Chính phủ Mỹ đã yêu cầu nhà thiết kế bán dẫn Nvidia ngừng ngay việc vận chuyển một số chip trí tuệ nhân tạo cao cấp của họ sang Trung Quốc, hãng tin RT đưa tin vào tuần này.
Theo đó, Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành một bộ hạn chế xuất khẩu chất bán dẫn mới nhằm thắt chặt các định nghĩa đối với chip AI tiên tiến và bổ sung các biện pháp phòng ngừa như yêu cầu cấp phép bổ sung.
Các hạn chế này dự kiến có hiệu lực 30 ngày sau ngày 17/10, khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố các biện pháp ngăn chặn các quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Iran và Nga, nhận chip AI tiên tiến do các công ty Mỹ thiết kế.
Nvidia đã được yêu cầu tạm dừng vận chuyển AI cao cấp được tạo ra cho thị trường Trung Quốc. Ảnh: RT.
Tuy nhiên, Nvidia cho biết họ đã được Washington thông báo hôm thứ Hai rằng các hạn chế xuất khẩu sẽ có hiệu lực kể từ ngày đó đối với tất cả các sản phẩm của họ vượt quá giới hạn hiệu suất bộ xử lý được cập nhật và được thiết kế hoặc tiếp thị cho các trung tâm dữ liệu.
Nhà sản xuất chip không cho biết lý do tại sao chính quyền Mỹ lại đẩy nhanh thời gian, nhưng nói thêm rằng họ không mong đợi tác động ngắn hạn đến thu nhập của mình từ động thái này.
Theo lệnh cấm xuất khẩu mới nhất, Nvidia phải tạm dừng việc giao các chip AI tiên tiến đã được sửa đổi A800 và H800 mà không có giấy phép. Cả hai con chip này đều được tạo ra cho thị trường Trung Quốc để thay thế cho bộ xử lý AI A100 và H100, vốn đã không còn tuân theo các hạn chế trước đây của Hoa Kỳ vào tháng 10 năm 2022.
Hai nhà sản xuất chip lớn khác của Mỹ là Advanced Micro Devices (AMD) và Intel, chuyên cung cấp chất bán dẫn AI cho Trung Quốc, cũng bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm vận mới nhất.
Intel, bắt đầu xuất khẩu chip Gaudi 2 sang Trung Quốc vào tháng 7, cho biết họ đang “xem xét các quy định và đánh giá tác động tiềm tàng”.
Người sáng lập nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC), ông Morris Chang, ngày 26/10 nhận định sự căng thẳng về công nghệ ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ kìm hãm ngành chip toàn cầu.
(theo Công luận)