- Sáng nay, 17/12 đã diễn ra buổi bảo vệ của 19 nhóm tác giả, tác giả có các sản phẩm, giải pháp lọt vào vòng chấm Chung khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023. Tại Hội đồng bảo vệ các sản phẩm Công nghệ số Triển vọng, các nhóm tác giả trình bày về sản phẩm, giải pháp của mình trước Hội đồng giám khảo của Chung khảo Nhân tài Đất Việt 2023.
Các thành viên Ban tổ chức, Ban Giám khảo trước buổi bảo vệ của các nhóm tác giả sản phẩm, giải pháp lọt vào Chung khảo Nhân tài Đất Việt 2023 |
Không khí buổi làm việc diễn ra vô cùng sôi nổi, nhưng cũng không kém phần căng thẳng và hồi hộp giữa các thành viên Hội đồng giám khảo và các nhóm tác giả để cùng “mổ xẻ” sâu vào bên trong các sản phẩm, giải pháp nhằm tìm ra những đại diện xuất sắc nhất, xứng đáng được vinh danh tại buổi trao giải xếp hạng Nhân tài Đất Việt năm nay.
Các thành viên Ban giám khảo của Hội đồng bảo vệ Công nghệ số Triển vọng |
Mở màn tại phòng bảo vệ Công nghệ số Triển vọng của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023 là nhóm tác giả của nền tảng Nomion. Xuất phát từ trăn trở về bài toán nâng tầm giá trị sản phẩm thuần Việt và hưởng ứng lời kêu gọi của Chính Phủ đóng góp kiến thiết nền kinh tế số, Phygital Labs nghiên cứu, phát triển giải pháp Nomion - Định Danh Số Vạn Vật.
Giải pháp Nomion ra đời với mục tiêu là Định danh số sản phẩm vật lý; Cung cấp giải pháp toàn diện (end-to-end) tiện dụng ngay cả cho người dùng nhỏ lẻ, phổ thông; Kết nối các dữ liệu đa nguồn, giúp phát triển thương hiệu Việt, sản phẩm Việt; Đẩy mạnh sự hình thành của tài sản số, khai thác tiềm năng nền kinh tế số.
Để triển khai giải pháp này người dung hoặc doanh nghiệp chỉ cần chuẩn bị hạ tầng gồm Phần cứng là Chip RFID định danh do Nomion cung cấp và Phần mềm đầu cuối dành cho doanh nghiệp tuỳ thuộc vào các gói sản phẩm và nhu cầu về các tính năng do Nomion cung cấp.
Giải pháp Nomion có thể ứng dụng đa dạng lĩnh vực ngành nghề khác nhau như Nông nghiệp; Thời trang; Sản phẩm sưu tầm (thủ công mỹ nghệ, tranh, ảnh); Sản phẩm mang giá trị văn hóa và sản phẩm mang tính di sản, bảo tồn; Giáo dục…
Sau khi nghe nhóm tác giả Nomion trình bày, Hội đồng giám khảo đặt câu hỏi rằng, nền tảng Nonion có gắn chip lên những phân khúc sản phẩm có giá trị, những sản phẩm hữu hình, vậy những sản phẩm phi vật thể thì sao? Nền tảng Nomion mới chỉ tập trung định danh cho những sản phẩm thủ công mỹ nghệ, các tài sản, các sản phẩm có giá trị bảo tồn trong bảo tàng như cổ vật Cung đình Huế, hay làng đá Non nước Đà Nẵng và các sản phẩm gốm sứ của làng nghề Bát Tràng…
Nhóm tác giả Nonion tiếp nhận câu hỏi về nền tảng này có gì khác biệt? Các giải pháp khác mới chỉ tập trung số hóa về mặt nội dung, trong khi Nomion không chỉ số hóa mà còn biến nó thành sản phẩm có giá trị, có yếu tố bảo mật, có yếu tố bảo vệ để sử dụng về lâu dài. Nền tảng Nomion mới bắt đầu triển khai từ tháng 10/2023 và mới có doanh thu hơn 1 tỷ đồng, hiện nhóm đang tập trung phát triển giải pháp, chưa tập trung kinh doanh mà mới chỉ tìm kiếm cơ hội hợp tác.
Là nhóm tác giả mở màn cho buổi bảo vệ, Nonion bị các thành viên Ban giám khảo “xoay” đến chóng mặt. Con chip trong nền tảng Nomion là đi mua hay tự chế? Được biết, con chip dùng công nghệ đối xứng và đang là linh kiện liên kết, nhóm vẫn đang nghiên cứu để tự chế ra một con chip đối xứng của mình.
Các thành viên Ban giám khảo vẫn còn rất nhiều trăn trở về nền tảng Nomion, khi nhiều giải pháp định danh đang có trên thị trường vẫn chưa giải quyết được vấn đề và việc gắn chip lên một sản phẩm vẫn chưa giải quyết được vấn đề. Nomion có phải là giải pháp độc quyền khi hợp tác với đối tác để định danh sản vật không?
Theo giới thiệu, WeShare là một nền tảng giúp cho mọi người đều có thể quyên góp dễ dàng, không mất phí, từ tiêu dùng hàng ngày của mình. Người dùng chỉ cần mở ứng dụng mua hàng từ 100 thương hiệu phổ biến nhất Việt Nam như Shopee, Tiki, Lazada,… từ WeShare và mua sắm như bình thường. Một phần giá trị đơn hàng sẽ được tự động quyên góp cho tổ chức, hoạt động xã hội mà người dùng đã chọn trước đó gồm Làng trẻ em SOS, VietSeeds…Hơn nữa, WeShare hoạt động trên tinh thần công khai minh bạch.
So với việc quyên góp bằng tiền, thì điều khác biệt đầu tiên của WeShare là người dùng quyên góp từ các đơn hàng thường ngày của họ, mà không phát sinh bất kỳ chi phí nào. Người dùng quyên góp thường xuyên theo đúng tần suất mua hàng của họ, do đó, đây là một cách gây quỹ lâu dài và bền vững.
Mô hình này đã kiểm chứng được giá trị của nó ở một vài nước khác trên thế giới. Có thể kể đến như: Easy Fundraising đã quyên góp được 49 triệu đô trong vòng 15 năm hay Giveasyoulive có được 20 triệu đô trong 10 năm, tính riêng ở Anh. Tính đến hiện tại, WeShare đã đạt 30,000 người dùng, quyên góp (bao gồm thông qua các đơn hàng và CSR) hơn 20,000 $, với 80,000 đơn hàng quyên góp, và mang lại doanh thu hơn 350,000 $ cho các đối tác kinh doanh. WeShare đặt mục tiêu đạt 0.3% thị phần vào năm 2024, tương ứng với 100,000 người dùng và 2% thị phần vào năm 2026, tương ứng với 500,000 người dùng.
Đánh chung của Ban giám khảo cho rằng, ý tưởng này rất hay, tính nhân văn cao và chưa có đối thủ, WeShare định hướng tương lai ra sao? Là giải pháp phục vụ hoạt động từ thiện vì cộng đồng, vậy tại sao còn kêu gọi vốn? Mô hình kinh doanh còn chưa rõ ràng? Theo nhóm tác giả WeShare, quyền lựa chọn gây quỹ là của người tiêu dùng, đồng tiền đó đi đến đâu, tổ chức nào nhận đều rõ ràng, cụ thể và rất minh bạch. Ban giám khảo vẫn nhấn mạnh WeShare cần tường minh hơn nữa, để người tiêu dùng không cảm thấy thiếu tin tưởng, bị lừa thông qua thương hiệu mà họ mà mua sắm và cần hợp tác với các đơn vị trung gian như các ngân hàng để kiểm soát tốt hơn dòng tiền do người tiêu dùng quyên góp.
Metric - Nền tảng số liệu E-commerce là nền tảng số liệu thương mại điện tử dành cho doanh nghiệp, thương hiệu và nhà bán, sản phẩm tạo ra báo cáo phân tích dữ liệu thị trường chỉ trong 30 giây, giúp việc thực thi và ra quyết định kinh doanh nhanh hơn 5 lần.
Theo nhóm tác giả Metric - Nền tảng phân tích số liệu E-commerce được hệ thống hóa để phục vụ và hướng tới những nhà bán hàng, doanh nghiệp, thương hiệu đang kinh doanh hoặc quan tâm tới thị trường Thương mại điện tử tại Việt Nam. Báo cáo phân tích đưa ra dữ liệu đầy đủ về doanh số, sản lượng bán, thị phần thương hiệu, phân khúc giá, top nhà bán, top sản phẩm bán chạy và có thể đi sâu vào dữ liệu phân tích chi tiết hơn nữa.
Bằng việc nắm giữ dữ liệu lớn của 5 sàn TMĐT lớn nhất gồm Shopee, TiktokShop, Lazada, Tiki, Sendo, bao phủ 95% doanh số sàn TMĐT tại Việt Nam, Metric cung cấp giải pháp cho mọi giai đoạn kinh doanh của doanh nghiệp. Có thể bắt đầu bằng nghiên cứu thị trường, hoạch định chiến lược lựa chọn sản phẩm, định vị phân khúc mục tiêu và định giá trong quá trình thâm nhập thị trường.
Tính đến năm 2023, Metric đã đồng hành cùng hơn 1000 thương hiệu và nhà bán kinh doanh trên các sàn TMĐT tại Việt Nam. Với hơn 350 triệu dữ liệu sản phẩm được cập nhật mỗi ngày cùng hơn 5 tỷ điểm dữ liệu lịch sử giá cập nhật, Metric sở hữu cơ sở dữ liệu lớn nhất thị trường, bao quát 5 sàn TMĐT lớn nhất tại Việt Nam cùng hơn 100 nghìn website Thương mại điện tử hoạt động tại Việt Nam.
Rất ấn tượng về kết quả đã đạt được và cách trình bày từ nhóm tác giả Metric, tuy nhiên tính tin cậy của dữ liệu vẫn là vấn đề mà Ban giám khảo băn khoăn. Metric khẳng định, giải pháp này không phải là đối thủ cạnh tranh của Google mà đi vào ngành hẹp, đó là thu thập dữ liệu hàng ngày và tập trung vào một số ngành hàng thương mại, cho thấy đây là phương pháp đơn giản và báo cáo ra doanh số hàng ngày. Ban giám khảo đánh giá đây là một ý tưởng rất hay, rất có tương lai và rất hào hứng với những bản demo mà nhóm tác giả Metric trình chiếu, nhưng Metric cũng cần phải có mô hình kinh doanh rõ ràng, đội ngũ tư vấn chất lượng, cần khắc phục các vấn đề về hệ thống thống kê, dữ liệu thống kê của thể bị làm giả, làm sai con số…
Ngày nay, văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận giả đang là một vấn nạn trong xã hội. Chỉ với chi phí không đáng kể, người có nhu cầu đều có thể sở hữu được một giấy tờ giả, được hứa hẹn là khó có thể phát hiện được. Quá trình xác thực bằng cấp thường diễn ra lâu dài, không thuận tiện, có thể tốn kém về chi phí khiến cho những giấy tờ giả này vẫn đang tồn tại trong xã hội. Để giải quyết vấn đề này, việc cung cấp cho người học thêm một chứng nhận số với thông tin xác thực, dễ dàng kiểm chứng là một đòi hỏi cấp thiết.
Theo đó, B4E là hệ thống tạo và xác thực các chứng nhận số dựa trên hai công nghệ, đó là ký số từ xa (remote signing) và chuỗi khối (blockchain). Hệ thống B4E cho phép các tổ chức số hoá quá trình cấp văn bằng, chứng chỉ, và chứng nhận giấy hiện nay, đồng thời tạo ra những chứng nhận số có tính an toàn, pháp lý cao dựa trên chữ ký điện tử của người ký và hoàn toàn minh bạch bởi việc áp dụng công nghệ chuỗi khối.
Đối với công nghệ chuỗi khối, B4E cần hỗ trợ nén toàn bộ đợt cấp chứng nhận vào một giao dịch duy nhất, để giảm chi phí thực hiện ghi dữ liệu. Bên cạnh đó, giải pháp hỗ trợ cho nhiều loại mạng chuỗi khối khác nhau, nhằm tăng sự lựa chọn cho người dùng.
Các thành viên Ban giám khảo mong muốn được xem bản demo chứng nhận của nhóm tác giả B4E. Việc dùng công nghệ chuỗi khối (blockchain) để quản lý văn bằng đã được triển khai nhiều nước ngoài, Ban giám khảo cho rằng, hệ thống B4E không đặc sắc về mặt công nghệ, nhiều nơi đã triển khai giải pháp này, hệ thống mới dừng lại ở xác nhận các văn bằng, chứng nhận ở trong phạm vi ĐH Bách Khoa Hà Nội, vấn đề hồi tố chưa giải quyết được, chưa kể có những văn bằng ở nhiều nơi khác trên thế giới thì chứng nhận thế nào? Nhóm B4E khẳng định, đã làm chủ công nghệ về chữ ký số từ xa khi hợp tác với những đối tác có tên tuổi như Tập đoàn VNPT, mọi khâu công khai và ứng dụng công nghệ blockchain. Nhóm cũng đã dày công nghiên cứu hệ thống và chứng minh trước Ban giám hiệu ĐH Bách Khoa về tính khả thi của hệ thống từ năm 2021. Hệ thống B4E có thể chuyển giao cho bên khác vận hành hệ thống sau này.
Theo Ban giám khảo nhận xét, Hệ thống của B4E chỉ phù hợp trong lĩnh vực giáo dục, quy trình thực hiện chưa tốt, cần phải có phương án kinh doanh rõ ràng, đủ tốt để có thể tồn tại và có chỗ đứng trên thị trường.
Kết thúc buổi bảo vệ buổi sáng là nhóm tác giả Phần mềm quản lý phòng khám và bác sĩ gia đình - VNPT Home & Clinic.
Với việc xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng tăng cao, đặc biệt khi Việt Nam đang chuyển từ cơ cấu dân số vàng sang giai đoạn già hóa trong 10 năm tới và những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính ngày càng gia tăng. Nhu cầu tăng cao trong khi thực tế hiện nay cho thấy hệ thống Y tế thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải, thiếu tính minh bạch, thiếu chính xác…Trong bối cảnh như vậy, hệ thống Y tế đứng trước áp lực phải đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin, số hoá quy trình quản lý, khám chữa bệnh để có thể hoạt động hiệu quả hơn, tiết kiệm nhân lực, thời gian và chi phí, từ đó phục vụ tốt hơn cho bệnh nhân đồng thời cũng trợ giúp đắc lực cho các nhân viên Y tế vốn đang phải căng sức vì tình trạng nhân lực mỏng.
VNPT Home & Clinic ra đời đáp ứng xu thế và nhu cầu cấp thiết của ngành y tế. Đây là giải pháp hỗ trợ toàn diện cho các phòng khám trong việc quản lý tiếp nhận, khám chữa bệnh, dược, viện phí, doanh thu.
Phần mềm VNPT Home & Clinic có một số chức năng chính bao gồm: Quản lý nhân viên trong phòng khám và thông tin của bệnh nhân; Tích hợp danh sách bệnh nhân, hỗ trợ kiểm tra thẻ bảo hiểm và in phiếu khám bệnh; Hỗ trợ việc khám chữa bệnh trong phòng khám; Quản lý tài sản và cơ sở vật chất của phòng khám; Tích hợp tính năng chatbot và đặt lịch hẹn khám trực tuyến; Tự động lưu trữ và cập nhật dữ liệu bệnh nhân…
Được xây dựng bởi những kỹ sư giàu kinh nghiệm và ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay như kiến trúc MicroService, Mix-tenant…, VNPT Home & Clinic đang trở thành công cụ hữu hiệu và toàn diện nhất cho các cơ sở y tế trong quản lý quy trình khám chữa bệnh. VNPT Home & Clinic đã có giai đoạn phát triển đột phá khi mở rộng thêm 600 khách hàng mới chỉ trong vòng 5 tháng. Để có được thành công bước đầu này, phần mềm của VNPT sở hữu nhiều điểm mạnh về công nghệ, tính đổi mới, sáng tạo và đặc biệt được kết hợp với những thế mạnh của VNPT về các dịch vụ giá trị gia tăng, giúp đem lại lợi ích cho cả các cơ sở y tế lẫn bệnh nhân.
Sau khi xem bản demo của nhóm tác giả Phần mềm VNPT Home & Clinic, Ban giám khảo mổ xẻ rất nhiều vấn đề bên trong giải pháp này và rất băn khoăn về quy mô của triển khai của phần mền như các phòng khám lớn nhỏ hay các bệnh viện? Phần mềm này có phân quyền giữa các người dùng không? Mọi thông tin có liên thông về thông tin giữa các phòng khám và các bệnh viện không? Do mới chỉ là công cụ cung cấp cho các phòng khám theo mô hình bệnh viện thu nhỏ, nếu người bệnh đồng ý chia sẻ thông tin về khám chữa bệnh của mình thì Phần mềm cũng có công cụ hỗ trợ như ứng dụng vnCare. Người dùng phần mềm được phân quyền sử dụng dữ liệu ở trong phạm vi của mình.
Theo nhóm tác giả VNPT Home & Clinic, trên thị trường có rất nhiều doanh nghiệp triển khai phần mềm về Y tế, nhưng mới chỉ dừng lại ở việc quản lý bác sỹ kê đơn thuốc chứ chưa phải là phần mềm quản lý toàn bộ các hoạt động của một phòng khám từ khám chữa bệnh, quản lý hồ sơ bệnh nhân và quản lý kê đơn thuốc của các bác sỹ như như VNPT Home & Clinic. Phần mềm VNPT Home & Clinic hướng tới sẽ phát triển dành cho nhóm bác sỹ gia đình dành cho nhóm bệnh nhân có bệnh lây nhiễm và có thể điều trị tại nhà.
Việt Hà