- Mới đây, chính phủ Nepal cho biết sẽ cấm TikTok vì lo ngại tác động tiêu cực đến sự hòa hợp xã hội của đất nước.
Theo Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Công nghệ thông tin Nepal Rekha Sharma, quyết định cấm TikTok được chính phủ Nepal đưa ra hôm nay với lý do nền tảng này thường xuyên chia sẻ nội dung “gây rối loạn sự hòa hợp xã hội và phá vỡ cấu trúc gia đình cũng như các mối quan hệ xã hội”.
Nền tảng chia sẻ video phổ biến với khoảng một tỷ người dùng hàng tháng này đã phải đối mặt với những hạn chế ở nhiều quốc gia vì bị cáo buộc vi phạm các quy tắc dữ liệu cũng như tác động có hại tiềm ẩn đối với giới trẻ.
Quyết định này của Nepal cũng gây ra những ý kiến trái chiều ngay trong chính các cơ quan liên quan của chính phủ. Thậm chí, ông Gagan Thapa, lãnh đạo Đảng Quốc đại Nepal cho biết, “quy định là cần thiết để ngăn cản những người lạm dụng mạng xã hội để làm ra những hành động sai trái, nhưng việc đóng cửa mạng xã hội dưới danh nghĩa quy định lại là một sai lầm”.
Quyết định này được đưa ra vài ngày sau khi Nepal đưa ra chỉ thị yêu cầu các nền tảng truyền thông xã hội hoạt động ở nước này phải thành lập văn phòng.
Theo số liệu thống kế của We Are Social, TikTok là nền tảng xã hội được sử dụng nhiều thứ sáu trên thế giới. Hiện nhiều quốc gia đã tìm cách thắt chặt kiểm soát phương tiện truyền thông xã hội do tác động tiềm tàng của chúng đối với trẻ em.
Chủ sở hữu của TikTok là ByteDance đến từ Trung Quốc, nhưng công ty bác bỏ những lời chỉ trích cáo buộc nó nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của chính quyền Bắc Kinh. Mặc dù ra đời sau so với bộ ba thống trị lâu dài của Meta là Facebook, WhatsApp và Instagram, nhưng tốc độ tăng trưởng của nó trong giới trẻ vượt xa các đối thủ cạnh tranh.
P.V