- Ủy ban Thương mại Công bằng (FTC) Nhật Bản được cho là đang nghiên cứu quy định mới khiến Apple bắt buộc phải cho phép người dùng tải sideload trên iOS.
Sideload là thuật ngữ mà giới chuyên môn đã dùng bây lâu này nhằm miêu tả quá trình tải xuống và cài đặt ứng dụng từ các nguồn không chính thức, không phải từ các cửa hàng ứng dụng App Store. Nhiều người dùng iPhone đã sử dụng tính năng này để cài đặt các ứng dụng mà Apple không chấp nhận trên App Store.
Theo lý giải của Apple, việc ngăn chặn sideload là để bảo vệ người dùng khỏi các ứng dụng không an toàn và đảm bảo tính bảo mật của hệ thống. Tuy nhiên, động thái này cũng có thể là một cách để Apple kiểm soát thị trường ứng dụng và thu phí từ các nhà phát triển.
Apple từ lâu đã không cho phép sideload trên iOS kể từ khi nền tảng này ra đời vào năm 2007, nhưng điều này ngày càng trở nên bất hợp lý và gặp phải không ít phản đối từ người dùng, các nhà phát triển ứng dụng cũng như nhiều quốc gia khác nhau
Đầu tiên, Liên minh châu Âu (EU) ra phán quyết rằng, Apple có thời hạn đến tháng 3/2024 để cho phép người dùng tải ứng dụng trên iPhone của họ. Như đã đề cập ở trên, Sideload về cơ bản có nghĩa là bạn có thể tải xuống và cài đặt ứng dụng từ những nơi khác ngoài App Store của Apple, chẳng hạn như cửa hàng ứng dụng của bên thứ ba hoặc từ web. Một số mã nhất định được tìm thấy trong phiên bản thử nghiệm iOS 17 beta có vẻ như là bằng chứng cho thấy Apple đang nghiên cứu việc cho phép người dùng tải ứng dụng từ bên ngoài.
Tuy nhiên, từ những mã được tìm thấy trên iOS 17 beta có vẻ như Apple đang chuẩn bị mở quyền tải ứng dụng từ bên ngoài cho từng khu vực địa lý khác nhau, có nghĩa là hãng công nghệ đến từ Cupertino sẽ chỉ kích hoạt tính năng sideload ở những thị trường mà bắt buộc phải làm điều đó. Từ trước đến nay, chúng ta mới chỉ biết đến việc có các nước ở EU kêu gọi Apple phải mở tính năng sideload, nhưng một báo cáo mới từ Nikkei Asia cho biết, FTC của Nhật Bản cũng đang chuẩn bị một đạo luật tương tự.
Bộ quy tắc mới do cơ quan quản lý của Nhật Bản chuẩn bị thực sự bao gồm một số lĩnh vực, như cửa hàng ứng dụng, hệ thống thanh toán và công cụ tìm kiếm. Cùng với việc cho phép người dùng cài đặt ứng dụng trên iPhone của họ từ bất cứ nơi nào họ muốn, người ta cũng kỳ vọng rằng hệ thống thanh toán của bên thứ ba sẽ phải được cho phép, nghĩa là việc Apple cắt giảm doanh số bán hàng và mua hàng trong ứng dụng có thể sẽ giảm đi.
Tất cả các quy định này sẽ có hiệu lực đối với cả Apple và Google, mặc dù Google có truyền thống cho phép người dùng tải ứng dụng từ bên ngoài nhưng doanh thu mua hàng trong ứng dụng của họ cũng có thể bị ảnh hưởng.
Sideload cực kỳ dễ thực hiện trên tất cả các nền tảng chính khác như Windows, MacOS và Android. Tuy nhiên, iOS ngay từ đầu đã được hình thành như một nền tảng tích hợp rất chặt chẽ, điều này cho phép Apple xây dựng một nền kinh tế ứng dụng cực kỳ phong phú và sinh lợi.
Và mặc dù thời kỳ tận thu độc quyền đó có thể sắp kết thúc, nhưng điều này chắc chắn cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến hoạt động kinh doanh của Apple. Theo một cách nào đó, đây chỉ là bước hợp lý tiếp theo trong quá trình phát triển của iOS, hệ điều hành ngày càng trở nên cởi mở hơn theo thời gian. Chắc chắn, Apple đã cố gắng kiểm soát tốc độ mở cửa này nhiều nhất có thể, nhưng ngay cả khi những quy định mới này của EU và có khả năng tiếp theo là Nhật Bản có thể là “một liều thuốc đắng” cho gã khổng lồ công nghệ có trụ sở tại Cupertino, Hoa Kỳ, thì CEO Tim Cook và “nhà Táo” sẽ vẫn cố gắng tìm ra cơ hội nào đó và sử dụng thời điểm này như một cơ hội để nâng cao hơn nữa trải nghiệm của người dùng.
Nếu không, người dùng sẽ có thể tải ứng dụng của họ từ bất cứ nơi nào họ muốn và có khả năng trả tiền mua hàng cho những ứng dụng rẻ hơn, theo quan điểm của các chuyên gia, đây vẫn là một chiến thắng. Điều vẫn còn phải xem liệu tại một thời điểm nào đó, các cơ quan quản lý của Hoa Kỳ có thực hiện hành động tương tự hay không.
Hoàng Thanh