“Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể tự cường”

0
0

- Phát biểu khai mạc Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ V, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển. Không Make in Viet Nam thì chúng ta không thể đi ra thế giới. Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể tự cường…

Với chủ đề “Sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”, Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ V đã khai mạc vào sáng nay, 11/12 tại Quảng Ninh.

Diễn đàn là sự kiện lớn của Ngành nhằm tổng kết, đánh giá sự phát triển của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trong 04 năm qua; truyền tải những tư tưởng cốt lõi về phát triển công nghệ số, tinh thần Make in Viet Nam, ứng dụng số để giúp tăng doanh thu, lợi nhuận và năng suất lao động; phát triển doanh nghiệp công nghệ số góp phần phát triển nhanh và bền vững, phát triển bao trùm, thoát bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam thành nước phát triển.

Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể tự cường

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam được tổ chức vào tháng 12 hằng năm. Tháng 12 cũng là dịp kỷ niệm ngày lễ đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số. Ngày Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 12/12. Việt Nam đến giờ có lẽ vẫn là nước duy nhất trên thế giới có ngày vinh danh các doanh nghiệp công nghệ số.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc Diễn đàn
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc Diễn đàn

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Diễn đàn là thời điểm chúng ta nhìn lại, tổng kết, đánh giá sự phát triển, tôn vinh các doanh nghiệp công nghệ số tiêu biểu thông qua giải thưởng sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam. Đây là những sản phẩm công nghệ số xuất sắc được thiết kế, sáng tạo và làm ra tại Việt Nam, có tác động, ảnh hưởng lớn trong việc đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp và chính quyền lên môi trường số, góp phần thúc đẩy phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Nhìn lại chặng đường 4 năm vừa qua, từ năm 2019 đến nay, ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam đã có những bước phát triển và trưởng thành rất đáng khích lệ. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số tăng 30%, doanh thu công nghiệp công nghệ số tăng 32%, tỷ trọng Make in Vietnam - Làm ra tại Việt Nam của các sản phẩm công nghiệp công nghệ số tăng từ 21% lên 29%. Riêng lĩnh vực sản xuất phần mềm cho nước ngoài tăng trưởng 43%, và chúng ta hiện có tới trên 1.400 doanh nghiệp loại này, với doanh thu đang tiến dần đến mốc 10 tỷ USD.

Năm 2019, chúng ta đã đặt tên, khai sinh ra cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, với sứ mệnh Make in Viet Nam: Nghiên cứu tại Việt Nam, Sáng tạo tại Việt Nam, Làm ra tại Việt Nam, góp phần giúp Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình, và hiện thực hoá khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Việt Nam không chỉ lắp ráp, gia công, mà còn là sáng tạo ra sản phẩm Việt Nam, giải bài toán Việt Nam và từ đây đi ra toàn cầu. Theo Bộ trưởng, muốn đi xa thì hãy nhớ lấy sứ mệnh ban đầu ấy.

Chủ đề của Diễn đàn năm nay, và cũng tức là chủ đề của năm 2024 là: “Sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”. Theo Bộ trưởng, phát triển kinh tế số thì quan trọng nhất là các ứng dụng số, ứng dụng chuyển đổi số cho các ngành. Vậy ai sẽ là người làm việc này? Đó phải là các nhà mạng, là các doanh nghiệp công nghệ số. Vì chúng ta có hạ tầng, chúng ta có công nghệ, chúng ta có nhân lực, chúng ta có hiểu biết chuyển đổi số, thì chúng ta phải là người sáng tạo ra các ứng dụng chuyển đổi số cho các ngành.

“Phát triển ứng dụng số cho các ngành thì cũng chính là sáng tạo sản phẩm, cũng chính là Make in Viet Nam. Các nhà mạng, các doanh nghiệp công nghệ số phải coi đây là hoạt động nghiên cứu phát triển. Nhà mạng China Mobile của Trung Quốc một năm chi tới 4 tỷ USD để phát triển các ứng dụng, các Use Case cho các ngành công nghiệp. Họ đã phát triển được trên 30.000 ứng dụng 5G công nghiệp, và doanh thu hàng năm của China Mobile vì thế mà tăng trên 10%. Thị trường các ứng dụng 5G sẽ đạt 670 tỷ USD vào năm 2025, tức là giúp cho doanh thu nhà mạng tăng tới 50% so với năm 2020” - Bộ trưởng nói.

Vậy thì, hàng chục ngàn doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hãy đi vào các ngành, các lĩnh vực để sáng tạo các ứng dụng số, giúp chuyển đổi số, phát triển kinh tế số cho các ngành và lĩnh vực. Và đây cũng chính là quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam từ nay có một sứ mệnh mới là công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước thông qua sáng tạo các ứng dụng số, chuyển đổi số cho các ngành, các lĩnh vực.

"Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển. Không Make in Viet Nam thì chúng ta không thể đi ra thế giới. Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể tự cường. Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể hùng cường thịnh vượng" - Bộ trưởng khẳng định.

Quảng Ninh chuẩn bị năng lực sẵn sàng tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Là địa phương được Bộ Thông tin và Truyền thông lựa chọn để tổ chức Diễn đàn Quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ V, ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho hay, cùng với phát triển kinh tế, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển khoa học công nghệ và ứng dụng công nghệ thông tin, có thể khẳng định đến thời điểm hiện tại, tỉnh Quảng Ninh bước đầu đã có những tiền đề quan trọng để tiếp tục xây dựng, chuẩn bị năng lực sẵn sàng tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ông Cao Tường Huy
Ông Cao Tường Huy - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu

Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung đầu tư, triển khai Đề án xây dựng Chính quyền điện tử là nền tảng cốt lõi cho xây dựng chính quyền số; nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động, công tác chỉ đạo, điều hành, phục vụ của chính quyền thông qua hệ thống hạ tầng, hệ thống thông tin dùng chung được triển khai sâu, rộng cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) và kết nối liên thông với trục văn bản của Văn phòng Chính phủ; làm cơ sở cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính với mô hình 14 Trung tâm phục vụ hành chính công từ tỉnh đến cấp huyện và 177 bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã với các kết quả cụ thể.

100% cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan hành chính Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đã tham gia, sử dụng thành thạo các tiện ích Hệ thống Chính quyền điện tử, Thành phố thông minh của tỉnh; Trên 99% văn bản hành chính giữa các cơ quan hành chính Nhà nước của tỉnh Quảng Ninh được trao gửi, nhận dưới dạng văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số; kết nối được 100% Bộ, ban, ngành của Trung ương và 100% các địa phương trong toàn quốc; đến nay đã gửi, nhận trên 13,7 triệu văn bản điện tử có ký số.

100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và được thiết lập, niêm yết, công khai trên Cổng dịch vụ công của tỉnh; Tỉnh đã cung cấp được 1.240 dịch vụ công trực tuyến trong tổng số 1.367 thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia (đạt tỷ lệ 90,7%). Năm 2023 đã tiếp nhận 861.990 hồ sơ thủ tục hành chính, trong đó đã giải quyết 99,7% đúng hạn và trước hạn; trên 77% hồ sơ thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến; 100% phí, lệ phí được thanh toán không dùng tiền mặt; Tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc toàn trình cả 3 cấp tỉnh Quảng Ninh đạt trên 82%, cao gấp 1,5 lần trung bình trung toàn quốc (tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc toàn trình toàn quốc đạt gần 50%), trong đó: cấp xã đạt trên 75%, cấp huyện đạt trên 80%, cấp tỉnh đạt trên 85%.

Ông Cao Tường Huy cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 09 về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên ba trụ cột đó là Chính quyền số - Kinh tế số - Xã hội số. Trong đó, kinh tế số được xác định là đột phá, cần được tập trung lãnh đạo chỉ đạo hoàn thành với mục tiêu đặt ra đến năm 2025, kinh tế số phải đạt 20% GRDP và  đến năm 2030, kinh tế số phải đạt 35% GRDP của tỉnh. Là một trong những chỉ tiêu quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch mô hình phát triển từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh.

Theo ông Cao Tường Huy, Diễn đàn với chủ đề “Doanh nghiệp công nghệ số - Phổ cập công nghệ số vào cuộc sống” là cơ hội để các chuyên gia, các nhà hoạch định chiến lược, chính sách, các doanh nghiệp cùng đông đảo các đại biểu thảo luận, chia sẻ nhận thức, xu thế, tầm nhìn và tìm ra các định hướng, giải pháp nhằm phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Make in Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số là mối quan tâm, mục tiêu của cả nước nói chung và của tỉnh Quảng Ninh nói riêng sẽ giúp tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh, thành phố trong cả nước nói chung có những định hướng xây dựng phát triển các doanh nghiệp công nghệ số thúc đẩy, hoàn thành các mục chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số đã được xác định trong các chủ trương, định hướng của Trung ương và các địa phương.

Chương trình Diễn đàn bao gồm 01 phiên chính và các phiên chuyên đề. Tại Phiên chính buổi sáng, các diễn giả sẽ chia sẻ các câu chuyện thành công trong việc ứng dụng số tạo ra các sản phẩm số ứng dụng trong thực tiễn, giúp thay đổi Việt Nam, thay đổi thế giới. Tại các Phiên chuyên đề vào buổi chiều, các diễn giả sẽ  trao đổi, thảo luận về việc phát triển các sản phẩm dựa trên công nghệ mới như Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo,  vi mạch bán dẫn và việc đưa chúng ra thị trường trong nước và quốc tế.  Các diễn giả cũng trao đổi, thảo luận về những rào cản, thách thức và giải pháp đột phá để cung cấp ngày càng nhiều sản phẩm, giải pháp, dịch vụ trên nền tảng các công nghệ số mới cho thị trường.

Doanh nghiệp chung tay cùng sáng tạo ứng dụng số

Tại Diễn đàn, Tập đoàn VNPT đã có tham luận với chủ đề: VNPT IoT Platform - Nền tảng cho sáng tạo sản phẩm công nghệ số Việt Nam trên hạ tầng mạng 5G. Trước bối cảnh thị trường biến đổi nhanh và đa dạng, VNPT định hình xây dựng Hạ tầng và các nền tảng công nghệ từ đó mong muốn hợp tác với cộng đồng công nghệ nhằm xây dựng những Hệ sinh thái phát triển bền vững.

Là một trong những hệ sinh thái đang được VNPT phát triển mạnh mẽ, nền tảng cho các dịch vụ AI của VNPT hiện giờ đã đạt 1 tỷ lượt request được cử lý từ nhiều lĩnh vực ngành nghề như tài chính, ngân hàng, y tế, giáo dục; Hơn 5 tỷ ký tự đã được chuyển đổi thành giọng nói, giúp tiết kiệm hàng triệu giờ lao động; Hơn 20 triệu khuôn mặt đã được xác thực bởi nền tảng AI của VNPT; Hàng triệu cuộc gọi tự đồng từ cơ quan nhà nước, đặc biệt phát huy hiệu quả trong giai đoạn Covid-19; Hàng triệu trang văn bản đã được số hóa lưu trữ và khai tác ở tất cả 63 tỉnh, thành cả nước.

Ông Lý Quốc Chính, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Công nghiệp Bưu chính Viễn thông VNPT Technology đại diện Tập đoàn VNPT trình bày tham luận tại Diễn đàn.
Ông Lý Quốc Chính, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Công nghiệp Bưu chính Viễn thông VNPT Technology - đại diện Tập đoàn VNPT trình bày tham luận tại Diễn đàn.

Tại Diễn đàn, đại diện của VNPT cũng đã đưa ra đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế chính sách cụ thể để giúp các doanh nghiệp lớn, tập đoàn công nghệ của Việt Nam mạnh dạn đầu tư để phát triển và vận hành các hệ sinh thái dịch vụ số, phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Có hành lang pháp lý hoặc cơ chế hỗ trợ các cho các doanh nghiệp khi tham gia vào hệ sinh thái. Tránh việc phát triển trăm hoa đua nở, dẫm chân lên nhau gây lãng phí nguồn lực và không hiệu quả.

Để phát triển nền công nghiệp IoT bền vững, đại diện của VNPT cũng đưa ra đề nghị chính phủ xây dựng chiến lược đào tạo đồng bộ, tái cấu trúc nguồn nhân lực phù hợp với mục tiêu cụ thể của từng ngành dọc.

Để phát triển công nghiệp IoT gắn liền với phát triển công nghiệp điện tử và viễn thông hiệu quả, VNPT kiến nghị chính phủ có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc nghiên cứu và phát triển các thiết bị IoT, trong đó có phần thiết kế chế tạo chip bán dẫn, cảm biến, thiết bị nhúng... dùng cho IoT.

Trong tham luận tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và CNTT Việt Nam (VINASA), Tổng giám đốc Tập đoàn FPT đã đưa ra nhận định, Việt Nam có lợi thế để vươn lên trong ngành vi mạch bán dẫn. Tại châu Á, có các quốc gia dùng đũa (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan) đang đi đầu trong ngành công nghiệp bán dẫn. Việt Nam cũng có đầy đủ lợi thế để nắm bắt cơ hội vàng. Theo ông Khoa, doanh nghiệp công nghệ Việt có đầy đủ: Đầu ra - thị trường rộng lớn; Nhân sự: nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, có nền tảng tư duy toán tốt; Cơ hội hợp tác: Các nước đang coi VN là điểm đến mới về bán dẫn, doanh nghiệp có cơ hội liên kết với đơn vị nghiên cứu, đào tạo, kinh doanh uy tín trong lĩnh vực này.

Trả lời cho câu hỏi, Việt Nam nên tập trung vào đâu?, ông Khoa cho rằng, chúng ta nên phát triển theo lộ trình 3 giai đoạn: Ngắn hạn: Thiết kế, đóng gói, kiểm thử; Trung hạn: Sản xuất; Dài hạn: làm chủ công nghệ lõi. Trong đó, chúng ta tập trung vào các lĩnh vực: Viễn thông, xe điện, điện toán, năng lượng và hướng đến đưa AI vào mọi con chip. Theo Gartner dự báo doanh thu chip bán dẫn có AI năm 2024 tăng 23% so với 2022 - 54 tỷ USD; 2027 đạt gần 120 tỷ USD. Thời gian tới, FPT sẽ đóng góp phát triển nguồn nhân lực bán dẫn với 10.000 nhân lực...

Phạm Lê


Ý kiến bạn đọc


Giá vàng thế giới giảm, vàng nhẫn tròn trơn bật tăng

(VnMedia) - Chốt phiên giao dịch rạng sáng nay (29/6), giá vàng giao ngay tại thị trường New York đã đảo chiều giảm nhẹ. Trong nước, chiều qua, giá vàng nhẫn tròn trơn của Bảo Tín Minh Châu lại bật tăng 200 nghìn đồng/lượng.

Việt Nam: Điểm nóng mới của thị trường trung tâm dữ liệu châu Á - Thái Bình Dương

(VnMedia) - Trên bản đồ thị trường trung tâm dữ liệu châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng, được thúc đẩy bởi các sáng kiến của Chính phủ và nhu cầu tăng cao từ các nhà đầu tư nước ngoài. 

Đã có hơn 12 triệu lượt sử dụng VNeID để đăng nhập ứng dụng VssID - BHXH số

(VnMedia) - Từ ngày 1/7 tới, tài khoản định danh điện tử VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên môi trường điện tử. BHXH Việt Nam đã và đang tập trung nguồn lực để triển khai thống nhất tài khoản VNeID trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến...

VNPT tặng iPhone 15 cho khách hàng đăng ký dịch vụ qua oneSME

(VnMedia) - Khi khách hàng hoàn thành mua các sản phẩm có giá trị từ 100.000 VNĐ trở lên trên oneSME trong thời gian diễn ra chương trình ưu đãi sẽ nhận được một mã dự thưởng để tham gia chương trình bốc thăm may mắn…

Giá vàng thế giới bật tăng, vàng nhẫn tròn trơn tiếp tục giảm

(VnMedia) - Chốt phiên giao dịch rạng sáng nay (28/6), giá vàng giao ngay tại thị trường New York đã bất ngờ đảo chiều giảm tới hơn 28 USD/ounce. Trong nước, chiều qua, giá vàng nhẫn tròn trơn của Bảo Tín Minh Châu cũng để mất 100 nghìn đồng/lượng.