- Nghị quyết số 175/NQ-CP ngày 30/10/2023 phê duyệt Đề án Trung tâm dữ liệu (TTDL) quốc gia vừa được Chính phủ ban hành. TTDL quốc gia hoạt động sẽ là tiền đề để thúc đẩy quá trình phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Đề án TTDL quốc gia, TTDL quốc gia là TTDL do Chính phủ xây dựng, quản lý, khai thác và vận hành; tích hợp, đồng bộ, lưu trữ, chia sẻ, phân tích, khai thác, điều phối dữ liệu của các cơ quan Nhà nước theo quy định của pháp luật nhằm hình thành kho dữ liệu về con người và kho dữ liệu tổng hợp từ các CSDL quốc gia (CSDLQG).
Dữ liệu tại TTDL quốc gia là nền tảng cốt lõi cung cấp các dịch vụ liên quan đến dữ liệu, hỗ trợ hoạch định chính sách, kiến tạo phát triển, xây dựng Chính phủ số, xã hội số và kinh tế số, bảo đảm quốc phòng an ninh. Đồng thời, cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) cho các tổ chức chính trị - xã hội, hệ thống CSDLQG và các cơ quan có nhu cầu sử dụng để khai thác, vận hành, nâng cao hiệu quả, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.
Vai trò của TTDL quốc gia là tích hợp, đồng bộ, lưu trữ, khai thác, chia sẻ, phân tích và điều phối tất cả các dữ liệu tổng hợp từ các CSDL quốc gia, dữ liệu liên quan đến con người (bao gồm người có quốc tịch Việt Nam và người có liên quan đến hoạt động KT-XH tại Việt Nam) theo quy định của pháp luật để tạo dựng kho dữ liệu về con người; dữ liệu liên quan đến con người gồm các thông tin đã được số hóa có nội dung gắn với con người như: dữ liệu dân cư, bảo hiểm, y tế và an sinh xã hội, giáo dục và đào tạo, cán bộ công chức, viên chức, căn cước, hộ tịch, hoạt động tài chính, và các hoạt động khác từ các CSDLQG, CSDL của các bộ, ngành, địa phương và các CSDL khác.
TTDL quốc gia sử dụng các dữ liệu đã được thu thập, đồng bộ để thực hiện đơn giản hóa các thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện sự phục vụ của cơ quan Nhà nước cho người dân, doanh nghiệp (DN). Đồng thời, tiến hành phân tích chuyên sâu nhằm hỗ trợ Chính phủ trong công tác quản lý Nhà nước; đưa ra các chính sách an sinh liên quan đến bảo hiểm, y tế, giáo dục,... góp phần thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ cho xã hội.
Tiền đề thúc đẩy quá trình phát triển CSDLQG phục vụ phát triển KT-XH
Theo Đề án, Chính phủ đặt ra 4 mục tiêu tổng quát bao gồm: phát triển TTDL quốc gia; phát triển dữ liệu quốc gia; phát triển Chính phủ số và cải cách, cắt giảm TTHC; và phát triển KT-XH.
Cụ thể, đối với việc phát triển TTDL quốc gia, đề án nêu rõ, TTDL quốc gia khi đưa vào hoạt động sẽ là tiền đề thúc đẩy quá trình phát triển và đẩy mạnh khai thác các CSDLQG phục vụ phát triển KT-XH; góp phần thực hiện mục tiêu nâng tầm chiến lược phát triển kinh tế số của Việt Nam theo kịp các quốc gia trên thế giới, bảo đảm điều kiện cho Việt Nam phát triển và hòa nhập với nền kinh tế số của thế giới.
Về dữ liệu quốc gia, đề án đặt mục tiêu phát triển kho dữ liệu tổng hợp với dữ liệu gắn với con người và các dữ liệu tổng hợp từ các CSDLQG sẽ là trụ cột dữ liệu chính để tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ số, thúc đẩy kinh tế số và hình thành xã hội số; Hình thành các hệ thống dữ liệu tin cậy, ổn định của Nhà nước và DN từ đó triển khai các giải pháp kết nối để chia sẻ, sử dụng lại và phát triển các mô hình/ứng dụng phân tích dữ liệu chuyên sâu để tạo ra nhiều giá trị mới, sản phẩm dịch vụ mới và động lực mới cho phát triển KT-XH trong giai đoạn chuyển đổi số của Việt Nam.
Đối với mục tiêu phát triển Chính phủ số và cải cách, cắt TTHC, Trung tâm cung cấp hạ tầng phục vụ xây dựng các CSDLQG và hình thành kho thông tin định danh số cho công dân, tổ chức trong thực hiện các TTHC, kết hợp cùng với việc tích hợp đồng bộ, liên thông giữa các CSDLQG khác sẽ giúp phát triển Chính phủ số và cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC không còn phù hợp, gia tăng sự hài lòng của người dân với hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước; Hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành, hoạch định chính sách của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trên nền tảng dữ liệu số.
Mục tiêu cuối cùng là phát triển KT-XH. TTDL quốc gia thúc đẩy các giao dịch thương mại trên môi trường số được thường xuyên, liên tục, an toàn và minh bạch hơn. Đồng thời. hình thành và từng bước mở rộng kho dữ liệu về con người để người dân, DN khai thác, sử dụng phục vụ sáng tạo, triển khai các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh mới góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số và xây dựng xã hội số.
Bên cạnh những mục tiêu tổng quát, Chính phủ cũng chỉ rõ các mục tiêu cụ thể mà TTDL quốc gia cần đạt được về dữ liệu; quy hoạch kiến trúc dữ liệu; phân tích và khai thác dữ liệu; hạ tầng, thiết bị CNTT; cải cách, cắt giảm TTHC; phát triển chính phủ điện tử; phát triển KT-XH.
Trong đó, về dữ liệu, Đề án đưa ra mục tiêu đến hết năm 2025, hoàn thành cơ bản xây dựng và đưa vào khai thác kho dữ liệu tổng hợp được đồng bộ từ các CSDLQG và phối hợp khai thác với kho dữ liệu về con người; từ năm 2026, triển khai thực hiện việc phân tích dữ liệu chuyên sâu hỗ trợ công tác xây dựng cơ chế chính sách, quy hoạch chiến lược phát triển quốc gia; đồng thời tạo điều kiện phát triển nhiều sản phẩm, dịch vụ mới trên nền các dữ liệu số được khai thác từ các kho dữ liệu dùng chung và kho dữ liệu mở, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH.
Từ năm 2025, đưa TTDL quốc gia đóng vai trò là nơi để trao đổi, kết nối quốc tế nhằm chia sẻ thông tin, nghiên cứu phát triển các chiến lược phát triển và đặt nền tảng nghiên cứu, hỗ trợ khai thác, phát triển nền tảng khoa học công nghệ đất nước.
Đến 2030, hoàn thành việc triển khai TTDL quốc gia là nơi lưu trữ dữ liệu, hệ thống thông tin của các CSDLQG, kết nối liên thông dữ liệu với các CSDL chuyên ngành, các hệ thống thông tin trong nước và tổ chức Chính phủ các nước để phục vụ các hoạt động trên môi trường số bảo đảm lợi ích hợp pháp của Việt Nam.
Đến năm 2030, hoàn thành việc triển khai các quy hoạch, tiêu chuẩn, kiến trúc dữ liệu tại TTDL quốc gia cũng như CSDL của bộ, ngành, địa phương…
Nỗ lực của VNPT trong công cuộc xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia
Là Tập đoàn Viễn thông - CNTT hàng đầu, đồng hành cùng chuyển đổi số Quốc gia, Tập đoàn VNPT định hướng trở thành một digital hub của châu Á với hệ sinh thái các giải pháp hạ tầng số đáp ứng đầy đủ hành lang pháp lý Việt Nam cũng như các tiêu chuẩn quốc tế. Để hiện thực hóa tham vọng này, VNPT đã đầu tư, xây dựng hệ thống trung tâm dữ liệu phủ rộng khắp ba miền, đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng các nhu cầu chuyển đổi số của khách hàng tổ chức chính phủ, doanh nghiệp trong nước.
VNPT IDC Hòa Lạc là Trung tâm dữ liệu lớn nhất và hiện đại nhất tại Việt Nam |
Ngày 25/10/2023 vừa qua, Tập đoàn VNPT chính thức khai trương Trung tâm dữ liệu thứ 8 tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Đây là trung tâm dữ liệu có quy mô lớn nhất tại Việt Nam, được VNPT đầu tư các công nghệ hiện đại nhất, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế. VNPT IDC Hòa Lạc sẽ là lựa chọn an toàn bậc nhất cho dữ liệu của các thương hiệu quốc tế, tập đoàn kinh tế lớn, các tổ chức, doanh nghiệp trên hành trình chuyển đổi số.
Theo ông Huỳnh Quang Liêm - Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT, cùng với IDC Hòa Lạc, hiện VNPT đang sở hữu 8 trung tâm dữ liệu hiện diện tại các tỉnh, thành phố lớn gồm Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM. Tất cả các Trung tâm này đều đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn khắt khe trong nước và quốc tế. Trong đó IDC Hòa Lạc là lớn nhất và hiện đại nhất tại Việt Nam, có khả năng cung cấp các dịch vụ dữ liệu cao cấp nhất Việt Nam, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu mang tính “may đo” của mọi phân khúc khách hàng trong nước và quốc tế.
Dự kiến trong thời gian tới, Tập đoàn VNPT sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội hợp tác với đối tác và nhà đầu tư để xây dựng thêm các trung tâm dữ liệu mới tầm cỡ khu vực và thế giới, sử dụng công nghệ xanh và bền vững. Điều này khẳng định vai trò của VNPT trong việc đồng hành cùng chính phủ và doanh nghiệp trong việc hiện thực hoá khát vọng chuyển đổi số quốc gia, hướng tới mục tiêu trở thành Digital Hub của khu vực.
Phạm Lê