Tổng cục thuế (DJP) thuộc Bộ Tài chính Indonesia cho biết đã thu 15.680 tỷ rupiah (1 tỷ USD) thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 161 công ty thương mại điện tử tính đến hết tháng 10/2023.
Người phát ngôn DJP, bà Dwi Astuti cho biết, con số trên được tích lũy từ năm 2020 đến năm 2023, trong đó 731,4 tỷ rupiah vào năm 2020, 3.900 tỷ rupiah năm 2021, 5.510 tỷ rupiah năm 2022, và 5.540 tỷ rupiah trong 10 tháng của năm 2023.
Trong một tuyên bố bằng văn bản, bà Dwi cho biết, tính đến hết tháng 10/2023, Indonesia có 161 công ty thương mại điện tử được chỉ định thu hộ thuế VAT, tương đương với tháng trước do không có thêm doanh nghiệp được bổ sung vào danh sách.
Để thúc đẩy sân chơi bình đẳng giữa các sàn thương mại điện tử và các công ty kinh doanh truyền thống, Chính phủ Indonesia đã ra quy định mới theo đó buộc các công ty thương mại điện tử thu hộ thuế VAT từ các khách hàng của mình.
Theo quy định mới, các công ty thương mại điện tử được chỉ định có nghĩa vụ thu 11% VAT đối với các sản phẩm kỹ thuật số nước ngoài được bán ở Indonesia và có nghĩa vụ cung cấp chứng từ cho các cơ quan thuế dưới dạng hóa đơn bán hàng, biên lai đặt hàng hoặc các tài liệu tương tự khác.
Tiêu chí đối với các công ty thương mại điện tử được Chính phủ Indonesia chỉ định thu hộ thuế VAT bao gồm doanh thu từ 600 triệu rupiah mỗi năm và có hơn 12.000 lượt truy cập mỗi năm.
Trong thời gian gần đây, giới chức Indonesia đã tìm cách siết chặt quản lý thương mại điện tử. Hồi tháng 6/2022, Indonesia đã áp dụng thu thuế đối với các giao dịch mua sắm trực tuyến trên nền tảng kỹ thuật số bằng cách bắt buộc những người kinh doanh phải dán tem trị giá 10.000 rupiah lên các mặt hàng.
Hồi tháng 10 vừa qua, Indonesia cũng ban hành lệnh cấm bán hàng trên các mạng xã hội, với mục đích bảo vệ hàng triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước. Theo quy định mới, mạng xã hội chỉ được sử dụng làm nền tảng quảng cáo cho hàng hóa và dịch vụ chứ không được dùng cho các giao dịch. Các công ty không tuân thủ sẽ bị cảnh cáo hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh.
(theo Bnews)