- Theo đại diện đến từ Cục Viễn thông, Bộ TT&TT, đặc điểm hạ tầng 5G là hạ tầng mở, có thể có nhiều doanh nghiệp cùng tham gia. Vì vậy, nếu có lỡ không trúng thầu 5G, cơ hội triển khai của doanh nghiệp vẫn có…
Theo ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Phòng công nghệ dịch vụ, Cục Viễn thông, Bộ TT&TT, 5G rất quan trọng, là hạ tầng mang tính kết nối các công nghệ số để triển khai hạ tầng số, bao gồm các phần cơ bản để đáp ứng nhu cầu kết nối công nghệ số. Hai nội dung cơ bản nhất của hạ tầng là accessibility và connectivity (tiếp cận và kết nối), liên thông đến tất cả lĩnh vực và tiếp cận, sử dụng hạ tầng công nghệ.
Hiện nay có nhiều điều kiện cấp phép 5G, chẳng hạn, điều kiện vốn đầu tư tuân theo Nghị định 25, điều kiện tiếp cận hạ tầng, vùng phủ sóng rộng trên toàn quốc, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ tương ứng cho bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ TT&TT ban hành liên quan đến IoT, truy nhập băng rộng 5G...
Tuy nhiên, hạ tầng 5G không như hạ tầng 3G, 4G. Doanh nghiệp 3G, 4G có thể tạo ra dịch vụ truy nhập Internet, thoại để người dùng sử dụng. Hạ tầng 5G thì tương đối khác, nó giống như hạ tầng mở có nhiều nhà phát triển để triển khai các ứng dụng trên hạ tầng đó. Nếu doanh nghiệp không trúng thầu, họ đều có cơ hội vì Luật Viễn thông lần đầu tiên có quy định về khái niệm bán buôn, buộc doanh nghiệp hạ tầng mở mạng cho sự phát triên của các ứng dụng, dịch vụ, sản phẩm số.
Ông Trần Tuấn Anh cho hay, đối với doanh nghiệp không trúng thầu, không nhất thiết phải có băng tần. Các doanh nghiệp có thể kết hợp với nhau, mỗi doanh nghiệp đóng góp một phần nào đó để tạo ra ứng dụng giúp ích cho phát triển kinh tế xã hội.
Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Phòng công nghệ dịch vụ, Cục Viễn thông, Bộ TT&TT chia sẻ thông tin tại tọa đàm |
Tại tọa đàm “Thương mại hóa 5G xây dựng hạ tầng số cho Việt Nam” do Câu lạc bộ Nhà báo CNTT Việt Nam tổ chức ngày 26/11, với câu hỏi, Bộ TT&TT đặt mục tiêu sẽ đấu thầu bằng tần 5G vào đầu năm 2024, nhà mạng chuẩn bị ra sao cho đấu giá tần số và triển khai 5G?, ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó Trưởng ban công nghệ Tập đoàn VNPT cho hay, việc triển khai 5G luôn là sự quan tâm hàng đầu của VNPT bởi đây là nội dung trọng yếu trong hành trình phát triển và chiến lược của Tập đoàn đến 2030-2035 với mục tiêu chuyển từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang nhà cung cấp dịch vụ giải pháp số.
“Nội dung này cũng đồng bộ cùng các sản phẩm và dịch vụ sau này VNPT sẽ cung ứng, liên quan đến cloud, IoT, AI, Machine Learning và Data. 5G là công nghệ để kết nối các năng lực công nghệ, sản phẩm. VNPT sẽ tham gia và đóng vai trò thúc đẩy quá trình CĐSQG, do đó việc triển khai 5G rất quan trọng và được VNPT rất quan tâm” - ông Nguyễn Quốc Khánh nói.
Ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó Trưởng ban công nghệ Tập đoàn VNPT phát biểu |
Năm 2024, thế giới đã đưa ra công nghệ 5.5G, khi đó, năng lực hạ tầng công nghệ và hạ tầng số đã được mở ra, các sản phẩm dịch vụ sẽ được hỗ trợ tốt hơn, hướng đến các mảng sản phẩm liên quan đến công nghiệp, đến IoT. Ở Việt Nam, theo đại diện của VNPT, việc triển khai 5G bắt đầu có hiệu quả khhi cân đối các yếu tố về thị trường, đầu tư phát triển.
Nói về quá trình chuẩn bị triển khai công nghệ 5G, đại diện đến từ Tập đoàn VNPT cho biết, VNPT đã triển khai thử nghiệm 5G từ sớm, với sự hiện diện ở gần 20 tỉnh, thành. Sóng 5G của VNPT đã xuất hiện ở các sự kiện, lễ hội, phục vụ cho du lịch. Song song đó, VNPT đã tập trung phát triển công nghệ hạ tầng và triển khai các dịch vụ, sản phẩm số… một cách có hiệu quả.
Trong thời gian tới, VNPT cũng sẽ kết hợp cùng các năng lực hạ tầng, các platform của Tập đoàn và hệ sinh thái đối tác để khách hàng cảm nhận sản phẩm, dịch vụ tốt nhất. Trước mắt, VNPT triển khai các dịch vụ B2C. Về thiết bị đầu cuối 5G, hiện khoảng 18% thiết bị của người dùng VNPT đã có 5G và sẽ tăng rất nhanh trong thời gian tới.
“Chúng tôi đã chuẩn bị các bài toán về hạ tầng, mạng core, chuyển tải, mạng lưới kinh doanh... và bố trí các điều kiện về hạ tầng để triển khai 5G nhanh nhất, có hiệu quả. Sắp tới khi có tần số, VNPT sẽ triển khai thêm hạ tầng vô tuyến” - đại diện VNPT cho hay.
Phạm Lê