Nhiều nhân viên tại Thung lũng Silicon đang âm thầm làm 3 thậm chí 4 công việc cùng lúc mà công ty không hề hay biết.
Đầu đại dịch, Bryan Roque đã mất việc làm kỹ sư phần mềm tại Amazon. Một phần trong anh cảm thấy nhẹ nhõm. Anh ấy đã làm việc cật lực suốt nhiều tháng trời và cảm thấy hoàn toàn kiệt sức. Nhưng thời điểm thật khó khăn: Công ty đã đẩy anh vào thị trường việc làm tồi tệ nhất kể từ cuộc đại suy thoái.
Roque gọi điện cho bố mẹ để báo tin dữ, sau đó thu dọn căn hộ của mình và chuyển về sống cùng họ. Cuối cùng, anh đã tìm được một công việc mới, một vị trí hoàn toàn xa lạ ở IBM, nhưng nỗi lo lắng vẫn đeo bám anh. “Tôi có cảm giác như mình không thể kiểm soát được.Tôi không thích việc mình phải chịu sự điều động của một công ty có quyền quyết định liệu tôi có được tuyển dụng hay không”, anh chia sẻ.
Vì vậy, chưa đầy một năm làm việc tại IBM, khi một nhà tuyển dụng từ Meta gọi đến, Roque đã nảy ra một suy nghĩ. Thông thường anh sẽ bỏ công việc cũ và nhận chức vụ mới. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu anh vẫn giữ công việc cũ và bí mật đảm nhận công việc mới? Tất cả những gì anh phải làm thực hiện công việc một cách chăm chỉ hơn và anh có thể tăng gấp đôi thu nhập cũng như sự đảm bảo về công việc của mình.
Khi Bryan Roque nghiền ngẫm ý tưởng đó, anh phát hiện ra rằng mình không đơn độc. Một cộng đồng các chuyên gia trực tuyến đang trao đổi mẹo về cách tung hứng công việc một cách ranh mãnh đã thu hút sự chú ý của anh. Họ tự gọi mình là những người "làm việc quá mức", Isaac, người thành lập blog Overemployed vào năm 2021, đã liên tục chia sẻ bí mật của mình đối với các thành viên. Ngày nay, cộng đồng của anh có khoảng 300.000 thành viên trên Discord và Reddit, nơi họ ăn mừng thành công, chia sẻ những thất bại và trao đổi những phương pháp để vượt mặt sếp.
Ảnh: Business Insider |
Roque quyết định tham gia cùng họ. Sau khi nhận lời đề nghị từ Meta và Tinder, anh thảo luận để có mức lương cao hơn, sau đó chấp nhận cả hai công việc, trong khi vẫn giữ hợp đồng làm việc tại IBM. Trong khoảng 15 tháng, từ việc thất nghiệp, anh giờ đây đột nhiên có ba công việc và đang kiếm được hơn 820.000 USD mỗi năm.
Việc làm nhiều công việc từ lâu đã là một phương pháp hữu hiệu đối với những người lao động thu nhập thấp. Tuy nhiên, từ khi đại dịch xảy ra, xu hướng này đã gia tăng đối với những chuyên gia như Roque, sử dụng quyền làm việc từ xa để bí mật nhận nhiều công việc hơn, gấp bội mức lương mà không phải làm việc nhiều hơn so với chuẩn 40 giờ một tuần. "Đó không chỉ là điều cấm kỵ về mặt văn hóa doanh nghiệp và đối mặt nguy cơ sa thải, nhưng nhiều người vẫn chấp nhận rủi ro", Isaac nói. Để hiểu rõ hơn về phương pháp và động cơ của họ, trang tin Business Insider đã dành vài tuần để trò chuyện trực tuyến với những người đang "làm việc quá mức".
Những người làm nhiều việc toàn thời gian cùng lúc thường xếp hạng theo thứ tự ưu tiên. J1 là công việc có độ ưu tiên cao nhất, được làm trước tiên, sau đó đến J2, J3. Họ cũng không cập nhật hồ sơ LinkedIn hay bàn luận về công việc. "Họ sẽ không nói cho ai biết họ đang làm gì trừ vợ/chồng, hoặc tỏ ra ngạc nhiên khi ai đó nhắc đến một người làm việc nhiều nơi", Isaac nói.
Khi J2, J3 có khối lượng công việc lớn hơn thông thường, các Overemployed thường xin nghỉ phép hoặc nghỉ đột xuất ở J1 để giải quyết. "Họ cố gắng hoàn thành mọi việc tốt nhất có thể. Trong cộng đồng này, cách tốt nhất để sếp không biết mình làm gì là đừng để cho họ có lý do để nghi ngờ", Isaac tiếp tục.
George, một kỹ sư phần mềm từng đảm nhiệm bốn việc cùng một lúc, cho biết: "Lý do khiến mọi người bị phát hiện là vì họ lười biếng. Tôi chưa bao giờ bị bắt vì bản thân thực sự siêng năng".
Bên cạnh sự chăm chỉ và biết cách "lách" quy định, hầu hết Overemployed là người tài giỏi. Allison, có 16 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực của mình và kiêm nhiệm hai công việc, nói cô "đang ở đỉnh cao nghề nghiệp. Khi nộp đơn xin công việc thứ hai, tôi đã chắc chắn nó phù hợp với kỹ năng hiện có của mình", Allison cho hay.
Những người khác lại kiêm nhiệm việc mới khi công việc hiện tại quá nhàn hạ. "Tôi cảm thấy mình có nhiều thời gian và nghĩ mình có thể sử dụng thời gian đó hiệu quả hơn là chỉ xem video trên YouTube", Cole, một kỹ sư phần mềm, cho biết anh tìm đến J2 vì J1 chỉ cần vài tiếng mỗi tuần để hoàn thành.
Theo Matthew Berman, luật sư chuyên giải quyết vấn đề nhân sự, hầu hết công ty phát hiện nhân viên làm việc bên ngoài đều không khởi kiện hay phạt họ. Dù vậy, dành quá nhiều thời gian cho công việc có thể khiến hạnh phúc gia đình gặp trục trặc. Trên một kênh Discord dành cho Overemployed có hơn 100.000 thành viên, câu hỏi thường xuất hiện là: "Sự quan tâm của bạn dành cho bạn đời thế nào?".
Mối lo ngại lớn hơn hiện nay là hầu hết công ty bắt đầu yêu cầu nhân viên quay lại văn phòng. Roque buộc phải đến trụ sở Meta 2-3 ngày một tuần. Không ít lần, anh ngồi ở văn phòng Meta, kết nối wifi trong tòa nhà để họp với Tinder và IBM. Một lần, phía Tinder nhận ra vấn đề và chất vấn, buộc Roque tìm cách nói dối.
Dù có nhiều mối lo, nguồn thu nhập lớn là lý do Overemployed vẫn chạy theo nhiều công việc. Bên cạnh Roque có thu nhập 800.000 USD mỗi năm, Isaac là 600.000 USD hay Cole là 500.000 USD, một số người khác chia sẻ trên nhóm kín rằng họ có thể kiếm một triệu USD cho 5 công việc, thậm chí tới hai triệu USD cho 9 công việc cùng lúc. Tuy nhiên, điểm chung của họ là không bao giờ nói quá nhiều đến công việc của mình với mọi người.
Điều kỳ lạ là những thành viên này lại thường không khoe khoang về cách họ tiêu tiền. Nếu trụ cột đầu tiên của Overemployed luôn bí mật về các khoản chi tiêu thì người đứng thứ 2 lại luôn tiết kiệm. Nhiều người trong cộng đồng trở thành tín đồ của phong trào được gọi là FIRE, viết tắt của Độc lập tài chính, Nghỉ hưu sớm. George, ở độ tuổi 20, chia sẻ rằng anh ấy sắp nghỉ hưu ở tuổi 35. Những người làm việc quá mức ưu tiên trả nợ thẻ tín dụng, các khoản vay sinh viên và các khoản thế chấp. Khi những người mới đăng câu chuyện thành công của họ, những người kỳ cựu cũng đưa ra những cảnh báo về cái mà họ gọi là lối sống lệch lạc. "Nếu bạn thổi phồng lối sống của mình, bạn sẽ mất điều đó", một bình luận từ bài viết.
Một CEO công nghệ cho biết không khó nhận ra Overemployed. Tuy nhiên, dựa trên năng suất, họ cảm thấy không có lý do gì để đuổi việc một người đang làm tốt những gì được giao.
"Tôi đã được đánh giá xuất sắc ở cả hai công việc", Allison cho hay. Dù vậy, cô đối mặt với vấn đề nan giải khi quản lý trực tiếp ngày càng giao nhiều việc. Cô đòi tăng lương nhưng bị từ chối, nên quyết định nghỉ và chuyên tâm cho một nơi, dù nơi cũ sau đó đề nghị mức lương cao gấp đôi.
Theo McKinsey & Company, tính đến tháng 9, một công ty điển hình tại Mỹ có khoảng 5% nhân viên làm hai công việc cùng lúc. Còn theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, tính đến hết tháng 10, 412.000 người Mỹ đang làm hai việc toàn thời gian cùng một lúc, tăng 105.000 so với năm 2019.
Dẫu vậy, Business Insider nhận định các ông chủ trên thế giới đang bị Overemployed đe dọa vì một lý do sâu xa hơn - một lý do vượt xa những con số. Có điều gì đó cực đoan xảy ra với tâm lý của người lao động khi họ làm quá nhiều công việc. Nếu công ty của luôn giúp đỡ các Overemployed, thật khó để không rơi vào tâm lý văn hóa hối hả trong công việc, làm bất cứ điều gì cần thiết để làm hài lòng sếp. Isaac, blogger của OE, chia sẻ rằng sự phụ thuộc đó là "một sức nặng tinh thần lớn mà tôi nghĩ rất nhiều người đang phải đối mặt".
Allison gần đây đã phải đối mặt với một vấn đề nan giải như vậy. Sếp mới của cô tại J1 liên tục giao ngày càng nhiều công việc cho cô, cho đến khi cô nhận ra mình đang điều hành cả một nhóm nhân viên. Tất cả những gì cô ấy muốn là được thăng chức và có thể được tăng lương thêm 10.000 USD để đền bù cho những trách nhiệm mà cô buộc phải đảm nhận. Nhưng người chủ của cô đã từ chối. Trước đây, cô ấy sẽ phải chịu đựng, phụ thuộc vào công việc để nuôi sống bản thân và gia đình. Nhưng lần này cô ấy có sự hỗ trợ của một J2 tuyệt vời, giúp cô có thể tự do bước đi.
Cô nói: “Đây là một điều phổ biến trong sự nghiệp của tôi. Tôi sẽ được thông báo, 'Này, chúng tôi sẽ chuẩn bị cho bạn thăng chức' và rồi điều gì đó sẽ xảy ra và việc thăng chức đó sẽ không thành công. Tôi nhận ra rằng nếu tôi muốn cải thiện tình hình tài chính của gia đình mình, tôi sẽ phải thực hiện một chiến thuật khác và đây là điều tôi đã chọn”. Allison đã hứa với chồng rằng cô sẽ thoải mái trong vài tháng với J2, hiện là J1 của cô ấy. Nhưng sự thật là Allison đã bắt đầu xem qua các tin tuyển dụng trên LinkedIn và Indeed và cô sẽ bắt đầu nộp đơn xin việc vào năm tới.
theo viettimes.vn
https://viettimes.vn/xu-huong-chan-trong-chan-ngoai-tai-thung-lung-silicon-post171582.html