khi trở về, ông đã nhen nhóm lại những nỗ lực này.
Báo cáo cho biết thêm ông đã trình bày kế hoạch trên với Microsoft và “gã khổng lồ” phần mềm cũng đang bày tỏ quan tâm.
OpenAI, SoftBank, Intel, TSMC, G42 và Samsung Electronics đã không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận của báo giới. Microsoft cũng từ chối bình luận về thông tin này.
Trong khi đó, theo các chuyên gia, nhu cầu chip trên toàn cầu, chủ yếu cho các trung tâm dữ liệu liên quan đến AI và lĩnh vực xe điện (EV), được cho là sẽ bắt đầu phục hồi vào quý 2/2024, khi các nhà sản xuất chip lớn tăng sản lượng, từ đó thúc đẩy kinh tế toàn cầu.
Nikkei đã khảo sát 10 tổ chức và các cá nhân, trong đó có các cơ quan nghiên cứu, các nhà phân tích và các công ty giao dịch, để đánh giá về cung và cầu về chip trong năm nay trên thang 5 điểm trong mỗi quý, từ dư cung đến thiếu cung theo từng loại và mức sử dụng.
Theo Công ty Nghiên cứu Gartner của Mỹ, 80% các công ty trên toàn cầu sẽ sử dụng AI tạo sinh trong hoạt động kinh doanh vào năm 2026, tăng so với tỷ lệ chưa đến 5% vào năm 2023. Microsoft, Amazon.com và các công ty khác sẽ tăng các dịch vụ AI.
Theo hãng nghiên cứu thị trường Statista của Đức, giá trị thị trường chip AI được dự báo tăng lên 119,4 tỷ USD vào năm 2027, chiếm gần 20% thị trường chip toàn cầu.
Nhà phân tích Akira Minamikawa của Omdia cho rằng AI sẽ được sử dụng cho điện thoại thông minh và máy tính cá nhân. Đầu tư liên quan đến AI tạo sinh sẽ phục hồi và và thúc đẩy đáng kể tăng trưởng của thị trường chip.
Các tập đoàn sản xuất chip đang tăng sản lượng để đón đầu nhu cầu mạnh.
Theo CEO của TSMC, C.C. Wei, tập đoàn sẽ tăng đầu tư, khi nhu cầu từ lĩnh vực AI sẽ vượt công suất sản xuất.
Nhu cầu các chip mạnh như chip được sử dụng cho EV cũng sẽ tăng khi bước sang nửa cuối năm 2024. BMW đặt mục tiêu tăng doanh số bán xe EV lên 50% trong tổng doanh số bán vào năm 2030 và Toyota sẽ tăng doanh số bán EV toàn cầu lên 1,5 triệu chiếc vào năm 2026.
Sau khi tăng trong giai đoạn đại dịch, nhu cầu chip cho điện thoại thông minh, máy tính cá nhân và các thiết bị số khác đã chậm lại trong năm ngoái, khiến dự trữ tăng nhanh. Tuy nhiên, vào cuối năm ngoái, các nhà sản xuất chip đã giảm sản lượng và mức dự trữ.
Còn The World Semiconductor Trade Statistics, một tổ chức thống kê ngành công nghiệp do các nhà sản xuất chip lớn thành lập cho hay, thị trường bán dẫn toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng 13,1% vào năm 2024 lên mức kỷ lục 588,36 tỷ USD sau đợt sụt giảm trong năm nay, nhờ nhu cầu ngày càng tăng về chip AI.
World Semiconductor Trade Statistics đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng cho thị trường toàn cầu cao hơn so với ước tính đưa ra vào tháng 6/2023 là 11,8%.
Nếu thành hiện thực, quy mô thị trường về mặt giá trị thương mại sẽ vượt kỷ lục 574,08 tỷ USD ghi nhận trước đó vào năm 2022. Năm 2023, giá trị thị trường chất bán dẫn toàn cầu dự kiến giảm 9,4% xuống còn 520,13 tỷ USD do nhu cầu về chip nhớ yếu hơn.
Xét theo sản phẩm, chip nhớ sẽ dẫn đầu mức tăng trưởng chung của thị trường vào năm 2024, với doanh số dự kiến sẽ tăng 44,8% so với một năm trước đó. Thị trường chip logic được dự đoán sẽ tăng trưởng 9,6% trong khi thị trường chip cảm biến hình ảnh dự kiến sẽ tăng 1,7%.
Theo khu vực, châu Mỹ dự kiến sẽ có mức tăng trưởng lớn nhất vào năm 2024 với khả năng tăng 22,3%. Thị trường châu Á-Thái Bình Dương, nơi có nhiều công ty đặt cơ sở sản xuất điện thoại thông minh và máy tính cá nhân, được dự đoán sẽ tăng trưởng 12%.
Triển vọng lạc quan xuất hiện khi ngành công nghiệp bắt đầu nhận thấy các dấu hiệu phục hồi nhu cầu về chip khi “cơn sốt” AI tạo sinh nổ lên với sự thành công của ứng dụng ChatGPT. Ngoài ra, sự cải thiện doanh số bán máy tính cá nhân và điện thoại thông minh cũng hỗ trợ nhu cầu về chất bán dẫn.
Intel trước đây cho biết họ có thể sẽ báo cáo mức tăng trưởng doanh thu lần đầu tiên sau hai năm cho khoảng thời gian từ tháng 10-12/2023. Các công ty đối thủ gồm TSMC và Samsung Electronics cũng dự báo thu nhập sẽ tốt hơn trong cùng kỳ.
Hiệp hội Thiết bị Bán dẫn Nhật Bản (SEAJ) ngày 18/1 dự báo doanh số bán thiết bị bán dẫn của nước này dự kiến sẽ tăng 27% lên 4.030 tỷ yen (27 tỷ USD) trong năm tài chính bắt đầu từ tháng 4/2024 nhờ nhu cầu chi tiêu mới liên quan đến AI.
SEAJ - với các thành viên bao gồm Tokyo Electron Ltd., Advantest Corp. và Screen Holdings Co., cho biết họ kỳ vọng chi tiêu của các nhà sản xuất chip nhớ sẽ phục hồi đáng kể trong khoảng thời gian từ tháng 9/2024 đến tháng 3/2025 nhờ sự phục hồi tại các xưởng chế tạo và nhà sản xuất chip logic. Báo cáo cho biết tăng trưởng dự kiến sẽ tiếp tục ở mức 10% trong năm tiếp theo cho đến tháng 3/2026.
Chủ tịch SEAJ kiêm CEO Tokyo Electron Toshiki Kawai cho biết các chip mới được tối ưu hóa cho AI tạo sinh cùng các khoản đầu tư vào hệ thống máy chủ hỗ trợ AI sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu về chất bán dẫn của Nhật Bản.
Nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới TSMC cho biết họ đang dự trù ngân sách cho khả năng tăng đầu tư sản xuất vào năm 2024. Ông C.C.Wei, nhắc lại kỳ vọng tập đoàn sẽ phục hồi đà tăng trưởng trong năm nay.
Doanh thu của các nhà sản xuất thiết bị chip Nhật Bản trong năm tài chính tính đến tháng 3/2024 dự kiến sẽ giảm 19%, thấp hơn mức 23% mà Hiệp hội này dự báo vào tháng 7/2023. Điều này một phần nhờ vào doanh số bán hàng mạnh mẽ tại thị trường Trung Quốc.
Ông Kawai cho biết hoạt động đầu tư của Trung Quốc đã mạnh mẽ hơn dự kiến do những hạn chế đối với việc xuất khẩu các công cụ tiên tiến. Theo ông, các công ty nước này đang tích cực đầu tư vào các lĩnh vực ít chịu sự giám sát của cơ quan quản lý hơn./.
(theo TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/openai-muon-huy-dong-hang-ty-usd-de-lap-mang-luoi-nha-may-chip-ai-post922347.vnp